Ngân hàng TMCP Việt Á - VietABank (VAB) có những thay đổi cơ cấu lãnh đạo mới trong bối cảnh nợ xấu tăng vọt thêm 52% trong nửa đầu năm 2024.
VietABank thay đổi cơ cấu lãnh đạo trong vài tháng qua
Ngân hàng TMCP Việt Á - VietABank (mã: VAB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Bùi Xuân Dũng vào vị trí Phó Tổng Giám đốc ngân hàng từ ngày 7/10/2024. Thời gian bổ nhiệm là 1 năm.
Như vậy, các vị trí lãnh đạo chủ chốt của VietABank hiện tại bao gồm: ông Nguyễn Văn Trọng giữ vị trí quyền Tổng Giám đốc; ông Trần Tiến Dũng, ông Phạm Linh và ông Bùi Xuân Dũng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc.
VietABank (VAB) thay đổi cơ cấu lãnh đạo khi nợ xấu tăng vọt 52% (Ảnh TL)
Việc bổ nhiệm thêm một Phó Tổng Giám đốc diễn ra trong bối cảnh VietABank có nhiều biến động về cơ cấu lãnh đạo. Vào tháng 6/2024 vừa qua, ngân hàng đã tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trọng giữ vị trí quyền Tổng Giám đốc từ ngày 25/6/2024 cho đến khi có quyết định thay thế khác của HĐQT.
Ngoài ra, HĐQT cũng thông qua đơn từ nhiệm của ông Hoàng Vũ Tùng, bầu bổ sung ông Trần Ngọc Hải vào vị trí Thành viên Ban Kiểm soát. Vào đầu tháng 9/2024, Khối quản trị nguồn lực cấp cao của VietABank cũng đã giới thiệu ông Nguyễn Đình Tùng làm cố vấn HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy Ban chiến lược VietABank.
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Văn Trọng, quyền Tổng Giám đốc VietABank đã chia sẻ về kế hoạch niêm yết cổ phiếu VAB lên sàn HoSE. Tuy nhiên, điều mà cổ đông thắc mắc là ngân hàng sẽ lên sàn HoSE thế nào khi đang mang nặng nghìn tỷ nợ xấu?
VietABank giải quyết nợ xấu ra sao trước khi lên sàn HoSE?
Dù hoạt động kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc trong nửa đầu 2024 nhưng chất lượng tài sản của VietABank, đặc biệt là hoạt động kiểm soát nợ xấu lại đang có dấu hiệu đi xuống.
Cụ thể, BCTC hợp nhất Quý 2/2024 của VietABank ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 580 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu kinh doanh năm, VAB đã hoàn thành 55% chỉ tiêu đề ra.
Tính đến hết Quý 2/2024, tổng tài sản của VietABank giảm còn 108.930 tỷ đồng. Phần giảm chủ yếu đến từ mục tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng cũng giảm 34,4% so với đầu năm, chỉ còn lại 14.410 tỷ đồng.
Lượng dư nợ cho vay khách hàng đạt 73.796 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm cho thấy lượng giải ngân cho vay trong kỳ có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng lại đang cho thấy sự đi xuống rõ rệt.
Cụ thể, tổng nợ xấu của VAB tại cuối Quý 2 đã tăng lên mức 1.675 tỷ đồng, cao hơn 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng vọt từ 1,59% lên 2,26% chỉ sau 6 tháng đầu năm.
Trong các nhóm nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng thêm 5%, chiếm 605 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng vọt lên gấp 11 lần, chiếm 246 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng thêm 63%, chiếm 823 tỷ đồng.
So sánh với các ngân hàng TMCP khác, VietABank đang đứng top 2 về tỷ lệ gia tăng nợ xấu trong nửa đầu năm 2024.
Bình luận (6)