Vietcombank trở thành Ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống (83.557 tỷ đồng) sau khi hoàn tất việc tăng vốn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và triển khai chương trình ASXH
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Vietcombank đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh:
Ông Nguyễn Thanh Tùng (bên trái) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank trao tượng trưng kinh phí 100 tỷ đồng hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát ủng hộ cho địa phương.
Triển khai mạnh mẽ, đa dạng theo phân khúc, đối tượng, ngành lĩnh vực với nhiều Chương trình lãi suất cho vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 2%/năm và trung dài hạn chỉ từ 5%/năm.
Tích cực triển khai các chính sách giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33; Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Chủ động triển khai chính sách giảm lãi suất hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2024 từ ngày 01/04/2024 - 30/06/2024: mức giảm tối đa 0,5% đối với khoản vay hiện hữu và lên tới 1,5%/năm với nhu cầu vay vốn mới tại Vietcombank.
Trước những ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng do bão Yagi gây ra, Vietcombank đã triển khai “Chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 - Yagi”. Theo đó, Vietcombank giảm tối đa lên tới 2%/năm lãi suất cho vay tương ứng với các tiêu chí và có tính tới yếu tố địa bàn và ngành nghề bị ảnh hưởng nặng của bão lũ và ngành nông, lâm, ngư nghiệp, áp dụng từ ngày 06/09/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Đến hết năm 2024, ước tính có hơn 110 nghìn khách hàng được giảm lãi suất với quy mô dư nợ khoảng 900 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng dư nợ, tổng tiền lãi giảm khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng. Những chương trình và hành động thiết thực của hệ thống Vietcombank thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao vì mục tiêu chung hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Năm 2024, Vietcombank tiếp tục phát huy sứ mệnh ngân hàng xanh, sẻ chia cùng cộng đồng thông qua hàng loạt các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng với tổng ngân sách gần 571 tỷ đồng. Tiêu biểu là việc hưởng ứng chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng, sửa chữa trường học, trạm y tế, trao học bổng, trao sổ bảo hiểm xã hội và thẻ y tế cho người khó khăn...
Kiện toàn nhân sự quản lý cấp cao và hoàn thiện cơ cấu tổ chức
Năm 2024, bộ máy nhân sự cấp cao của Vietcombank được kiện toàn, giúp nâng cao chất lượng công tác quản trị điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đ/c Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW (bên phải) trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng đ/c Nguyễn Thanh Tùng, tân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank.
Theo đó, tháng 7/2024, ông Nguyễn Thanh Tùng được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Vietcombank nhiệm kỳ 2020-2025, được bổ nhiệm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị và ngày 22/11/2024 được chỉ định tham gia BCH Đảng bộ Khối DNTW;
Ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc được giao nhiệm vụ phụ trách Ban điều hành Vietcombank…
Trong năm 2024, nhân sự lãnh đạo tại Hội sở được bổ nhiệm, các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng được bố trí luân chuyển, sắp xếp lại phù hợp dựa trên năng lực, kinh nghiệm, tạo động lực thúc đẩy, gia tăng năng suất và hiệu quả hoạt động toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức thông qua việc chính thức thành lập Khối Vốn và Thị trường từ tháng 02/2024. Việc thành lập Khối Vốn và Thị trường phù hợp với xu thế phát triển của thị trường, góp phần tách bạch, chuyên môn hóa chức năng quản trị, kinh doanh, bán hàng của các bộ phận nguồn vốn, qua đó tối ưu mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vốn.
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước và tăng vốn điều lệ cho Vietcombank
Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Giá trị vốn nhà nước đầu tư bổ sung là 20.695 tỷ đồng và nhờ đó tổng Vốn điều lệ tăng thêm là 27.666 tỷ đồng.
Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với Vietcombank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung với giá trị đầu tư bổ sung vốn của nhà nước cao nhất từ trước đến nay. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, Vietcombank sẽ trở thành Ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống (83.557 tỷ đồng), xứng tầm với vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của các NHTM Nhà nước.
Vốn điều lệ tăng thêm là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các dự án quan trọng Quốc gia; duy trì và phát huy vai trò chủ lực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế; đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo quy định; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém; góp phần thực hiện Chiến lược của ngành ngân hàng đến năm 2030.
Năm 2024, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu Top 10 Ngân hàng nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam với tổng số nộp NSNN gần 12.000 tỷ đồng.
Ngân hàng thu xếp vốn cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia
Trong năm 2024, phát huy vai trò của một ngân hàng chủ đạo, chủ lực, Vietcombank đã đầu mối thu xếp vốn cho hàng loạt các dự án trọng điểm và trọng điểm quốc gia, tái cấu trúc tài chính nhằm tối ưu hóa chi phí vốn cho khách hàng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 10 từ trái sang), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (thứ 9 từ trái sang) cùng đại diện Vietcombank - đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank và các đối tác tại Lễ ký kết.
Ký kết Hợp đồng khung thu xếp cấp tín dụng Chuỗi dự án khí Lô B giữa PVN và EVN;
Ký kết hợp đồng cấp tín dụng (hợp vốn) trị giá 1,8 tỷ USD cho Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc “Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1” do Vietcombank đầu mối hợp vốn với Vietinbank và BIDV;
Ký kết Hợp đồng khung tài trợ Dự án Mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây;
Vietcombank và TKV Power (Thuộc Vinacomin) ký kết Dự án NMNĐ Na Dương 2 với giá trị trên 2.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietcombank thực hiện tái cấu trúc các khoản vay nước ngoài của các Tập đoàn, TCT nhà nước từ đó góp phần nâng cao hiệu quả tài chính cho các Dự án và giảm nợ công: Dự án Nhà máy NĐ Mông Dương 1 của EVNGenco3 giá trị hơn 2.000 tỷ đồng; Dự án ALumin Nhân cơ của Vinacomin giá trị 1.800 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 giá trị 1.100 tỷ đồng…
Phát hành thành công 2000 tỷ đồng trái phiếu xanh vào tháng 11/2024
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam đồng thời tuân thủ tự nguyện Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), khác với các TCTD đã phát hành trước đó đều chỉ tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khung trái phiếu xanh của Vietcombank lần đầu tiên được ban hành và được tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín S&P Global đánh giá cao với xếp hạng Medium Green (mức cao thứ hai trong thang sáu bậc theo khung đánh giá Shade of Green của S&P Global), khẳng định chất lượng, sự tuân thủ, tính minh bạch ở cấp độ cao trong việc lựa chọn dự án, quản lý giải ngân nguồn tiền từ phát hành, các chế độ về quản trị và báo cáo của Vietcombank.
Việc phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh đầu tiên vào ngày 14/11/2024 là cột mốc quan trọng trong chiến lược quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp của Vietcombank. Đây cũng là cam kết mạnh mẽ của Vietcombank về phát triền bền vững, ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.
Dẫn đầu thị trường trong việc cung cấp dịch vụ xác thực Sinh trắc học cho khách hàng
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất triển khai hai hình thức cập nhật thông tin online trên ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng bao gồm đăng ký online qua ứng dụng VCB Digibank sử dụng công nghệ “quét” NFC và Đăng ký online sử dụng kết nối App-to-App với Tài khoản định danh điện tử (VNeID). Ngoài ra, khách hàng có thể cập nhật thông tin sinh trắc học tại gần 600 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc qua Tablet. Bên cạnh đó, Vietcombank đã nhanh chóng tổ chức triển khai làm việc ngoài giờ hành chính và làm thêm vào cuối tuần để phục vụ khách hàng.
Vietcombank là ngân hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ đầu tiên với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) để ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực Sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao bảo mật, phòng chống gian lận, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.
Vận hành thành công Hệ thống máy chủ và hệ thống lưu trữ mới phục vụ ngân hàng lõi
Ngày 16/11/2024, Vietcombank đã golive thành công Hệ thống máy chủ và hệ thống lưu trữ mới phục vụ ngân hàng lõi - Core Banking giai đoạn 2024-2028.
Đây là dự án có tính chất đặc biệt quan trọng trong việc củng cố và phát triển nền tảng hạ tầng CNTT của Vietcombank, theo đó việc golive thành công đã góp phần tăng hiệu năng và khả năng đáp ứng của hệ thống Core Banking; đảm bảo dịch vụ hoạt động an toàn, ổn định và liên tục 24/7, từ đó đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số cũng như việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới của Vietcombank trong giai đoạn từ 2024-2028.
Hệ thống máy chủ và hệ thống lưu trữ mới còn giúp tăng không gian lưu trữ, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch, tăng khả năng xử lý song song nhiều giao dịch cùng một lúc, và rút ngắn thời gian xử lý cuối ngày.
Ra mắt giao diện VCB Digibank hoàn toàn mới
Ngày 18/6/2024, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. Đây là đợt cập nhật lớn nhất kể từ khi ra mắt lần đầu năm 2020 với toàn bộ giao diện và luồng trải nghiệm được thiết kế mới hoàn toàn cho từng phân khúc khách hàng: Giao diện Tiêu chuẩn (dành cho mọi khách hàng); Giao diện Priority (dành cho khách hàng Ưu tiên); Giao diện YouPro (dành cho phân khúc khách hàng trẻ).
Ngày 01/10/2024, Vietcombank tiếp tục đưa ra thị trường phiên bản VCB Digibank đặc biệt phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của nhóm khách hàng lớn tuổi với thiết kế tinh gọn, chữ to, số lớn, dễ nhớ, dễ thao tác.
VCB Digibank hoàn toàn mới thực sự được thị trường đón nhận với ~ 11 triệu KH đã chuyển đổi lên phiên bản mới, chiếm ~ 72% tổng số lượng KH Digibank active lũy kế của Vietcombank - được đánh giá là thành công nhất trong các đợt chuyển đổi kênh số cho khách hàng cá nhân tại Vietcombank cũng như so sánh với các ngân hàng trên thị trường, tạo ấn tượng đặc sắc về 1 Vietcombank với cam kết “Khách hàng là trung tâm - Chuyển đổi số là cốt lõi”.
Cùng với việc nâng cấp các giải pháp ngân hàng số cho khách hàng cá nhân, trong năm 2024, Vietcombank đã ra mắt phiên bản tiếng Trung, Nhật, Hàn (ngoài phiên bản tiếng Anh) của ứng dụng iB@nking, giúp nâng cao trải nghiệm cho nhóm khách hàng FDI; cung cấp các giải pháp ngân hàng số cho các nhóm dịch vụ thiết yếu như VCB i-School, VCB i-Care, VCB i-Feed…
Vietcombank - “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á”
Năm 2024, Vietcombank liên tiếp được các tạp chí có uy tín của khu vực và toàn cầu đánh giá rất cao, được vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng lớn: 12 năm liên tiếp đứng trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (theo Forbes); “Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam” lần thứ 7 liên tiếp (theo The Asian Banker); Ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam hai năm liên tiếp (theo Brand Finance); dẫn đầu Bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng tốt nhất năm 2024 (theo Decision Lab); “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á năm 2024” do HR Asia Magazine trao tặng ở tất cả 4 hạng mục và các giải thưởng uy tín khác đã nâng tầm vị thế Vietcombank trong khu vực và quốc tế….
Ở trong nước, Vietcombank lần thứ 9 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia; dẫn đầu Top 10 ngân hàng sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024; lần thứ 5 liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”; dẫn đầu danh sách ngân hàng uy tín, công ty đại chúng uy tín, hiệu quả năm 2024; thương hiệu mạnh dẫn đầu ngành ngân hàng; được vinh danh và nhận 2 giải thưởng quan trọng tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2024; giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 3 giải pháp số cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.
Nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam
Ngày 17/10/2024, NHNN đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) do Nhà nước là chủ sở hữu 100% vốn cho Vietcombank theo Phương án được Chính phủ phê duyệt.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Thống đốc NHNN cùng đại diện Vietcombank và CB tại Lễ công bố.
Chuyển giao bắt buộc (CGBB) là một trong các phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt được quy định tại Luật các TCTD. Việc Chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động, dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh….
Việc CGBB CB cho Vietcombank được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi CB, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và cán bộ công nhân viên Vietcombank; thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vào uy tín, năng lực, kinh nghiệm của Vietcombank; khẳng định vai trò của Vietcombank đối với việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cơ cấu các TCTD.