Tỷ giá USD tại các ngân hànghôm nay (8.4) vượt mốc 26.000 đồng, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, phản ánh diễn biến thị trường ngoại hối nóng lên từng ngày.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng hôm nay (8.4) vượt mốc 26.000 đồng.
Trong phiên giao dịch ngày 8.4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.898 đồng/USD, tăng 12 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ dao động 5%, các ngân hàng thương mại hiện được phép mua bán USD trong phạm vi từ 23.653 - 26.143 đồng/USD.
Đáng chú ý, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt bật tăng, chính thức phá mốc quan trọng 26.000 đồng.
Vietcombank sáng nay niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 25.730 – 26.120 đồng/USD, tăng tới hơn 160 đồng so với ngày hôm trước. Đây cũng là mức tỷ giá cao nhất được ghi nhận trong lịch sử giao dịch USD tại nhà băng này.
Cùng xu hướng, BIDV công bố giá giao dịch USD lên 25.750 – 26.110 đồng, Eximbank niêm yết giá mua bán tại 25.730 – 26.100 đồng/USD. So với đầu năm nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng hơn 550 đồng/USD, tương ứng mức tăng trên 2,2%.
Không chỉ thị trường chính thức, thị trường tự do cũng chứng kiến giá USD leo thang mạnh mẽ. Hiện tại, một số điểm giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết mua bán USD trong khoảng 26.100 - 26.200 đồng, chênh lệch không nhiều so với tỷ giá niêm yết tại ngân hàng thương mại.
Trên thực tế, diễn biến này không bất ngờ với giới phân tích khi từ đầu năm, các chuyên gia tài chính đã dự báo khả năng USD sẽ mạnh lên đáng kể. Theo dự báo của ngân hàng UOB hồi đầu năm, chỉ số đô la Mỹ (DXY) được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 112,6 điểm trong quý II/2025, do áp lực từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo đó, những chính sách thuế quan cứng rắn, quyết liệt từ chính quyền ông Trump đang làm gia tăng lo ngại về khả năng quay trở lại của lạm phát, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải thận trọng hơn khi xem xét giảm lãi suất. Điều này tạo áp lực đẩy giá đồng bạc xanh lên cao hơn.
Trong bối cảnh giá USD tăng mạnh, diễn biến thị trường vàng trong nước cũng xuất hiện nhiều biến động đáng chú ý. Sáng 8.4, giá vàng SJC có lúc giảm vài trăm nghìn đồng, nhưng tới phiên chiều lại đảo chiều tăng mạnh trở lại, vượt mốc 100 triệu đồng một lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vào cuối ngày niêm yết giá vàng miếng ở mức 97,7 – 100,2 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn được giao dịch tại 97,6 – 100,1 triệu đồng/lượng. Mức giá này đánh dấu đà phục hồi khá nhanh của vàng sau áp lực điều chỉnh giảm nhẹ đầu phiên.
Trong khi tỷ giá tăng mạnh phản ánh căng thẳng quốc tế và sức mạnh của USD, thì thanh khoản hệ thống ngân hàng trong nước tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng Nhà nước. Theo báo cáo cập nhật mới nhất, đến nay, NHNN vẫn đang duy trì lượng bơm ròng trên thị trường mở (OMO) ở mức cao.
Thống kê cho đến nay, NHNN đã bơm ròng thanh khoản lên hơn 90.000 tỉ đồng qua kênh thị trường mở, giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, ổn định lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, quanh vùng 4%/năm. Đây là yếu tố tích cực hỗ trợ các ngân hàng ổn định nguồn vốn, giảm bớt áp lực lãi suất trong nước trước diễn biến tăng nóng của tỷ giá USD.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam các kỳ hạn gần đây cũng duy trì ổn định ở mức thấp. Theo dữ liệu real-time được cập nhật trên Investing lúc 9h20, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm duy trì ổn định quanh ngưỡng 3,2%/năm. Sự ổn định của lợi suất trái phiếu Chính phủ phần nào phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN, duy trì ổn định môi trường đầu tư và củng cố niềm tin thị trường.
Như vậy, dù tỷ giá USD đang chịu áp lực lớn từ các yếu tố quốc tế, song với sự chủ động trong điều hành của NHNN, thị trường trong nước vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ ổn định là cơ sở quan trọng giúp các ngân hàng thương mại và thị trường tài chính trong nước giảm áp lực đáng kể từ việc đồng USD mạnh lên.
Thời gian tới, giới chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tỷ giá, sẵn sàng can thiệp kịp thời và hiệu quả để giữ ổn định thị trường ngoại hối, qua đó duy trì niềm tin của thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước ổn định và bền vững.
Bình luận (11)





