Hơn 10 năm sau khi thương vụ thâu tóm ngược của đại gia Năng "Do Thái" đã khiến dư luận chấn động thì tới năm 2024, Vicostone bất ngờ báo lãi "rơi" thê thảm, chỉ còn hơn 807 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024, CTCP Vicostone (HNX: VCS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.102 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm từ 340,7 tỷ xuống còn hơn 286,7 tỷ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm từ 29,5% xuống 26%.
Ảnh chụp màn hình: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 của Vicostone
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ 4,6% lên hơn 24,8 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục ghi nhận tăng là lãi tiền gửi, tiền cho vay, từ gần 5 tỷ lên 13,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi chênh lệch tỷ giá ghi nhận suy giảm từ 18,7 tỷ xuống còn gần 11 tỷ đồng.
Chi phí tài chính ghi nhận giảm từ 21,6 tỷ xuống còn 16,3 tỷ đồng nhưng các loại chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lại đều ghi nhận tăng, lần lượt lên 51,1 tỷ và hơn 19,6 tỷ đồng.
Cuối cùng, Vicostone báo lãi trước và sau thuế đạt 222,6 tỷ và 189,1 tỷ đồng; lần lượt giảm 21% và 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu: Báo cáo tài chính các năm do Vicostone công bố trên website
Luỹ kế cả năm 2024, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng đạt 4.322 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế giảm 4,6% xuống còn hơn 807 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả lợi nhuận thấp nhất của Công ty trong vòng 9 năm, kể từ năm 2016 tới nay.
So với kế hoạch kinh doanh năm, Công ty mới chỉ thực hiện gần 94% kế hoạch doanh thu năm (dự kiến đạt 4.602 tỷ đồng) và 92% kế hoạch lợi nhuận năm khi kết thúc năm tài chính 2024.
Số liệu: Báo cáo tài chính các năm do Vicostone công bố trên website
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Vicostone gần như đi ngang so với hồi đầu năm ở mức 6.468 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 13% lên hơn 1.584 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận có hơn 1.816 tỷ đồng. Các khoản mục khác biến động không đáng kể.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả ghi nhận giảm 8,4% xuống còn 1.358 tỷ đồng. Trong đó, hơn 97% đến từ nợ ngắn hạn với hơn 1.328 tỷ đồng và vỏn vẹn hơn 30,7 tỷ đồng đến từ nợ dài hạn.
Trong năm 2024, Vicostone ghi nhận có hơn 965 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính (chiếm 71% tổng nợ). Tuy nhiên, chi tiết các khoản nợ vay không được Công ty thuyết minh chi tiết.
CTCP Vicostone do ông Hồ Xuân Năng hiện đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đây là 2 cái tên gât “sốt” trong giới doanh nghiệp niêm yết vào năm 2014 với thương vụ thâu tóm ngược huyền thoại. Không chỉ có khối tài sản cả chục ngàn tỷ đồng, ông Năng còn là một vị tỷ phú tự thân Việt được nhiều người nể trọng bởi tài năng kinh doanh, sự khôn ngoan và thông thái. Giới kinh doanh gọi đại gia này với biệt danh “Năng Do Thái”.
Nhìn lại cú thâu tóm ngược đi vào huyền thoại…
Năm 2014, Vicostone đạt kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng với doanh thu hơn 2.000 tỷ và lãi ròng 212 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kì năm trước.
Trước sự tăng trưởng vượt bậc này, Vicostone đã nằm trong tầm ngắm thâu tóm của Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa).
Cuối tháng 8/2014, Phenikaa đã hoàn tất mua 58% cổ phần và trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát của Vicostone. Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lúc này tăng lên đến 72,5%.
Đại gia Năng “Do Thái”, Chủ tịch HĐQT Vicostone
Tuy nhiên, sau đó không lâu, với đề xuất của nhóm cổ đông Phenikaa, đồng thời được sự đồng ý của hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng đã mua lại phần vốn góp của Phenikaa. Đến 31/12/2014, tức chỉ hơn 3 tháng sau khi Phenikaa thâu tóm Vicostone, ông Năng đã mua vào và sở hữu tới 54 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn điều lệ của Phenikaa.
Qua đó, ông Năng đã thâu tóm ngược lại Phenikaa, đồng thời nắm đủ số cổ phần để kiểm soát luôn cả Vicostone. Động thái này của ông Năng đã gây sửng sốt trong giới doanh nghiệp khi đó.
Trước khi thực hiện thương vụ thâu tóm thế kỷ, ông Hồ Xuân Năng lúc đó là Giám đốc do Vicostone bổ nhiệm, không sở hữu cổ phần nào.
Theo Báo cáo thường niên Vicostone năm 2010, tại thời điểm cuối 2009 ông Hồ Xuân Năng mới sở hữu 382.904 cổ phiếu VCS tương ứng gần 3% vốn cổ phần. Số cố phần VCS ông Năng thực nắm không nhiều, đến giữa năm 2016 cũng chỉ mới hơn 513.000 cổ phiếu.
Điều này càng khiến dư luận xôn xao hơn khi thành công từ 2 bàn tay trắng trở thành người đứng đầu cả hệ sinh thái.
Theo báo cáo quản trị 2024, ông Hồ Xuân Năng hiện đang trực tiếp sở hữu hơn 5,9 triệu cổ phiếu VCS và hơn 134,6 triệu cổ phiếu do Phenikaa nắm giữ. Chiếu theo thị giá giao dịch ngày 5/2, cổ phiếu VCS hiện đang ở mức 60.400 đồng/cổ phiếu, tương đương đại gia Năng "Do Thái" sở hữu khối tài sản lên tới hơn 8.400 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu VCS trong vòng 1 năm. Ảnh: FireAnt





