Tổng công ty Viglacera - CTCP tham gia tài trợ sự kiện và mang đến không gian Pavillon Viglacera Aurora độc đáo. Lấy ý tưởng từ Cực quang (Aurora), hiện tượng tự nhiên xuất hiện ở những vùng cực trên trái đất, khi các phân tử khí trong không khí tương tác với các hạt điện tử mặt trời. Viglacera tôn vinh Aurora để khích lệ lối sống bảo vệ nét đẹp tự nhiên, chân thực, bảo vệ những điều vốn có trong bản thể vũ trụ.
Viglacera Aurora diễn ra ở đâu?
Pavillon Viglacera Aurora được thực hiện tại vườn hoa 19/8, một vườn hoa nhỏ, có hướng nhìn chính ra Quảng trường Cách mạng tháng 8, chiếu sang Nhà hát lớn Hà Nội. Chính tại đây, sẽ diễn ra một không gian trình diễn vũ điệu của Ánh sáng & Màu sắc, kết hợp với các ý tưởng sáng tạo từ Hệ sinh thái vật liệu xây dựng Xanh của Viglacera.
Liệu các sản phẩm vật liệu xây dựng trong hệ sinh thái của Viglacera sẽ được sắp đặt như thế nào để biểu đạt và mang tới một “Cực Quang thu nhỏ” - một “bức tranh mãn nhãn” với ngũ quan cảm xúc được đánh thức sống động nhất?
Nghệ sĩ Nguyễn Duy Nhựt và đội ngũ sáng tạo của Viglacera đã làm gì để đưa vườn hoa 19/8 trở thành Pavillon “Viglacera Aurora” với mong muốn tạo lập hình ảnh một Viglacera ngày mới rực rỡ, với những sản phẩm mang Thương hiệu Quốc gia uy tín, lại có bề dày lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển?
Bức thông điệp “Nghệ thuật vì cuộc sống”
Câu trả lời là đây! Chọn chủ đề "Cực Quang" nhưng không chỉ mô phỏng hình ảnh hiện tượng tự nhiên kỳ lạ, mà để truyền đi một nguồn năng lượng tích cực, gợi mở sự yêu thương và sẻ chia trong cộng đồng, đặt sự chú ý và quan tâm vào những điều bình dị nhất.
Trên tinh thần đó, công nghệ 3D mapping được sử dụng để tạo nên một không gian triển lãm nghệ thuật đa chiều, với những sắc màu lung linh chiếu trên những vật liệu xây dựng hiện đại, cùng mong muốn để mỗi người xem có thể tìm thấy trong đó cảm xúc của bản thân mình. Pavillon “Viglacera Aurora” được hai nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Nhựt và Phạm Khiết Tường sáng tạo từ nền tảng 6 tác phẩm nghệ thuật tác động trực tiếp tới thị giác mang tên: Nguồn sống/ Thế giới Song song/ Chiến binh/ Mây Đa sắc/ Phố/ Đất….
Tác phẩm Nguồn sống với ý tưởng một bông hoa được nuôi dưỡng bằng nguồn nước tinh khôi, được chăm chút chu đáo & phát triển rực rỡ. Cũng như thế giới này sẽ đẹp và bền vững bởi ý thức sống xanh của mỗi người. Tác phẩm được tạo bởi hệ sinh thái các vật liệu chủ chốt của Viglacera cùng những chùm ánh sáng sắp đặt xuyên qua các khối vật liệu trong suốt và nhiều góc cạnh tựa pha lê, tạo nên những hiệu ứng bất ngờ.
Tác phẩm Chiến binh đặt bao quanh Nguồn sống - giống như một hành lang bảo vệ nguồn sống, bảo vệ tầng ozon. Lấy tạo hình chiến binh từ hình ảnh người xưa, tác phẩm chủ ý hướng về nguồn cội, tạo nên cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, ví như xây một cây cầu nối giữa các thế hệ, tạo nên một thế giới mới - nơi mà những giá trị xưa cũ có thể được tái sinh một cách sống động trong xã hội đương đại.
Tác phẩm Đất được đặt tại vị trí trung tâm, cũng là Giao lộ của các hướng tiếp cận từ vườn hoa vào Pavillon. “Đất” gồm 16 tác phẩm tranh gạch – mang dấu ấn thương hiệu Eurotile, một thương hiệu gạch ốp lát cao cấp của Viglacera và được tín nhiệm cao trên thị trường. Đất giống như một hành trình nội tâm. Dưới bề mặt phẳng lặng chứa đựng quá trình biến đổi từ những gì già cỗi thành mầm sống mới. Không ai nhìn thấy quá trình ấy, nhưng mỗi mầm sống nhỏ bé nhất đều là bằng chứng cho sự cống hiến và trao tặng thầm lặng của Đất. Giống như cách một người mẹ chăm sóc con mình. Thế nên vị trí tác phẩm Đất đặt ở trung tâm không gian Pavillon, chính là tôn vinh nét đẹp bình lặng mà luôn tự toả sáng từ trong tâm thức của mỗi con người.
Tác phẩm Thế giới Song song: Điều khác biệt được tạo thành bởi sự tương tác giữa các tấm gương luôn chuyển động trong gió. Ánh sáng luôn phản chiếu đến những tấm gương ấy từ nhiều góc độ. Đứng trong lòng Thế giới Song song, mỗi chúng ta tự khắc trở thành một phần của tác phẩm. Và tự khơi lên ý muốn mãnh liệt sẽ khám phá những góc nhìn khác về chính bản thân mình. Thế giới Song song nhắc nhở chúng ta luôn mang trong mình nhiều trách nhiệm, nhiều thử thách, nhưng không ai đơn độc. Mỗi người chắc chắn sẽ tìm thấy những người bạn đồng tâm, đồng hành, mọi chông gai hóa thành điều bình dị.
Tác phẩm Mây Đa sắc: Được cách điệu từ những hình ảnh đặc trưng của tranh dân gian Hàng Trống, nhưng điểm sáng tạo ở chỗ tạo những dải màu rực rỡ trên nền chất liệu nhựa tái chế. Pavillon Viglacera Aurora muốn chuyển tải từ đây một tín hiệu: Trong một thế giới tràn ngập những điều tưởng chỉ có thể bỏ đi, nhưng không thiếu gì cách giảm thiểu những tác hại đến môi trường và mang lại cho chúng một đời sống mới, giá trị mới. Nguồn cảm hứng từ thế giới này luôn là điều gì đó bất tận, chỉ cần ta để trái tim mình luôn rộng mở!
Tác phẩm Phố: sự kết hợp của Kính siêu trắng, Gạch gió từ chất liệu Đất sét nung kết hợp hiệu ứng Ánh sáng huyền ảo để “vẽ” hình mây trong phố. Chúng ta tìm thấy ở đây những nét thân quen như những con đường dài và nhỏ rất đặc trưng của phố phường Hà Nội. Những lát cắt giao thoa & đan xen của một đô thị giàu truyền thống bên cạnh sông Hồng lịch sử. Nơi phố thị phồn hoa ấy, có những góc tĩnh lặng đối lập những mảng tấp nập sôi động. Để rồi ánh mắt mỗi khách tham quan sẽ tự nhiên bị hút lại nơi những căn nhà chân chất mộc mạc nhưng luôn tràn ngập ánh sáng hạnh phúc.
Tựu trung lại, sự hiện hữu của những vật liệu như gạch bê tông khí, tấm panel lõi thép với kính cùng những chất liệu khác nhau như bê tông, đá gạch, nhựa tái chế, sắt hàn, kính, inox, gỗ và dây đay đã trở thành một tổng thể Pavillon vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính cộng đồng. Điều đó gần gũi như chính ngôi nhà chúng ta đang sống. Viglacera cũng chính là như vậy, một Hệ sinh thái xanh với rất nhiều chủng loại vật liệu đa dạng được âm thầm kiến tạo trong hành trình 50 năm bền bỉ xây dựng và phát triển, đã mang lại cho ngành Xây dựng Việt Nam và thị trường Việt Nam những bước đột phá quan trọng.
Về “Thành phố Sáng tạo” và “Lễ hội Thiết kế sáng tạo”
Hà Nội được UNESCO công nhận là "Thành phố Sáng tạo" vào năm 2019 trong Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Đây là một sự công nhận đáng tự hào cho những nỗ lực và tiềm năng của thành phố trong việc thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển bền vững.
Là một trong số ít các thành phố ở châu Á được vinh danh, Hà Nội đã thể hiện xuất sắc trong việc bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo. Với lịch sử phong phú và đa dạng, từ các làng nghề truyền thống đến những không gian nghệ thuật hiện đại, Hà Nội không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn tiên phong trong việc sáng tạo để phát triển tương lai. Danh hiệu này cũng giúp Hà Nội kết nối với các thành phố sáng tạo khác trên toàn cầu, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm. Nhờ đó, Hà Nội có thể phát triển bền vững và trở thành một trung tâm sáng tạo quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội chính là một trong những minh chứng cho tinh thần sáng tạo và cam kết của thành phố trong việc duy trì và phát huy danh hiệu này. Các hoạt động sáng tạo được tổ chức không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa mà còn tạo động lực cho cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, sẽ diễn ra từ ngày 09/11 đến 17/11/2024. Sự kiện này do Sở Văn hoá và Thể thao cùng Tạp chí Kiến trúc thực hiện, với sự phối hợp của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, thành đoàn Hà Nội, và nhiều tổ chức khác.
Bước sang năm thứ 4, Lễ hội Thiết kế sáng tạo với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ tập trung vào ba trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Lần đầu tiên, lễ hội sẽ được tổ chức dọc theo 7 công trình di sản lịch sử của Hà Nội, với hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, và điện ảnh.
"Giao lộ sáng tạo" không chỉ nhằm mục đích hình thành tuyến trải nghiệm Kinh tế sáng tạo cho thành phố, mà còn thể hiện tiềm năng sáng tạo của Hà Nội, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo, đồng thời đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội. Các hoạt động sáng tạo sẽ là cuộc đối thoại giữa những công trình hiện hữu và ý tưởng sáng tạo mới, nhằm nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong việc tiếp nối và phát huy các giá trị dân tộc, thúc đẩy Hà Nội phát triển trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.
Ngoài ra, tinh thần sáng tạo sẽ được lan toả tại các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, và làng nghề truyền thống trên khắp địa bàn Hà Nội. Ban Tổ chức cũng kêu gọi sự tham gia của các tổ chức và cá nhân trong việc trưng bày và chia sẻ các sáng kiến sáng tạo của mình tại sự kiện.
Bình luận (4)