Hãy là người đầu tiên thích bài này
Văn hóa dầu khí: Phát huy sức mạnh nội sinh làm nền tảng cho phát triển bền vững

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XV ngày 23/8/2024, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: “Đối với người làm dầu khí, năng lực trước hết và bao trùm là năng lực văn hóa, thứ hai là năng lực quản trị, thứ ba là năng lực chuyên môn”.

Năm 2024 là một năm đặc biệt, đánh dấu 63 năm phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, một ngành được coi là “mạch máu” của nền kinh tế nước nhà. Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp cũng được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đặc biệt chú trọng. Nó không chỉ là lực lượng dẫn dắt, mà còn thể hiện quyết tâm, ý chí thống nhất của lãnh đạo tập đoàn và cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp, đơn vị thành viên.

Hòa cùng khí thế của đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang thúc đẩy triển khai văn hóa doanh nghiệp, các hoạt động được đầu tư lớn, tổ chức bài bản trên cả nước, phù hợp với từng vùng miền, từng đơn vị trong Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam.

Nói đến văn hóa dầu khí là nói đến tinh thần luôn đổi mới, luôn kế thừa, sáng tạo. Văn hóa của người dầu khí không chỉ là vẻ đẹp, là thứ tạo nên sức mạnh bên trong mà còn là sự lan tỏa, chia sẻ với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội.

Người dầu khí vừa thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, vừa đem cái giá trị cốt lõi của mạch nguồn văn hóa người dầu khí đến với cộng đồng. Mạch nguồn ấy “cháy bùng” lên trong rất nhiều việc làm ấm áp tình người. Có rất nhiều ngôi nhà tình nghĩa, rất nhiều cây cầu, rất nhiều ngôi trường được các đơn vị thành viên của tập đoàn xây dựng tại các địa phương, các khu vực đồng bào vùng sâu, vùng xa, đời sống còn vô cùng khó khăn.

Nổi bật trong các đơn vị thành viên của Petrovietnam là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị luôn được tập đoàn đánh giá là “lá cờ đầu” của ngành dầu khí Việt Nam, được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao. PV GAS luôn đứng trong top đầu các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam; đứng trong Top 20 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, top doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường; nhiều năm liên tiếp đứng trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn...

Năm 2024, tổng công ty dự kiến hoàn thành vượt mức kế hoạch tất cả các chỉ tiêu. Cụ thể, về sản lượng, PV GAS dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó kinh doanh LPG đạt sản lượng kỷ lục; khí tiếp nhận (bao gồm LNG nhập khẩu) đạt gần 7 tỷ m3, bằng 102% kế hoạch; khí sản xuất và cung cấp (bao gồm khí tái hóa từ LNG) đạt trên 6,4 tỷ m3, bằng 102% kế hoạch; condensate sản xuất và tiêu thụ trên 76.000 tấn, bằng 100% kế hoạch; LPG sản xuất đạt 392.000 tấn, bằng 101% kế hoạch; LPG kinh doanh đạt gần 3,1 triệu tấn, bằng 166% kế hoạch, tăng 25% so với năm 2023, chiếm 70% thị phần LPG toàn quốc; trong đó kinh doanh LPG quốc tế đạt sản lượng gần 1,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay và tăng 68% so với năm 2023.

Về các chỉ tiêu tài chính, PV GAS dự kiến hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 50-82% tất cả các chỉ tiêu, trong đó doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng cao so với năm 2023, cụ thể: doanh thu toàn tổng công ty đạt gần 130.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2023, tương ứng gần 13% doanh thu toàn Petrovietnam; doanh thu hợp nhất đạt gần 105.000 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch, tăng trưởng 14% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt trên 13.000 tỷ đồng, bằng 182% kế hoạch, tương ứng gần 25% lợi nhuận toàn Petrovietnam; nộp ngân sách trên 6.000 tỷ đồng, bằng 161% kế hoạch.

Cùng với việc thúc đẩy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được ban lãnh đạo PV GAS quan tâm, thể hiện trách nhiệm, tình cảm cảm của người lao động dầu khí nói chung và PV GAS nói riêng đối với cộng đồng, xã hội. Đây chính cũng là một trong những nét “đặc sản’ của văn hóa doanh nghiệp PV GAS, mang tính nhân văn, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng để cùng xây dựng xã hội hài hòa, văn minh.

Mỗi năm, PV GAS thực hiện công tác an sinh xã hội với kinh phí 70-100 tỷ đồng, tập trung tài trợ cho chương trình giáo dục, y tế, xây dựng nhà đại đoàn kết, chương trình đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ nhân đạo.

Đặc biệt, công ty luôn đề cao các chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo trong cả nước, tập trung ở các vùng sâu xa, vùng khó khăn, vùng trung tập các công trình khí.

Tính riêng hành động 10 năm bền bỉ tham gia gần đây nhất, PV GAS đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình giáo dục đào tạo tại nhiều địa phương trong cả nước, với hơn 290 công trình/chương trình giáo dục được công ty hỗ trợ ở nhiều bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, cao đẳng, đại học.

Đồng hành cùng các chương trình hỗ trợ tài chính chính thức, các đơn vị trực thuộc và thành viên PV GAS, các tổ chức xã hội của tổng công ty cũng phát hiện và hoàn thiện nhiều chương trình nhân ái, vì sự nghiệp giáo đào tạo trong cả nước.

Mới đây nhất, ngày 22/12 vừa qua, PV GAS đã chung tay tài trợ 10 tỷ đồng, cùng với Petrovietnam để thực hiện Dự án tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Công sức đóng góp của PV GAS đã góp phần thực hiện thực ước nguyện của Bác Hồ để “đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”; góp phần làm thay đổi những vùng quê nghèo, mang lại hạnh phúc cho nhiều cảnh đời bất hạnh, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong cả nước; thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái”, “nghĩa tình” trong văn hóa ngành dầu khí Việt Nam.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo, Phú Mỹ) là doanh nghiệp hàng đầu của Petrovietnam trong sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước và khu vực. Chính vì vậy, để phát triển vững mạnh và để đạt được những mong muốn đề ra với tầm nhìn “phát triển trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và trong khu vực về lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón và hóa chất phục vụ ngành dầu khí”, lãnh đạo PVFCCo, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã tập trung phát triển mạnh phần “gốc và rễ”, là văn hóa - con người.

Theo lãnh đạo PVFCCo, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, văn hóa đối với mỗi doanh nghiệp cũng giống như cái gốc, bộ rễ của cây. Một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển lớn mạnh, bền vững khi ở đó văn hóa - con người được xác định là yếu tố cốt lõi. Con người là trung tâm của mọi hoạt động, con người là nhân tố hiện thực hóa giá trị văn hóa của tổ chức. Văn hóa không thể có giá trị và tồn tại nếu nó không thực sự đang sống trong mỗi con người của tổ chức.

Nhờ tập trung phát triển mạnh phần gốc rễ là văn hóa - con người, năm 2024 vừa qua, tổng công ty và Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng, vượt kế hoạch sản xuất ure hàng năm, hoàn thành vượt tiến độ các kỳ bảo dưỡng tổng thể.

Không chỉ phát triển văn hóa con người trong nội bộ tổng công ty, PVFCCo còn đặc biệt chú trọng văn hóa sẻ chia. Từ nhiều năm qua, tổng công ty luôn nằm trong top doanh nghiệp đi đầu trong Petrovietnam về công tác an sinh xã hội, một nét đẹp nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp PVFCCo.

Từ những ngày đầu đi vào sản xuất kinh doanh, PVFCCo với sản phẩm phân bón Phú Mỹ phục vụ cho nông nghiệp đã tích cực triển khai công tác an sinh xã hội hướng đến trọng tâm là bà con nông dân. Từ những giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con gặp hoàn cảnh khó khăn, mất mùa, thiên tai; đến xây dựng trường học, nhà ở; những chương trình hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thông tin nông nghiệp, khởi nghiệp, làm giàu cho bà con nông dân,… với mong muốn bà con được mùa vụ bội thu và nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Chương trình “Xuân yêu thương - Tết sẻ chia” của Phú Mỹ đã được thực hiện suốt 10 năm qua giúp các hộ khó khăn có một mùa Tết đủ đầy hơn. Nguồn: PVFCCo.

Trong đó, có những chương trình mà PVFCCo đã duy trì tổ chức hơn 10 năm qua, dù tên gọi ở mỗi giai đoạn có thể khác nhau. Như từ năm 2008, PVFCCo tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo” nhằm mục đích chung tay cùng xã hội chăm lo đến những đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, đồng thời mang đến những tình cảm ấm áp nhân dịp ngày xuân, chương trình được duy trì liên tục hằng năm.

Những năm gần đây, cũng là mục tiêu đó, PVFCCo thực hiện chương trình “Ngàn tấm bánh - Vạn nghĩa tình” với hàng nghìn, hàng vạn chiếc bánh chưng do chính cán bộ công nhân viên tổng công ty quyên góp và thực hiện đã được gửi trao đến các hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết đến xuân về.

Văn hóa dầu khí không chỉ thể hiện ở tinh thần “tương thân tương ái”, “gắn bó sẻ chia”, mà còn thể hiện ngay trong công tác sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong môi trường “đa văn hóa”.

“Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa” là thuật ngữ đã trở nên quen thuộc với Petrovietnam, khi đây là đơn vị đầu tiên xây dựng doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.

Chia sẻ tại diễn đàn “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2024 tổ chức hồi tháng 11, TS Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nhà máy đầu tiên của Việt Nam và cũng là trọng điểm trong khâu cuối của chuỗi giá trị dầu khí.

BSR là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đóng góp hơn 30% nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước. Qua 16 năm hình thành và phát triển, BSR đã vận hành nhà máy an toàn, ổn định, chế biến trên 100 triệu tấn dầu thô; sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm. Đơn vị ghi nhận tổng doanh thu gần 1,6 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 224.000 tỷ đồng và đóng góp khoảng 860 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên cả nước.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nguồn: BSR.

Theo TS Nguyễn Văn Hội, khi xây dựng nhà máy đã gặp không ít khó khăn như vị trí của nhà máy ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là khó khăn về môi trường hoạt động đa văn hóa. Bởi, dự án xây dựng nhà máy ban đầu được dự định hợp tác với Nga (năm 1999), sau đó Nga rút khỏi dự án nên Việt Nam đã ký hợp đồng với các nhà thầu Pháp, Nhật Bản và Malaysia, Hàn Quốc, Anh.

“Trong bối cảnh đa văn hóa như vậy, phía Việt Nam gần như phải “đấu tranh” để đẩy tiến độ dự án. Làm việc với các đối tác quốc tế là phải có kế hoạch cụ thể, tiến độ rõ ràng bắt buộc phải hoàn thành, nhưng Việt Nam lại luôn linh hoạt, tùy tình hình có thể thay đổi, điều chỉnh kế hoạch.

Để làm việc trong môi trường đa văn hóa, cần có vốn ngoại ngữ tốt, trau dồi kiến thức vững chắc, sử dụng những biện pháp mềm để luôn gắn kết, hài hòa, chia sẻ với các đối tác một cách bình đẳng sao cho những cái “lạ” về văn hóa, cung cách làm việc trở thành quen thuộc để hướng đến mục tiêu hoàn thành công việc một cách tốt nhất,” TS Nguyễn Văn Hội nói.

Mặt khác, là một trong những đơn vị tiên phong trong công cuộc tái tạo và nâng tầm văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam, năm 2024, BSR đã ghi nhiều dấu ấn với những thành công nổi bật, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tập đoàn.

Đặc biệt, năm vừa qua, BSR vinh dự được Petrovietnam trao tặng bằng khen “Tập thể tiêu biểu xuất sắc trong công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp” giai đoạn 2019-2024.

Xác định văn hóa doanh nghiệp là nền tảng, BSR đã vận dụng và thấm nhuần, gắn kết toàn thể người lao động công ty thành khối đoàn kết, phát huy sức mạnh nội sinh, góp phần giúp BSR vượt qua những “bài toán khó”.

Trong năm mới 2025 và giai đoạn tới, BSR sẽ tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và phát triển văn hóa BSR. Công ty cũng định hướng chú trọng vào những chương trình cụ thể để lan tỏa, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc trong văn hóa của người làm dầu khí,…

Thu Thảo-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long