Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu với lợi nhuận ước 815 tỷ đồng trong bán niên 2024, nhiều công ty thành viên của Tập đoàn đã ghi nhận mức lợi nhuận đột biến.
Các công ty thành viên của Vinachem ở các nhóm ngành phân bón, cao su, hóa chất… đều về đích quý II/2024 thắng lợi.
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận giá trị sản xuất theo giá thực tế ước đạt 27.136 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 31.308 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 815 tỷ đồng.
Trong đó, các đơn vị có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Công ty cổ phần DAP-Vinachem tăng 46 lần, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tăng 5 lần, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 4 lần, Công ty cổ phần công nghiệp Cao su Miền Nam tăng 2 lần...
Với kết quả này, Vinachem đã nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 1.118 tỷ đồng bằng 62% so với kế hoạch năm 2024. Lao động bình quân 6 tháng đầu năm của Tập đoàn gần 18.000 người. Tiền lương bình quân 13 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp thành viên bố trí đủ việc làm cho người lao động.
Nửa đầu năm Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã đáp ứng cao nhất các sản phẩm như phân bón, hoá chất, hoá mỹ phẩm, chất tẩy rửa, săm lốp… phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp.
Nhiều DN phân bón báo lãi mạnh trong bán niên 2024.
Lãi mạnh, thị giá cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử
Trong nhóm ngành phân bón, Công ty cổ phần DAP-Vinachem (MCK: DDV) đạt doanh thu hơn 941 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng tốc từ 885 triệu đồng trong quý II/2023 lên 64 tỷ đồng tại quý II/2024, tăng 7.131%.
Lũy kế bán niên, doanh thu của DAP - Vinachem đạt hơn 1.725 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 8.965% lên hơn 90 tỷ đồng. Kết thúc quý II, công ty đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu (3.234 tỷ đồng) và 34% lợi nhuận (67 tỷ đồng) đề ra cho cả năm 2024.
Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (MCK: LAS) có doanh thu thuần đạt 2.127 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ trong bán niên đầu 2024, tuy nhiên, lợi nhuận gộp tăng 28% lên 324 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng tăng mạnh 83% lên 119,8 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh tích cực này, sau 2 quý đầu năm, Supe Lâm Thao đã hoàn thành 60,3% mục tiêu doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra cho cả năm 2024.
Nhờ doanh thu bán hàng và lãi tiền gửi tăng mạnh, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình (MCK: NFC) – công ty thành viên do Vinachem nắm giữ 100% vốn điều lệ báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước và trả hết các khoản nợ tài chính ngắn hạn, dài hạn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 575,7 tỷ đồng, tăng 47,3%, hàng bị trả lại giảm hơn một nửa so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trong nhóm ngành cao su, báo lãi kỷ lục là Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (MCK: SRC) với doanh thu bán hàng đạt 335 tỷ đồng, tăng 19% so với quý II/2203. Lợi nhuận gộp thu về 46,9 tỷ đồng, tăng 26%.
Trong quý II/2024, công ty báo lợi nhuận sau thuế 113,8 tỷ đồng, cao gấp hơn 18 lần, tương đương 1.735% so với kết quả cùng kỳ, qua đó ghi nhận quý lãi kỷ lục kể từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2009.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của Cao su Sao Vàng đạt 517 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Công ty thu về 117,2 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 11,5 lần so với cùng kỳ. Kết quả này đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế, nhưng việc hoàn thành mục tiêu doanh thu mới được hơn ¼ chặng đường.
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (MCK: DRC) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 52% trong quý II/2024. Doanh thu thuần đạt 1.364 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn đến từ hàng xuất khẩu chiếm gần 70%.
Lũy kế bán niên 2024, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 126,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 67% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 44,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong nhóm ngành hóa chất, Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Công ty cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam (MCK: CSV) ghi nhận mức tăng trưởng tốt ở nhiều chỉ tiêu. Trong đó, doanh thu 481 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 34%. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp đạt 135 tỷ đồng, tăng trưởng 46%. Kết thúc quý 2, CSV lãi ròng 69 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, Doanh nghiệp đạt 832 tỷ đồng doanh thu, tăng 11%; lãi ròng 116 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, CSV thực hiện được 51% mục tiêu doanh thu và gần 61% kế hoạch lãi trước thuế năm.
Trên thị trường chứng khoán, trong nửa đầu tháng 7 vừa qua, sau khi Vinachem công bố ước tính kết quả kinh doanh, loạt cổ phiếu nhiều thành viên thuộc Vinachem đều diễn biến tích cực với nhiều mã vượt đỉnh lịch sử: BFC (+6,9%), SFG (+6,9%), LAS (+9,8%), DDV (+5,42%), CSV (+4,9%)…
Doanh nghiệp cao su cũng có nửa đầu năm làm ăn thuận lợi.
Đặt mục tiêu gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2024
Tập đoàn và các đơn vị thành viên thống nhất đặt ra mục tiêu 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế 6 tháng cuối năm 2024 đạt 39.629 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 52.554 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm.
Doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 đạt 26.961 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 56.556 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm. Lợi nhuận cộng hợp 6 tháng cuối năm 2024 đạt 1.095 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 1.911 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn lên kế hoạch sắp xếp lại công ty mẹ, đảm bảo cơ cấu lại Tập đoàn hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp hóa chất, nghiên cứu đầu tư có hiệu quả một số sản phẩm hóa chất có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đối với các đơn vị thuộc Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Vinachem chủ động xây dựng phương án ổn định sản xuất, gắn sản xuất với thị trường để đảm bảo tồn kho hợp lý, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.