Tuy không còn tình trạng âm vốn chủ sở hữu như năm tài chính 2021 nhưng tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Vinaconex 5 vẫn ở ngưỡng khá cao.
Quý III/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (Vinaconex 5, UpCOM: VC5) ghi nhận doanh thu thuần đạt 429,7 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Song giá vốn hàng bán được tiết giảm nhẹ, theo đó giúp Vinaconex 5 thu về hơn 22 tỷ đồng lợi nhuận gộp, cap gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tại phần thuyết mình cho thấy, quý này công ty không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tất cả khoản thu của doanh nghiệp chủ yếu đều đến từ hợp đồng xây dựng, đạt hơn 412 tỷ đồng
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng là điểm sáng khi tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước lên hơn 6 tỷ đồng, chủ yếu là tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay. Do đó, dù quý III/2023 nhiều chi phí có sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng Vinaconex 5 vẫn báo lãi sau thuế hơn 5,8 tỷ đồng, vượt xa so với khoản lợi nhuận 970 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Vinaconex 5 thu về 1.369 tỷ đồng doanh thu và 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 5% và tăng 35% so với cùng kỳ.
Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết đến nay, đã nhiều năm nay công ty xây dựng này chỉ thu về vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng doanh thu cho cả năm, lợi nhuận cũng thường xuyên âm nặng, ảnh hưởng đến cả vốn chủ sở hữu.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của công ty tăng 6% lên 2.555 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới 41% và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 40% tổng tài sản.
Cụ thể, Vinaconex 5 ghi nhận có 411 tỷ đồng phải thu từ khách hàng, hơn 372 tỷ đồng trả trước cho người bán, hơn 187 tỷ đồng tạm ứng và nhiều khoản thu khác. Công ty không trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cho tất cả các khoản thu trên.
Đối với hàng tồn kho, đa số nằm ở khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tăng 24% so với đầu năm lên 990 tỷ đồng. Ngoài ra tại cuối quý III/2023, công ty ghi nhận có 72 tỷ đồng nằm ở khoản mục nguyên liệu, vật liệu, tăng gấp 18 lần so với đầu năm.
Nợ phải trả của Vinaconex 5 tính đến cuối quý III/2023 đạt 2.214 tỷ đồng, chiếm tới 86% tổng tài sản và cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu, cơ cấu nợ có 597 tỷ đồng nợ vay tài chính. Tất cả các khoản vay của công ty xây dựng này đều là vay ngân hàng, chủ nợ lớn nhất tính đến hết tháng 9/2023 là Ngân hàng Công thương Việt Nam – CN3 với 585 tỷ đồng.
Cùng với đó, công ty có tới 1.053 tỷ đồng nằm tại khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn và không thuyết minh chi tiết về khoản mục này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VC5 đã bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/7/2023 do công ty chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 theo thời hạn quy định. Đồng thời, mã này cũng tiếp tục bị duy trì diện hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC năm 2022 kiểm toán, có vốn chủ sở hữu âm trong năm 2021 và bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ý kiến đối với báo cáo này.
Hiện mã này gần như không có giao dịch trong các phiên, đang nằm tại vùng giá 800 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 25/10).
Công ty Cổ phần Xây dựng số 5, tiền thân là Công ty Xây dựng số 5 được thành lập năm 1973. Công ty được cổ phần hóa năm 2004. Là thành viên của Tổng Công ty Vinaconex, công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, thuỷ lợi và kinh doanh bất động sản..