Liên quan tới câu chuyện tối ưu hoá lợi nhuận qua việc mua lại các mỏ quặng nguyên liệu, Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HPG khẳng định thời sản xuất thép phải có mỏ đã qua rồi. Hiện nay, Hoà Phát vẫn nhập khẩu quặng là chính.
Hoà Phát nhập khẩu quặng là chính
Liên quan đến chiến lược tự chủ và tối đa hóa lợi nhuận từ nguồn nguyên liệu đầu vào, tại ĐHĐCĐ thường niên, tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát cho biết, Hòa Phát luôn có kế hoạch tìm kiếm, thăm dò và xem xét các cơ hội mua lại mỏ quặng sắt, do đây là một trong hai cấu phần nguyên liệu chính (cùng với than) trong sản xuất thép.
“Trước đây có nhiều thông tin trên truyền thông thế giới rằng quặng sắt rất quý và hiếm, nhưng thực tế xảy ra là quả bóng đang ở chân người mua bởi nguồn quặng sắt trên thế giới thực tế rất dồi dào. Minh chứng là sự xuất hiện của những nguồn cung mới hàng trăm nghìn tấn từ các khu vực ở Châu Phi, một số thậm chí chưa có tên trên bản đồ quặng thế giới (như siêu dự án Simandou)”, ông Long nói.
Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát.
Về mỏ Thạch Khê, theo ông Long được xem là một “câu chuyện dài” và cần sự kiên nhẫn. Hòa Phát đã hoàn thành các phần việc cần thiết thuộc trách nhiệm của mình.
“Tôi cho rằng thời kỳ sản xuất thép bắt buộc phải sở hữu mỏ nguyên liệu đã qua rồi”, ông Long nói.
Về mỏ tại Úc, Hòa Phát có sở hữu mỏ quặng tại Úc và đã từng có giai đoạn chuyển quặng về Việt Nam khi giá ở mức thấp. Tuy nhiên, hoạt động khai thác mỏ thường biến động theo giá thị trường, mỏ hoạt động khi giá cao và đóng dần khi giá thấp.
Hiện nay, Hoà Phát vẫn nhập khẩu quặng là chính. Cách đây khoảng 10 ngày, đại diện Baosteel khai thác mỏ tại Châu Phi đã chủ động đến tận nơi chào bán quặng. Đáng chú ý, chỉ 3 tháng trước đó, chính đơn vị này đã từ chối khi Hòa Phát gửi thư đề nghị mua.
Hoà Phát bán hết sạch thép HRC
Liên quan tới câu chuyện thép cuộn cán nóng (HRC) tràn vào Việt Nam, tỷ phú Trần Đình Long khẳng định dù lo ngại thép giá rẻ từ Trung Quốc có thể tràn vào thị trường nội địa, ông Long khẳng định: “HRC của Hòa Phát vẫn bán hết theo đúng kế hoạch. Chúng tôi tự tin vào chất lượng sản phẩm và chiến lược tiêu thụ”.
HRC là dòng sản phẩm chính của HPG.
Trước câu hỏi thuế chống phá giá với sản phẩm HRC có giúp lợi nhuận của HPG tăng lên không, ông Long thừa nhận có nhưng không nói rõ mức độ lợi nhuận sẽ tăng cụ thể bằng nào.
Tại Đại hội hôm nay, ông Long tiếp tục bảo vệ quan nhất quán về việc không có một quốc gia nào không bảo vệ nền sản xuất trong nước, một quan điểm đã được nêu ra từ trước ĐHCĐ năm ngoái khi chưa có thuế chống bán phá giá tạm thời với mặt hàng HRC.
Hiện nay, tổng nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam hiện nay là khoảng 13 triệu tấn/năm. Trước bối cảnh đó, Hòa Phát đang trong quá trình nghiên cứu, cân nhắc và thăm dò thị trường về khả năng sản xuất HRC tại Phú Yên. Đánh giá sơ bộ cho thấy dự án này có tiềm năng bổ sung thêm năng lực sản xuất khoảng 3-5 triệu tấn HRC mỗi năm.
Về sản xuất vỏ container, mảng kinh doanh này cũng ghi nhận tình hình khả quan. Hòa Phát đã nhận đủ đơn hàng sản xuất vỏ container cho đến hết tháng 6 năm nay. Cụ thể, trong tháng 4/2025, sản lượng xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 4.000 TEU. Tập đoàn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng trong tương lai cho mảng sản phẩm này.
Bình luận (3)





