Theo Chủ tịch Vinatex, thời gian chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn áp thuế quan mới là "90 ngày thử lửa" cho sức bền và tinh thần gắn kết của cả hệ thống trong tập đoàn.
Ngành dệt may chạy nước rút 90 ngày. Ảnh: Vinatex
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa tổ chức sơ kết quý 1/2025 trong bối cảnh thị trường đối mặt với biến động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành.
Theo báo cáo của Vinatex, trong quý 1/2025, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn ước đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 165,5%. Nguyên nhân tăng trưởng mạnh được giải thích do nhiều doanh nghiệp ngành sợi thoát lỗ, các đơn vị ngành may giữ vững đơn hàng và cải thiện hiệu quả sản xuất.
Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp ngành sợi đã có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2 đến nay, thị trường bắt đầu ghi nhận xu hướng sụt giảm cả về giá bán và nhu cầu tiêu thụ, chủ yếu do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, giá bông thế giới cũng liên tục lao dốc, khiến thị trường càng thêm bất ổn. Các đơn hàng sợi hiện được chốt theo nhu cầu thực tế, yêu cầu giao gấp, tránh tích trữ tồn kho, và giá cả phải điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Đối với ngành may, nhiều doanh nghiệp đã chốt đủ đơn hàng cho đến hết quý 2/2025 và đang trong quá trình đàm phán các đơn hàng cho quý 3. Tuy nhiên, trong quý 1/2025 có xu hướng khách hàng thúc đẩy giao hàng sớm nhằm đề phòng những tác động bất ngờ từ chính sách thuế của Mỹ. Bước sang quý 2, thị trường bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng khi các đối tác chờ đợi rõ hơn về chính sách thương mại mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước những thay đổi bất ngờ từ phía Mỹ, các doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn Vinatex đã chủ động cập nhật tình hình sản xuất - kinh doanh cũng như phản hồi nhanh với các khách hàng quốc tế. Khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế vào ngày 3/4 (giờ Việt Nam), nhiều đối tác nước ngoài đã tạm dừng việc đặt hàng khiến thị trường tạm thời chững lại. Tuy nhiên, ngay khi thông tin về việc tạm hoãn áp thuế được công bố vào ngày 10/4, khách hàng đã lập tức yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất trong thời hạn 90 ngày.
Để ứng phó, các doanh nghiệp đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp từ trước, tập trung vào thương lượng lại với khách hàng trên tinh thần hợp tác, mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nguồn nguyên phụ liệu thay thế, đồng thời siết chặt công tác quản trị để tăng tốc hoàn thiện các đơn hàng đã ký cho quý 2/2025.
Theo nhận định từ tập đoàn, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tại thị trường Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ không sụt giảm đáng kể, do lượng hàng tồn kho đã trở lại mức thấp sau đại dịch Covid-19, đồng thời thị trường kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực hơn trong chính sách thuế.
Lãnh đạo tập đoàn cho rằng, đây là thời điểm đặc biệt, đòi hỏi toàn hệ thống phải vận hành trong tinh thần khẩn trương nhưng không nóng vội, giữ vững sự tỉnh táo và chiến lược. Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh rằng, những biến động thị trường hay thuế suất cao không phải là điều quá mới mẻ đối với ngành dệt may - một lĩnh vực từng đối mặt với nhiều sóng gió mà vẫn khẳng định được vị thế là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới.
"Trong tình hình hiện tại, điều cần thiết nhất không phải là lo lắng mà là giữ tinh thần kiên cường, bền bỉ, gắn bó và sẵn sàng tăng tốc làm việc với hiệu quả cao nhất trong vòng 90 ngày tới," Chủ tịch Vinatex chia sẻ.
Theo ông Trường, các đơn vị trong toàn hệ thống cần khởi động lại cơ chế phối hợp chặt chẽ như giai đoạn cao điểm của Covid-19, từ phương thức làm việc đến chia sẻ thông tin. Đồng thời, việc chủ động lập quỹ dự phòng tại các đơn vị là rất cần thiết để chuẩn bị cho những kịch bản thị trường bất lợi.
Song hành với chiến dịch sản xuất, ban sản xuất kinh doanh may được giao nhiệm vụ chủ trì việc rà soát chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, ưu tiên sử dụng nguồn vải trong nội bộ tập đoàn nếu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được hướng dẫn phân loại chi tiết các mặt hàng và thị trường có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế mới, nhằm phục vụ cho việc đàm phán với khách hàng và định hướng chiến lược sắp tới.
Ngoài ra, ban lãnh đạo tập đoàn cũng sẽ tích cực đề xuất với Chính phủ các chính sách hỗ trợ cần thiết nhằm ổn định sản xuất và đời sống người lao động. Trong bối cảnh ngành dệt may đang chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ và tạo việc làm cho gần một triệu lao động trực tiếp, Vinatex kiến nghị cho phép đại diện cơ quan điều hành được tham gia nhóm giúp việc cho đoàn đàm phán của Chính phủ, từ đó có thể cập nhật, phản ánh và kiến nghị kịp thời những vấn đề phát sinh của ngành.
"90 ngày thử lửa chính thức khởi động và Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang bước vào giai đoạn nước rút với tinh thần đoàn kết, sáng suốt, linh hoạt và quyết liệt. Đây là thời điểm để mỗi cán bộ, công nhân viên cùng các đơn vị thành viên đồng lòng vượt khó, phát huy tối đa nội lực để ngành dệt may tiếp tục vững vàng tiến lên phía trước," lãnh đạo Vinatex chia sẻ.
Trước đó hôm 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ vẫn áp mức thuế 10% đối với nhiều đối tác trên thế giới, còn mức thuế đối ứng cao hơn sẽ hoãn 90 ngày để các bên tiếp tục đàm phán. Theo ông chủ Nhà Trắng, quyết định này có hiệu lực "ngay lập tức" và trong số các đối tác tạm hoãn áp mức thuế đối ứng cao này có Việt Nam.
Bình luận (1)





