Vàng, bạc và bạch kim không chỉ là tài sản trú ẩn an toàn mà còn phản ánh xu hướng công nghệ và công nghiệp mới.
Thị trường kim loại quý đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, khi các yếu tố cung - cầu của vàng, bạc và bạch kim dịch chuyển theo căng thẳng địa chính trị và xu hướng công nghiệp. Tuy vậy, theo các chuyên gia phân tích tại Saxo Bank, cả ba kim loại vẫn đóng vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư.
Suốt nhiều thập kỷ, các tài sản này đóng vai trò “hàng rào chống lạm phát, tấm đệm trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị, và trụ cột của danh mục đa dạng hóa”. Tuy nhiên, vai trò đó đang tiếp tục tiến hóa.
“Các ngân hàng trung ương vẫn tích trữ vàng, củng cố vị thế của vàng như một tài sản dự trữ. Trong khi đó, áp lực lạm phát vẫn bất định, và nhu cầu bạc, bạch kim đang dần dịch chuyển sang sử dụng công nghiệp, đặc biệt trong năng lượng mặt trời và công nghệ sạch” - họ lưu ý.
Diễn biến giá vàng thế giới những phiên giao dịch gần đây. Biểu đồ: Phan Anh
Trong bối cảnh này, chỉ gọi kim loại quý là "kênh trú ẩn an toàn" thì chưa đủ. Câu hỏi đúng hơn là: an toàn trước điều gì, và trong bao lâu?”.
Saxo Bank coi vàng là thước đo chuẩn để so sánh mọi kênh trú ẩn khác.
“Qua nhiều thế kỷ, vàng đã bảo toàn giá trị tài sản theo cách ít tài sản nào sánh được, nhất là trong giai đoạn rủi ro hệ thống. Khác với phần lớn hàng hóa, vàng không bị tiêu thụ hay mất giá - nó được cất giữ. Điều đó đã khiến vàng khác biệt. Chức năng chính của vàng không phải công nghiệp mà là tiền tệ” - các chuyên gia nhận định.
Hiện các ngân hàng trung ương toàn cầu nắm giữ hơn 36.700 tấn vàng, với dự trữ lớn nhất thuộc Mỹ, Đức và Trung Quốc. “Lượng vàng này chiếm khoảng 17% tổng số vàng từng được khai thác. Đối với nhiều quốc gia, dự trữ vàng là một cách đa dạng hóa, vừa củng cố uy tín tài chính, vừa bảo vệ trước biến động tiền tệ hay cú sốc địa chính trị. Đây cũng là lý do nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương vẫn ổn định và thường tăng mạnh khi bất ổn toàn cầu leo thang.
Với nhà đầu tư cá nhân, vàng thường có hiệu suất tốt nhất khi lãi suất thực thấp hoặc âm, khi tiền pháp định bị áp lực mất giá, hoặc khi thị trường sụt giảm mạnh. Vai trò của nó như hàng rào chống lạm phát ngắn hạn còn nhiều tranh luận, nhưng xét dài hạn, vàng luôn giữ được sức mua qua các chu kỳ lạm phát” - các chuyên gia viết
Trong khi đó, các chuyên gia Saxo nhận định bạc dung hòa giữa vai trò trú ẩn và công dụng công nghiệp cụ thể.
“Bạc kết hợp hai câu chuyện đầu tư: nơi lưu giữ giá trị và hàng hóa công nghiệp. Vai trò kép này mang đến sự linh hoạt - vừa là công cụ phòng vệ khi thị trường biến động, vừa có tiềm năng tăng giá trong giai đoạn kinh tế mở rộng. Chính tính đa năng này khiến nó phức tạp và biến động hơn vàng".
Diễn biến giá bạc thế giới những phiên gần đây. Biểu đồ: Phương Anh
Họ cho biết hơn 50% nhu cầu bạc toàn cầu đến từ lĩnh vực công nghiệp. “Đặc điểm này khiến bạc kém nhất quán hơn vàng với vai trò trú ẩn, nhưng lại nhạy bén hơn trong thời kỳ tái lạm phát hoặc lạm phát do tăng trưởng. Bạc có thể vượt trội khi rủi ro giảm bớt, nhưng cũng thường tụt lại nếu nhu cầu công nghiệp suy yếu.”
Giá mỗi ounce bạc thấp hơn cũng giúp nhà đầu tư cá nhân dễ tiếp cận, trong khi quỹ ETF bạc và hợp đồng tương lai duy trì thanh khoản cao cho các khoản phân bổ lớn hoặc ngắn hạn.
Về phần mình, bạch kim gắn chặt với các ứng dụng công nghệ cao.
“Bạch kim nổi bật nhờ độ hiếm và tầm quan trọng công nghiệp. Nó hiếm hơn nhiều so với vàng hay bạc, và phần lớn được khai thác tại Nam Phi, Nga. Sự tập trung địa lý này khiến nguồn cung dễ bị gián đoạn, dù hiện các lệnh trừng phạt lên kim loại cơ bản của Nga được đánh giá chưa ảnh hưởng lớn đến thị trường bạch kim trong ngắn hạn” - Saxo Bank cho biết.
Khác với vàng, giá bạch kim chủ yếu chịu tác động từ nhu cầu công nghiệp. “Khoảng 40% nhu cầu bạch kim toàn cầu đến từ ngành ôtô, nơi nó rất cần thiết để sản xuất bộ lọc khí thải cho xe động cơ đốt trong. Ngoài ra, bạch kim được sử dụng trong lọc dầu, thiết bị y tế, và có tiềm năng ứng dụng trong công nghệ pin nhiên liệu hydro, dù mức độ tác động còn khiêm tốn do tốc độ triển khai chậm hơn dự kiến” - họ nhấn mạnh.
Về việc phân bổ vốn đầu tư, Saxo Bank khuyến nghị nhà đầu tư nên dành khoảng 2-5% tổng tài sản cho danh mục đầu tư thận trọng, trong đó phần lớn là vàng. Với các danh mục cân bằng hơn hoặc nhạy cảm với lạm phát, tỷ trọng có thể tăng lên khoảng 10%, đặc biệt trong thời kỳ bất ổn tiền tệ hoặc khi giá trị đồng tiền bị giảm sút.





