Từng là những thương hiệu bia rượu rất nổi tiếng với người tiêu dùng, nhưng gần đây cả bia Việt Hà hay vang Thăng Long đều 'kêu' khó khăn vì nghị định 100.
Theo chuyên gia, nghị định 100 xử phạt đối với người uống rượu bia sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành này trong năm 2023 - Ảnh: MAI CÔNG
Doanh số của ngành rượu bia nói chung gặp không ít thách thức trong bối cảnh sức mua sụt giảm...
Điều gì tác động doanh số bia Việt Hà?
Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (gọi tắt Công ty Việt Hà) là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành với nhiều thương hiệu, trong đó nổi trội nhất vẫn là bia Việt Hà.
Kinh doanh mấy năm gần đây của Công ty Việt Hà không nhiều suôn sẻ, trong bối cảnh ngành đồ uống có cồn đối mặt loạt thách thức.
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ 2023, Việt Hà đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập đạt 337 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 25,1 tỉ đồng.
Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 2023. Nhưng nhìn lại năm 2022, doanh nghiệp này đã không đạt kế hoạch doanh thu bán bia rượu được cổ đông giao phó.
Cụ thể theo báo cáo, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm bia đạt 16,35 triệu lít, bằng 71,1% so với kế hoạch năm và bằng 99,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm rượu đạt 440 lít, chỉ bằng 10,8% so với kế hoạch và bằng 75% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu thuần 2022 là 187 tỉ đồng, chỉ đạt 65% kế hoạch. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 22,63 tỉ đồng, tăng 37,3% kế hoạch, nhưng giảm 14,7% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Việt Hà cho biết hãng đã quyết định tăng giá bán các sản phẩm bia hai lần một năm, gây ra phản ứng khá tiêu cực. Mặc dù dưới áp lực tăng giá nguyên vật liệu, các hãng bia đều có động thái tăng giá nhưng Việt Hà vẫn chịu áp lực lớn.
Một lý do lớn khác mà lãnh đạo công ty cũng chỉ ra: Nghị định 100 tiếp tục gây ra tác động trực tiếp và mang tính dài hạn.
"Sau dịch COVID-19, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới sản lượng tiêu thụ các hãng bia, trong đó có bia Việt Hà", đại diện hãng bia cho hay. Ngoài ra, hãng bia này cũng nhắc tới một số lý do khác như sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng, thời tiết, sức mua giảm sút khi kinh tế khó khăn…
Hầu hết các lý do tác động đến doanh số hãng bia Việt Hà đề cập trên vẫn còn "ám ảnh" với thị trường bia nói chung suốt cả năm 2023. Do vậy, những kỳ vọng về việc đột phá doanh thu, lợi nhuận của hãng bia khu vực miền Bắc này không phải quá khả quan.
Vang Thăng Long chỉ còn… vang bóng
Từng là thương hiệu rượu vang nội địa đầu tiên của Việt Nam, Công ty cổ phần Vang Thăng Long cũng đang tỏ ra ngày càng "đuối sức" trong bối cảnh thị trường ngập tràn rượu ngoại.
Theo báo cáo tài chính cập nhật gần đây nhất, quý 1-2023, doanh thu lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục đi xuống.
Trong đó, doanh thu thuần đạt hơn 3,5 tỉ đồng, giảm hơn 87% so với cùng kỳ. Hãng rượu này tiếp tục lỗ gần 4 tỉ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 3-2023, Vang Thăng Long đã lỗ lũy kế gần 67 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo Vang Thăng Long, công ty tiếp tục chịu tác động kép của nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và đại dịch COVID-19 gây khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa.
Một số doanh nghiệp bán rượu khác cũng khó khăn kéo dài, như Halico - chủ thương hiệu Vodka Hà Nội. Dù quý 4-2023 đã bớt lỗ, nhưng vẫn đau đầu với khoản lỗ lũy kế hơn 457 tỉ đồng.
Ngành bia còn "đau đầu"?
Mức tiêu thụ bia 2022 của Việt Nam là 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới. Virac - một đơn vị nghiên cứu thị trường - cho rằng Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bia.
Cuối năm 2022, theo dự báo của Virac, ngành bia Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kép là 11%/năm trong giai đoạn 2023 - 2026.
Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ của ngành bia nói chung không đạt được như kỳ vọng, theo Virac.
Ngoài nghị định 100, theo Virac, giá nguyên liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành bia.
Mở màn quý 4-2023, một doanh nghiệp bia công bố chuyển từ lãi sang lỗ 1,2 tỉ đồng, đó là Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD).