Tháng 4 năm 2025, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tròn 30 năm xây dựng và phát triển (29/4/1995-29/4/2025). Ba thập kỷ hoạt động của Tập đoàn có thể chia ra làm 3 giai đoạn chính với những thành tựu trong từng giai đoạn.
*Giai đoạn thứ nhất từ năm 1995 đến năm 2005 là giai đoạn tập hợp các đơn vị doanh nghiệp dệt may trên cả nước dưới sự quản lý của Bộ Công nghiệp nhẹ trước đây về chung một mái nhà là Tổng công ty Dệt- May Việt Nam. Đây là giai đoạn toàn ngành rơi vào khủng hoảng của thị trường. Tất cả thị trường ở khối xã hội chủ nghĩa cũ đều bị giải tán. Trong khi đó, do cấm vận nên hàng hóa dệt may Việt Nam xuất khẩu ra các quốc gia Tây Âu và Mỹ gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn này, với vai trò lãnh đạo chỉ đạo chung toàn bộ các doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp nhà nước trên cả nước, Tổng công ty Dệt- May Việt Nam đã hình thành được cơ chế hoạt động mang tính chất liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong toàn Tổng công ty, đặc biệt là đã khắc phục được những yếu kém hạn chế và khủng hoảng trong sản xuất kinh doanh ở nhiều đơn vị trên cả nước mà điển hình là Tổng công ty Dệt Nam Định.
Nhà máy Dệt Nam Định, nay là Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định
Đến hết năm 2005, Tổng công ty Dệt – May Việt Nam đã hình thành được hệ thống sản xuất trên cả nước với một bộ máy tổ chức và quản lý liên thông trên toàn quốc có sự tương trọng, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị trong ngành. Có thể nói, đến năm 2005, mô hình Tổng công ty 91 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ở Tổng công ty Dệt- May Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nên một cơ chế hoạt động mới giữa các doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương trở thành một cơ chế hoạt động hữu cơ giữa các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty.
*Giai đoạn thứ 2 từ năm 2005 đến năm 2015 là giai đoạn Tổng công ty Dệt- May Việt Nam và sau này là Tập đoàn Dệt May Việt Nam, từ năm 2006 đã tích cực vận động để chuẩn bị hội nhập với quốc tế, trong đó chủ yếu là tham gia các hội tư vấn xúc tiến để Việt Nam gia nhập WTO của ngành dệt may.
Tiếp đó là tham gia các đoàn đàm phán Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP, nay là CPTPP, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- Châu Âu, Hiệp định Thương mại với liên minh Kinh tế Á Âu, cùng với đó là quá trình đổi mới quản trị doanh nghiệp mà đi đầu là cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp trong toàn Tổng công ty. Từ năm 2001 đến năm 2012 về cơ bản tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã được CPH, hoạt động theo mô hình cổ phần. Từ các doanh nghiệp cổ phần nhà nước chi phối đến các doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối, có sự tham gia của nhiều cổ đông khác nhau là cổ đông trong nước, cổ đông nước ngoài đã thực sự đem lại sức sống đổi mới quan trọng cho Tập đoàn.
Cùng với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, trong 10 năm, từ năm 2005 đến 2015, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Tổng sản lượng tăng gấp khoảng 3 lần trong năm 10 năm, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 3 lần và đặc biệt là hiệu quả của các doanh nghiệp đã tăng trên 5 lần trong 10 năm đó. Các doanh nghiệp đã có được năng lực cạnh tranh, giữ được thị trường, khách hàng phát triển ổn định trên toàn thế giới và thực sự đã có chỗ đứng quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may của toàn thế giới, được sự tin cậy của nhiều thương hiệu hàng hóa lớn trên thế giới đối với dệt may và đến năm 2015, ngành dệt may Việt Nam cũng đã có vị thế đứng thứ 3 trên toàn thế giới.
Đây là những thành tựu hết sức quan trọng trong 20 năm đầu tiên, hình thành phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam mà vai trò là hạt nhân của toàn ngành, thúc đẩy ngành mở rộng, phát triển, kêu gọi đầu tư, tích cực tham gia hội nhập quốc tế, phát triển các mối liên hệ với các khách hàng lớn trên toàn cầu và trở thành một quốc gia có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
*Giai đoạn thứ 3 từ năm 2015 đến nay khởi đầu bằng việc Tập đoàn Dệt May Việt Nam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đây là Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên hoàn thành việc CPH công ty mẹ.
Đặc biệt là việc bán vốn cho các cổ đông đã thu được kết quả hết sức tốt đẹp với 47% vốn của nhà nước đã được bán cho các cổ đông nước ngoài, các cổ đông là các pháp nhân và thể nhân ở trong nước. Mô hình Tập đoàn cổ phần đã phát huy sức mạnh hiệu quả trong 10 năm qua. Có thể nói đến thời điểm này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam khẳng định được năng lực cạnh tranh của mình tương đương các Tập đoàn tư nhân, Tập đoàn nước ngoài khác đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may, duy trì được tăng trưởng và đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn đã tương đương với các doanh nghiệp khác.
Toàn Tập đoàn có sự kết nối hữu cơ giữa các đơn vị và hình thành được chuỗi cung ứng trong hệ thống các doanh nghiệp từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất may mặc hoàn chỉnh. Bước đầu đã xây dựng được các trung tâm thiết kế sản phẩm để hướng tới sản xuất các sản phẩm từng thiết kế, thoát tỉ lệ may gia công ngày càng nhỏ đi, tập trung cho phát triển sản phẩm FOB, các sản phẩm được bán từng thiết kế, đảm bảo được năng lực kiểm tranh, gia tăng được hiệu quả. Và năm 2020 cũng là năm Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã công bố và xây dựng chiến lược mới của mình, trong đó khẳng định chiến lược trong giai đoạn tới là hình thành một chuỗi cung ứng các sản phẩm xanh về thời trang phục vụ cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là mục tiêu vừa phù hợp với xu thế của thế giới, vừa khẳng định vị thế tiên phong của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong phát triển, hội nhập với thế giới trong xu thế kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và cũng là chuyển đổi số, kinh tế số trong thời gian tới. 30 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam với 3 giai đoạn nổi bật đều đem lại những dấu mốc son mới cho sự phát triển của Tạp đoàn, cũng như đóng góp quan trọng và sự phát triển của ngành DM Việt Nam trở thành một trong 3 quốc gia lớn nhất trên thế giới về sản xuất, xuất khẩu dệt may.
Thời gian đầu phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, chúng ta dựa nhiều trên những lợi thế về lao động và xuất phát điểm còn thấp của quốc gia. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã phải đối diện với nhiều thách thức hơn khi Việt Nam trở thành một nước phát triển ở mức độ trung bình và hướng tới trở thành một nước phát triển vào năm 2045. Những lợi thế về lao động, về tiền lương không còn phát huy được trong giai đoạn tới.
Chính vì thế, trong giai đoạn mới để có thể vươn mình phát triển và duy trì được vị thế của mình trong chuỗi dịch may toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng phải chuyển đổi phương thức kinh doanh. Từ chỗ là những đơn vị riêng lẻ cạnh tranh theo từng doanh nghiệp, trở thành một khối chung cạnh tranh theo toàn Tập đoàn, khai thác triệt để mối liên hệ cho sản xuất chuỗi, từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất hàng may mặc. Và đặc biệt là phát triển thiết kế hàng hóa dệt may, thiết kế thời trang và hướng tới là nhà cung cấp giải pháp trọn gói cho các hãng thời trang trên toàn cầu. Cùng với việc cạnh tranh theo chuỗi, chúng ta cũng phải tích cực, nhanh chóng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng kinh tế tuần hoàn.
Có thể kể đến như hợp tác với Tập đoàn Coats (Vương quốc Anh) sản xuất vải và trang phục chống cháy – một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức; nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ sợi lõi Filament – một công nghệ tiên tiến giúp tạo ra những sản phẩm dệt may chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Tập đoàn đã xây dựng Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang Vinatex để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành “một điểm đến” cũng như hình thành chuỗi liên kết dệt kim vững mạnh, tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có về quy mô, uy tín của Tập đoàn, với năng lực đủ kết nối, hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ kéo sợi, dệt nhuộm, hoàn tất và cắt may.
Xây dựng năng lực cạnh tranh mới mang tính chất năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh toàn Tập đoàn sẽ là yếu tố quyết định để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng, khẳng định vị thế bền vững hơn và quan trọng nhất là có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu trong thời gian tới. Khơi thông được nguồn lực tập trung của tất cả các đơn vị trở thành năng lực cạnh tranh của toàn Tập đoàn sẽ là yếu tố quyết định để chúng ta có một giai đoạn mới phát triển thăng hoa hơn, bền vững hơn và đem lại hiệu quả tốt đẹp hơn cả cho doanh nghiệp, cho xã hội và cho người lao động.





