VietABank tăng tốc triển khai hàng loạt kế hoạch lớn năm 2025. Nổi bật là tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 11.582,4 tỷ đồng, đây là mức tăng cao nhất toàn ngành. Ngân hàng cũng dự kiến niêm yết cổ phiếu trên HoSE, hoặc HNX nhằm củng cố nền tảng tài chính, đồng thời, mở rộng hệ sinh thái tài chính.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã ck: VAB) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/4 tại Hà Nội.
Tăng vốn lên gần 11.600 tỷ đồng, niêm yết cổ phiếu trên HoSE hoặc HNX
Đại hội sẽ thảo luận và xem xét những nội dung quan trọng như: kế hoạch kinh doanh 2025, phương án tăng vốn điều lệ năm 2025; tờ trình về việc phân phối lợi nhuận năm 2024; thông qua chủ trương đầu tư góp vốn, mua cổ phần và các vấn đề khác.
Trong năm 2025, Hội đồng Quản trị ngân hàng đề xuất kế hoạch lợi nhuận 1.306 tỷ đồng, tăng 20,3% so với kết quả thực hiện năm 2024. Về các chỉ tiêu khác, VietABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,1% lên gần 128.381 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 10,3% lên 88.110 tỷ đồng, ngân hàng định hướng tập trung phân khúc khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ; cấp tín dụng theo chuỗi dự án. Cùng với đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 9,3% lên 101.007 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 3%.
Tại đại hội năm nay, ngân hàng VietABank dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, quy mô và chất lượng tài sản sinh lời, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Tại đại hội năm nay, VietABank trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 5.399,6 tỷ đồng lên 11.582,4 tỷ đồng, tăng 115%, tương ứng tăng thêm 6.182,8 tỷ đồng thông qua ba hình thức.
Một là, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại chưa phân phối. Ngân hàng dự kiến phát hành tối đa hơn 285,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ tối đa 52,8% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 52,8 cổ phiếu mới). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 2.851 tỷ đồng.
Hai là, phát hành cổ phiếu chào bán cho người lao động ESOP. Ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 3,7% với tổng giá trị 200 tỷ đồng. Thời gian hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Ba là, phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu thông qua phát hành hơn 313 triệu cổ phiếu, với tỷ lệ thực hiện quyền là 58%, tổng giá trị phát hành dự kiến là 3.131,8 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2025.
Nguồn: Báo Tài chính - Đầu tư tổng hợp.
Về tỷ lệ nắm giữ của một số cổ đông lớn, cuối năm 2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương là cổ đông tổ chức nắm giữ số lượng cổ phần cao nhất với gần 66 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 12,21% vốn điều lệ của VAB. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi sở hữu gần 6,5 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 1,2% VietABank…
Các cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ VietABank gồm: ông Phương Hữu Việt (cựu Chủ tịch VietABank đồng thời là người sáng lập Việt Phương Group) nắm giữ 24,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,55% vốn…
Bên cạnh đó, ngân hàng đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Nhờ đó, nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu của VAB; tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu VAB của các cổ đông; đồng thời tranh thủ cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư thúc đẩy hoạt động của ngân hàng cũng như đẩy mạnh hình ảnh của VAB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế.
Ba mục tiêu còn lại trong lộ trình tái cơ cấu
Kết quả hoạt động năm 2024 của VietABank có sự tăng trưởng tốt về hiệu quả hoạt động và quy mô. Các chỉ số tài chính cải thiện so với năm trước, hoàn thành 5/6 chỉ tiêu tài chính do Đại hội đồng cổ đông giao.
Nguồn: VietABank.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 1.086 tỷ đồng tăng 18,4%, đạt 103% kế hoạch được giao. Tổng tài sản đạt 119.832 tỷ đồng, đạt 102% so kế hoạch và tăng 6,8% so với năm 2023; tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 92.434 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 6% so năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 79.916 tỷ đồng, tăng 15,5% so năm trước, sử dụng 100% hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.
Nợ xấu tại VietABank được kiểm soát ở mức 1.091 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,22% và chiếm 1,37% dư nợ cho vay, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3% theo quy định của NHNN.
Riêng chỉ tiêu vốn điều lệ chưa đạt kế hoạch đề ra do VietABank chưa thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm tài chính 2024 vì thị trường chứng khoán diễn biến chưa thuận lợi, thanh khoản và giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu chưa cao.
Trong năm 2024, VAB cũng chủ động tổ chức triển khai, thực hiện phương án cơ cấu lại và tuân thủ chế độ báo cáo kết quả thực hiện hàng quý, hàng năm theo đúng chỉ đạo của NHNN. Đến cuối năm 2024, VAB hoàn thành 7/10 mục tiêu cơ cấu lại và còn 3/10 chỉ tiêu tài chính tiếp tục tập trung thực hiện bao gồm: tăng vốn điều lệ; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng/tổng thu nhập và tăng trưởng hệ số an toàn vốn CAR.
Năm 2025, VAB tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đã xây dựng tại phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025.





