Cổ phiếu CTCP Vạn Đạt Group (UPCoM: VDG) từng tăng giá phi mã gấp 3 lần chỉ trong 7 phiên chào sàn UpCom. Sau những nhịp tăng shock, Vạn Đạt Group đang bắt đầu kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
"Tân binh" tăng phi mã gấp 3 lần sau 7 phiên chào sàn
CTCP Vạn Đạt Group (Mã: VDG), thành lập ngày 20/08/2019, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, do ông Trần Văn Anh làm đại diện pháp luật. Gần đây, cổ phiếu của công ty này đã trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán, đặc biệt kể từ khi chính thức giao dịch trên sàn UPCoM.
Cổ phiếu Vạn Đạt Group (VDG) từng tăng shock liên tục trong 7 phiên đầu chào sàn. Đến nay, công ty bắt đầu phát hành cổ phiếu để huy động vốn. (Ảnh TL)
Ngày 26/9, VDG ra mắt thị trường với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phiếu. Điều đáng chú ý là chỉ trong vòng hơn một tuần, cổ phiếu này đã liên tục tăng trần, đưa thị giá lên mức 35.100 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 4/10. Đồng nghĩa giá của cổ phiếu VDG đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 7 phiên đầu tiên chào sàn.
Điều đáng chú ý là là khối lượng cổ phiếu giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ khoảng 15.000 đơn vị, với ngày có thanh khoản cao nhất cũng chỉ đạt 39.000 đơn vị (ngày 2/10). Cùng lúc đó, mã VDG thường xuyên ghi nhận dư mua giá trần trên 10.000 đơn vị mỗi phiên, cho thấy sự mất cân đối cung cầu đáng kể.
Trước sự gia tăng phi mã của cổ phiếu, Vạn Đạt Group đã đưa ra văn bản giải trình. Theo lãnh đạo công ty, giá cổ phiếu chịu sự tác động của thị trường và tâm lý nhà đầu tư, đồng thời khẳng định doanh nghiệp không có bất kỳ yếu tố đột biến nào trong hoạt động kinh doanh để giải thích cho biến động này.
Hiện tại, sau 2 tháng lên sàn, cổ phiếu VDG đã "hạ nhiệt", giảm xuống vùng giá 20.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ vài nghìn cổ phiếu.
Sau nhịp tăng shock, Vạn Đạt Group muốn tăng vốn
HĐQT của CTCP Vạn Đạt Group đã trình ĐHĐCĐ phương án phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá, và HĐQT được ủy quyền quyết định các chi tiết cụ thể. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 1 hoặc quý 2 năm 2025, sau khi có sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Kế hoạch huy động vốn này được công bố ngay sau khi cổ phiếu VDG của Vạn Đạt tăng mạnh gấp 3 lần trong 7 phiên đầu kể từ ngày chào sàn (26/9/2024), tạo nên sự chú ý lớn trên thị trường chứng khoán. Điều này đã đặt ra những dấu hỏi về động lực đằng sau đà tăng sốc của cổ phiếu, bất chấp khối lượng giao dịch èo uột mỗi phiên.
Trước đó, công ty cũng đã thông báo kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 10% (danh sách chốt vào ngày 4/12) và phát hành ESOP với tỷ lệ 5% (thời gian chưa công bố), tổng cộng bổ sung 775.000 cổ phiếu. Nếu hoàn tất các đợt phát hành này cùng với đợt phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên gần 118 tỷ đồng.
Về mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành riêng lẻ, Vạn Đạt dự kiến thu tối thiểu 60 tỷ đồng. Trong đó, 10 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào vốn lưu động, còn 50 tỷ đồng được phân bổ cho hai mục tiêu: nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn Đạt.
Một nội dung đáng chú ý khác là giao dịch với người liên quan, được HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt. Theo đó, Vạn Đạt dự kiến nhận chuyển nhượng lô đất rộng 2.564m² tại khu phố Hòa Long, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, từ Chủ tịch HĐQT Trần Văn Anh với giá trị hợp đồng 28 tỷ đồng. Con số này lớn hơn 35% tổng tài sản của công ty và sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.
Đồng thời, Vạn Đạt cũng dự kiến mua lại 2,5 triệu cổ phiếu của Bất động sản Vạn Đạt từ chính ông Trần Văn Anh với tổng giá trị mệnh giá 25 tỷ đồng, thời gian thực hiện tương tự. Được biết, Bất động sản Vạn Đạt, thành lập ngày 25/9/2017 tại tỉnh Bình Dương, đã tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 205 tỷ đồng vào tháng 8/2021. Chủ tịch HĐQT Trần Văn Anh hiện đồng thời là giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty này.