Hãy là người đầu tiên thích bài này
Vì sao giá vàng thế giới tháng 8/2024 tăng vọt?

USD suy yếu, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, nhu cầu vàng của Ấn Độ tăng mạnh, dòng tiền đầu tư từ các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) phương Tây… được xem là những yếu tố khiến giá vàng thế giới tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Diễn biến giá vàng thế giới tháng 8/2024 cho thấy, đây là tháng đáng chú ý khi giá vàng ngày 20/8 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, chạm mốc 2.557 USD/ounce trước khi giảm nhẹ vào cuối tháng. Tính cả tháng, giá vàng đã tăng 3,6% đạt 2.513 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đạt đỉnh ngày 20/8/2024. Ảnh minh họa

Bình luận về diễn biến đáng chú ý này, đại diện của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho hay, theo Mô hình phân bổ lợi nhuận vàng (GRAM) của WGC, các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng tăng là do sự suy yếu của đồng đô la Mỹ và sự trượt dốc của lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy khả năng nhiều đợt cắt giảm lãi suất sẽ được thực hiện.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu vàng gần đây đã làm tăng nhu cầu vàng của nước này, có thể thấy qua nhu cầu mua vàng của các nhà bán lẻ trang sức và người tiêu dùng tăng mạnh. Cùng với đó, các quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng trên toàn cầu đã ghi nhận ​​dòng tiền chảy vào trong bốn tháng liên tiếp, chủ yếu từ các khoản đầu tư của quỹ phương Tây.

Dự báo diễn biến thị trường vàng sắp tới, WGC cho rằng, do các dữ liệu kinh tế đang có sự mâu thuẫn, rất khó để giải thích tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới càng làm tăng thêm sự bất ổn, thúc đẩy hoạt động của nhà đầu tư trên các thị trường quyền chọn. Việc nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua và bán vàng quyền chọn – một phân khúc đầu tư ít biến động hơn – đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, cho thấy động thái phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ của các nhà đầu tư đều liên quan đến chu kỳ cắt giảm lãi suất và bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo WGC, thị trường vàng tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn. Ảnh minh họa.

Trên toàn cầu, các chỉ số kinh tế vẫn tích cực, với mức tăng trưởng GDP đạt 2,5% và Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tổng hợp duy trì ở mức lạc quan. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất, đặc biệt tại châu Âu và Trung Quốc vẫn tiến triển chậm. Riêng tại Mỹ, tình hình kinh tế có nhiều sắc thái trái ngược. Trong khi chỉ số PMI tổng hợp có sự tăng trưởng nhẹ và tâm lý người tiêu dùng đã được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cùng với các khoản vay quá hạn ngày càng nhiều dự báo tiềm ẩn về căng thẳng kinh tế.

Theo ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu (trực thuộc WCG), khi các nhà đầu tư tìm cách đối phó với tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay, vàng ngày càng được xem như một biện pháp phòng ngừa rủi ro tức thì, đồng thời cũng được hưởng lợi từ khả năng lãi suất sẽ thấp hơn.

Bài phát biểu gần đây của Chủ tịch FED Jerome Powell tại Hội nghị Kinh tế Jackson Hole cho thấy, khả năng tổ chức này sẽ tiến hành nhiều đợt cắt giảm lãi suất là khá lớn. Mặc dù FED đã cho thấy tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế, thị trường lãi suất ngắn hạn vẫn không có sự thay đổi lớn, định giá gần 100 điểm cơ bản cho các đợt cắt giảm từ nay đến cuối năm. Cách làm này của FED có khả năng sẽ cân bằng giữa việc tránh suy thoái với nguy cơ tái diễn lạm phát.

Đỗ Doãn-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long