Hãy là người đầu tiên thích bài này
Vì sao cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn khối ngoại?

Sau khi nhúng dưới mốc 1.200 điểm trong phiên 20/11, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã kéo thị trường tăng bật trở lại, chỉ số VN-Index có chuỗi hồi phục khá tích cực với 6/8 phiên tăng điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, chỉ số VN-Index neo ở mức 1.250,46 điểm, tăng hơn 10,67% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, kể từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có mức tăng vượt trội so với thị trường chung và thu hút sự chú ý của khối ngoại.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Cổ phiếu có sự phân hóa mạnh

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng năm nay, nổi bật nhất phải kể đến cổ phiếu LPB của Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam khi tăng hơn 104% trong 11 tháng. Đóng cửa phiên ngày 29/11, LPB giữ ở mức 32.250 đồng/cổ phiếu, lọt vào top 5 cổ phiếu có mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu.

Việc đổi tên ngân hàng cùng với kết quả kinh doanh khả quan được cho là những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu này hút dòng tiền mạnh trong thời gian qua.

Kế đến là cổ phiếu TCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với mức tăng 53% trong 11 tháng nay. Năm 2024, TCB hút sự chú ý của giới đầu tư khi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cổ phiếu) và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ lên đến 100%.

Cổ phiếu HDB, MBB, NAB, CTG… cũng có mức tăng mạnh khi tăng từ 30-40% trong 11 tháng, cao hơn nhiều so với chỉ số chung VN-Index.

Ngược lại với xu hướng tăng mạnh của nhóm cổ phiếu trên, một số cổ phiếu ngân hàng lại ghi nhận mức giảm mạnh hoặc tăng thấp hơn so với VN-Index. Trong đó, VPB chỉ tăng hơn 5%; BID tăng chưa tới 8%; thị giá SHB hầu như không có nhiều thay đổi sau 11 tháng; còn OCB lại giảm gần 3% thị giá, ABB giảm gần 8%… Riêng SSB ghi nhận mức giảm mạnh nhất hệ thống trong 11 tháng qua, khi ghi nhận giảm tới hơn 19%.

Sự phân hóa cổ phiếu nhóm ngân hàng diễn biến đồng pha với kết quả kinh doanh và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trong thời gian qua. Đơn cử cổ phiếu LPB tăng giá mạnh trong bối cảnh LPBank ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế tăng 139% so với cùng kỳ năm trước, nợ xấu kiểm soát dưới 2% và hoàn thành 84% kế hoạch năm. Với kết quả này, LPBank hiện là ngân hàng niêm yết trên HOSE có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất hệ thống trong 9 tháng năm 2024.

Ngoài yếu tố cổ tức cao, cổ phiếu TCB ghi nhận sự tăng mạnh khi Techcombank là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế cao nhất hệ thống xét về giá trị tuyệt đối, khi đạt 22.800 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 33,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thị giá OCB giảm cùng chiều với kết quả lợi nhuận suy giảm gần 35% trong 9 tháng; hay ABB giảm hơn 66%...

Vẫn luôn hấp dẫn khối ngoại

Ở thời điểm hiện tại, dù thanh khoản thị trường chung vẫn chưa có nhiều cải thiện, song đây cũng là thời điểm khối ngoại quay trở lại mua ròng cổ phiếu, với 6 phiên mua ròng liên tiếp gần đây. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn luôn nhận sự chú ý của nhà đầu tư ngoại.

Đơn cử, trong tháng 11/2024, cổ phiếu CTG của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã có 20/21 phiên khối ngoại duy trì mua ròng, bao gồm cả các giao dịch thỏa thuận. Nhờ khối ngoại mua ròng, CTG không bị ảnh hưởng đáng kể từ đợt suy giảm của thị trường chung vừa qua.

Thống kê mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho thấy, kể từ đầu năm đến ngày 18/11/2024, khối ngoại đã bán ròng 85.243 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chỉ bị bán ròng 18.540 tỷ đồng, tương đương mức đóng góp 22%, trong khi vốn hóa ngành ngân hàng chiếm tới 40% vốn hóa thị trường.

Bên cạnh đó, năm nay ngành ngân hàng có sự kiện cổ đông chiến lược cũ của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) là Commonwealth Bank (CBA) thực hiện thoái 15% vốn, đóng góp chủ yếu vào lượng bán ròng của khối ngoại. Nếu loại trừ sự kiện bất thường này, lượng bán ròng của ngành ngân hàng chỉ chiếm khoảng 12% tổng lượng bán ròng toàn thị trường.

Cùng đó, ngành ngân hàng đang có 4 cổ phiếu đầy room ngoại là VIB, MBB, TCB và ACB. Do vậy, VPBankS cho rằng, ngành ngân hàng không phải là đối tượng chính mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn để thoái vốn.

Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, nhà điều hành quỹ PYN Elite (Phần Lan) nhận định lĩnh vực ngân hàng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong những năm tới.

Theo ông Petri Deryng, dù tốc độ tăng trưởng thu nhập gần đây của các ngân hàng niêm yết Việt Nam có chậm hơn, song hoạt động kinh doanh vẫn đang được mở rộng và vốn chủ sở hữu cũng đã được tích lũy đáng kể. Đặc biệt, với yếu tố vĩ mô thuận lợi, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7%/năm sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành ngân hàng tăng trưởng thời gian tới.

Nhà điều hành quỹ này cũng tiết lộ vừa chốt lãi một khoản đầu tư trong danh mục cổ phiếu ngân hàng khi tăng đến 60% trong một năm. Đáng chú ý, PYN Elite Fund đang phân bổ lại các khoản lợi nhuận này bằng cách duy trì vị thế nắm giữ tỷ trọng lớn trong các ngân hàng, nhắm mục tiêu vào các lựa chọn được quỹ kỳ vọng sẽ mang lại mức tăng thu nhập ấn tượng vào năm 2025.

Ở kỳ báo cáo gần đây, top 10 cổ phiếu trong danh mục của quỹ có tới 5/10 cổ phiếu ngân hàng; trong đó STB chiếm tới 20% tỷ trọng danh mục.  

"Các ngân hàng Việt Nam thậm chí có thể vượt trội hơn các công ty công nghệ Hoa Kỳ về mức tăng trưởng thu nhập. Dù vậy, giá cổ phiếu ngân hàng trong 3 năm qua đã diễn biến theo hướng ngược lại. Theo quan điểm quản lý rủi ro, hiện tại có thể là thời điểm tốt nhất để chuyển hướng phân bổ từ các cổ phiếu công nghệ sang cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang bị định giá thấp", ông Petri Deryng nhận định.

Dù vẫn còn một số quan ngại về chất lượng tài sản, rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, song nhiều cổ phiếu ngân hàng đang được các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ trong dài hạn.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS cho rằng, việc nhà đầu tư quan ngại về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đã được phản ánh vào định giá. Hiện mức P/B của ngành ngân hàng thấp hơn trung bình 10 năm, đây là mức định giá khá hấp dẫn. Chưa kể, trong thời gian tới, khi môi trường kinh doanh được cải thiện, ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng rất lớn.

Theo VPBankS, hiện P/B của ngành ngân hàng là khá hấp dẫn so với lịch sử khi chỉ có 1,5 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 1,8 lần. Đến cuối quý III/2024, chỉ có 5 ngân hàng có mức P/B tương đương mức trung bình ngành trở lên, trong đó  VCB và BID vẫn luôn giữ vị trí cao hơn trung bình ngành. Do đó, hầu hết các ngân hàng tư nhân lớn đang giao dịch quanh mức P/B khoảng 1,2-1,4 lần, vẫn dưới trung bình ngành nên nhà đầu tư có thể xem xét nắm giữ trong thời gian tới.

Hứa Chung (TTXVN)
Link gốc

Bình luận (12)

Tẩy chay bọn vpbankS

Ko bao giờ sử dụng vì khuyến nghị nguu, lùa gà nhé
19:45
Sàn chứng khoán đến nửa vốn hoá là ngân hàng, k mua ngân hàng lẽ nào đi mua rác?
21:00
Cổ shbô rác nhất nghành ngân hàng các quỹ lớn nước ngoài chẳng thèm mua luôn, phát hành trái phiếu cũng vậy luôn ko bán nổi một trái phiếu nào
21:16
 4

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long