Hãy là người đầu tiên thích bài này
VHH: Doanh nhân "Chiến Thành Đạt" đã "gia đình hóa" Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Chiến cùng nhiều người thân đang là cổ đông của Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, doanh nghiệp mới rút khỏi sàn chứng khoán. Vị đại gia này còn có liên quan đến nhiều pháp nhân khác, trong đó có Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt (UPCoM: VHH).

Như Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã phản ánh, cổ phiếu của Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng mới đây đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ra quyết định hủy giao dịch do không đáp ứng đủ điều kiện về công ty đại chúng. Không lâu sau đó, doanh nghiệp này đã trúng gói thầu có giá 254 tỷ đồng tại Sở Xây dựng Đà Nẵng, và gây nhiều chú ý khi có ‘Thư tự nguyện giảm giá’ sau khi đã được phê duyệt trúng thầu.

Là công ty được cổ phần hóa từ DNNN, đến trước lúc rời sàn chứng khoán vào quý 1/2024, cổ đông lớn nhất của Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng vẫn là UBND TP Đà Nẵng (nắm 30% cổ phần).

Trong danh sách cổ đông cá nhân của doanh nghiệp này, có sự xuất hiện của đại gia Nguyễn Đình Chiến và một loạt người thân của doanh nhân này.

Dù sở hữu cổ phần khá khiếm tốn, ông Chiến nắm giữ vai trò cao nhất tại DN với chức danh Chủ tịch HĐQT, trong khi nhiều người thân của đại gia này cũng góp mặt trong danh sách lãnh đạo Công ty.

Ông Nguyễn Đình Chiến và nhiều người thân nắm cổ phần Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng. Nguồn: Báo cáo quản trị Công ty, công bố quý 1/2024

Cụ thể, báo cáo quản trị mới nhất của Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng cho thấy, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Chiến và con trai Nguyễn Thành Đạt mỗi người đều sở hữu 8.000 cổ phiếu, tương đương 0,48% cổ phần Công ty. Vợ ông Chiến, bà Nguyễn Phi Nga sở hữu 97.300 cổ phiếu, tương đương 5,87% cổ phần. Bản thân vợ ông Chiến là Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Chí Dũng (anh vợ của ông Chiến) sở hữu 188.800 cổ phiếu, tương đương 11,39% cổ phần, đồng thời là Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Công ty. Em vợ của ông Chiến (tức em ruột bà Nga) là Nguyễn Ngọc Bích cũng nắm 0,48% cổ phần, và là Thành viên HĐQT Công ty.

Dưới sự chèo lái của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Chiến, Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng liên tiếp gặt hái những gói thầu giá trị cao tại Sở Xây dựng Đà Nẵng.

Đại gia 'Chiến Thành Đạt' và người thân chiếm 4/6 ghế HĐQT Công ty CP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng

Hệ sinh thái liên quan đại gia ‘Chiến Thành Đạt’

Cách đây ít lâu, tên tuổi ông Nguyễn Đình Chiến được nhắc nhiều trên truyền thông khi Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đầu tư dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort khá đình đám tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Thời điểm đó, ông Chiến còn được mô tả là ‘người kéo dự án du lịch 100 triệu USD của Nhật vào Đà Nẵng’.

Trên thực tế tại Đà Nẵng, doanh nhân Nguyễn Đình Chiến khá nổi danh và được biết đến với tên gọi đại gia ‘Chiến Thành Đạt’, gắn với Tập đoàn Thành Đạt do ông và vợ chèo lái.

Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt (MST 0400370157) đặt trụ sở tại 21 Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng do bà Nguyễn Phi Nga đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản, du lịch.

Đại gia 'Chiến Thành Đạt' (bên trái) trong lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng với Panasonic Việt Nam

Năm 2009, tên tuổi đại gia Nguyễn Đình Chiến được biết đến nhiều sau sự ra đời của Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước, trong đó ông Chiến giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Thời điểm thành lập, Công ty này có vốn điều lệ 235 tỷ đồng, ông Chiến sở hữu 28,5% cổ phần, vợ là Nguyễn Phi Nga sở hữu 60,6% cổ phần.

Sau nhiều biến động, quyền chi phối doanh nghiệp này rơi về tay nhóm Tập đoàn Phương Trang, gắn với một dự án bất động sản lớn ở cửa biển Đà Nẵng.

Cụ thể, vào năm 2010, Công ty Vịnh Thuận Phước được Đà Nẵng giao hơn 925.000m2 đất ngay chân cầu Thuận Phước để đầu tư dự án Khu đô thị, thương mại và dịch vụ phía Bắc vịnh Mân Quang. Trước đó, khu đất này từng được giao cho Vinashin làm nhà máy đóng tàu. Quá trình triển khai dự án sau đó không suôn sẻ do có tranh chấp giữa Công ty Vịnh Thuận Phước và Vinashin.

Năm 2017, UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án, đổi tên thành Khu đô thị mới Thuận Phước – Đà Nẵng, do Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước làm chủ đầu tư. Dự án sau đó được Kim Long Nam Group, pháp nhân liên quan Tập đoàn Phương Trang giới thiệu ra thị trường với tên thương mại Kim Long Ocean.

Sau lần thay đổi mới nhất (năm 2022), Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, đại diện pháp luật là TGĐ Trương Đình Trung (SN 1981, thường trú TPHCM).

Quá trình thực hiện dự án này, những biến động về sở hữu của Công ty Vịnh Thuận Phước cũng như mối liên quan giữa đại gia ‘Chiến Thành Đạt’ và Phương Trang, Kim Long Nam sẽ được Kinh tế Chứng khoán Việt Nam mổ xẻ trong bài viết khác.

Trở lại với hệ sinh thái có bóng dáng của ông Nguyễn Đình Chiến, hiện nay, doanh nhân này đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt, doanh nghiệp có trụ sở tại TP Huế đang đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã VHH.

Nhà Thành Đạt có tiền thân là Công ty CP Bất động sản Sông Đà (sau còn có tên là Công ty CP Đầu tư & Xây dựng VIWASEEN - Huế), hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng. Trong cơ cấu sở hữu, Chủ tịch Nguyễn Đình Chiến chỉ nắm 30.000 cổ phiếu, chiếm 0,4% cổ phần Công ty. Trong khi đó bà Nguyễn Ngọc Bích (em vợ) nắm hơn 1 triệu cổ phiếu VHH, tương đương 14,07% cổ phần.

Nhà Thành Đạt (VHH) do đại gia Chiến Thành Đạt lèo lái liên tục kinh doanh dưới giá vốn, lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng

Cổ đông lớn nhất của VHH là Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng, nắm 17,6% cổ phần Công ty. Doanh nghiệp này có địa chỉ đặt tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, hiện có đại diện pháp luật là ông Trịnh Trung Tín. Được biết, ông Tín còn đại diện cho loạt doanh nghiệp khác, trong đó có Công ty CP Thành Đô Thuận Phước, Công ty TNHH Phương Trang – Hà Nam.

Nhà Thành Đạt có một công ty con là Công ty CP Đầu tư Route Inn Huế. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 10,6 tỷ đồng, trong đó Nhà Thành Đạt nắm 99,06% quyền biểu quyết.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã quyết định duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu VHH do báo cáo tài chính năm của Nhà Thành Đạt vướng ý kiến kiểm toán ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên, liên quan đến các khoản nợ phải thu, phải trả của Công ty.

Năm 2023, doanh thu của Nhà Thành Đạt ở mức 50,4 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với năm 2022. Công ty tiếp tục tái diễn tình trạng kinh doanh dưới giá vốn như năm 2022, khiến lãi gộp ở mức âm 2,1 tỷ đồng. Khấu trừ hết các khoản phí, Nhà Thành Đạt thua lỗ 5,9 tỷ đồng trong năm 2023, tăng lỗ so với cùng kỳ.

Tổng tài sản Công ty tại 31/12/2023 còn hơn 51 tỷ đồng; giảm 3,4 tỷ đồng so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 93,2% tài sản ngắn hạn, cho thấy chất lượng tài sản rất xấu, doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn lớn.

Trong khi đó, nợ phải trả của Nhà Thành Đạt tăng lên 33,5 tỷ đồng, cao gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu. Đến hết năm tài chính 2023, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này tăng lên 61,6 tỷ đồng.

Cao Thái-Link gốc

Bình luận (1)

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long