Hãy là người đầu tiên thích bài này
Tỷ giá bất ngờ “nổi sóng” đầu năm

Đồng USD bất ngờ tăng mạnh trong những ngày gần đây, gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ còn lại; trong đó có VND.

Tỷ giá USD/VND có nhiều sự biến động mạnh trong những ngày đầu năm. Ảnh minh họa: TTXVN

* Diễn biến bất thường của tỷ giá

Tính đến 14h ngày 10/1 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) đã leo lên mức 109,31 điểm. Đây cũng là vùng điểm cao nhất của chỉ số này kể từ cuối năm 2022 đến nay.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng vài ngày đầu năm 2025, DXY đã có vài phiên neo ở mức trên 109 điểm. Sự mạnh lên bất ngờ của đồng xanh đã gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ còn lại; trong đó có VND. Tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh trong những ngày đầu năm.
Trong sáng nay, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.338 VND/USD, tăng 8 VND. Đây cũng là 3 phiên liên tiếp Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm.
Trao đổi với TTXVN, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Giám đốc chương trình đào tạo Thị trường chứng khoán thuộc Trường Kinh doanh UEH (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc tỷ giá “nổi sóng” gần đây không giống quy luật như những năm trước. Thông thường, hàng năm, tỷ giá sẽ tăng mạnh vào tháng 11-12 và hạ nhiệt vào đầu năm khi kiều hối đổ về nhiều. Tuy nhiên, năm nay, áp lực tỷ giá ngay đầu năm đã xuất hiện.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến bất thường này là do đồng USD đang tăng giá quá mạnh. Thêm vào đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ thực thi chính sách tiền tệ có phần thận trọng hơn. Điều này thể hiện Fed vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Nhận định trên càng làm đồng USD tăng giá, cũng như dòng tiền chảy về Mỹ nhiều hơn. Đặc biệt, ở các thị trường mới nổi, việc rút vốn diễn ra rất mạnh mẽ và Việt Nam là một trong số đó, gây áp lực tỷ giá khá lớn trong giai đoạn hiện tại”, ông Huân cho biết.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital dự đoán, giá trị đồng USD sẽ tăng mạnh trong đầu năm nay. Theo ông, năm 2025 sẽ là một năm đầy biến động đối với đồng bạc xanh, một phần do lạm phát của Mỹ luôn tăng vào đầu năm vì nhiều lý do, bất kể ai thắng cử Tổng thống.
Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần trong năm, nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu Fed không cắt giảm lãi suất, điều này sẽ đẩy USD lên cao hơn. Hơn nữa, khoảng 2/3 mức thuế quan mà Mỹ áp đặt lên các quốc gia khác cuối cùng đều phản ánh vào việc giá trị USD tăng lên.
Theo đó, chuyên gia của VinaCapital cho rằng, năm 2025 sẽ chứng kiến một số biến động đối với đồng VND. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND cuối cùng sẽ kết thúc năm với mức giảm 3% hợp lý so với đồng USD, dựa trên kỳ vọng chỉ số DXY sẽ kết thúc năm gần như không thay đổi.
Báo cáo chiến lược tỷ giá và ngoại hối mới đây của Ngân hàng UOB (Singapore) cũng nhận định, đồng USD sẽ mạnh hơn nữa trong nửa đầu năm 2025, sau sự trở lại của ông Donald Trump với vị trí là Tổng thống Hoa Kỳ cùng nhiều chính sách khó đoạn định sẽ thực hiện kể từ ngày 20/1.
Thậm chí, UOB dự đoán chỉ số DXY có thể leo lên mức 111,9 điểm trong giữa năm 2025, trước khi giảm xuống mức 107,9 điểm vào cuối năm.
“Thị trường đã điều chỉnh lại dự báo với ít đợt cắt giảm lãi suất của Fed hơn trong nhiệm kỳ Trump 2.0, có nghĩa là sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục được hỗ trợ. VND có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump và xu hướng của đồng Nhân dân tệ. Với những bất lợi bên ngoài khó có thể biến mất trong thời gian ngắn, VND có khă năng sẽ tiếp tục giảm so với USD”, các chuyên gia của UOB nhận định.
UOB dự báo tỷ giá có thể đạt mức cao nhất trong quý III/2025, lên 26.200 VND/USD, trước khi giảm xuống còn 26.000 VND/USD trong quý IV/2025, biến động cùng chiều với DXY.

Giao dịch đồng USD tại Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

* Không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, câu chuyện kiểm soát tỷ giá luôn được nhà điều hành đặt lên hàng đầu nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu và ổn định vĩ mô.
Tại buổi họp mới báo đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tế, năm 2024, qua sự điều hành linh hoạt, tỷ giá VND/USD ghi nhận mức mất giá khoảng 5,03%, thấp hơn đáng kể so với mức trên 10% của nhiều đồng tiền khác như đồng yen (Nhật Bản), đồng won (Hàn Quốc)...
Trong những ngày gần đây, ngay khi tỷ giá có sự biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều chỉnh trên thị trường ngoại tệ; đồng thời nhấn mạnh việc duy trì ổn định của thị trường ngoại hối.
Cụ thể, SBV thông báo tạm dừng bán USD giao ngay vào các ngày 3/1 và 6/1. Tuy nhiên, SBV cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) tại mức giá 25.450 VND/USD với kỳ hạn đáo hạn vào ngày 23/1. Đây được xem là mức giá hợp lý, không có chênh lệch nhiều so với thị trường.
Hoạt động bán USD giao ngay sẽ trở lại bình thường từ ngày 8/1, với giá không đổi là 25.450 VND/USD. Điều này giúp cho tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ sẽ phải dè chừng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền VND dư thừa, điều tiết thanh khoản để hỗ trợ thị trường ngoại tệ duy trì ổn định.
Năm nay, SBV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao, lên đến mức 16%, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP Quốc hội, Chính phủ đã đề ra 7 - 8%. Tuy nhiên, với diễn biến tỷ giá gần đây, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ không còn nhiều dư địa mở rộng.
Các chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng, với lạm phát chung và lạm phát cơ bản vẫn ở mức dưới mục tiêu chính thức là 4,5% trong năm 2024, đặc biệt là vào cuối năm, điều này đã mở ra khả năng cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng lập trường chính sách. Tuy nhiên, tỷ giá hiện là một vấn đề cần cân nhắc khác đối với Ngân hàng Nhà nước và nhiều khả năng nhà điều hành sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách để chống lại áp lực mất giá đối với đồng nội tệ.
Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, “khi tỷ giá đứng trước áp lực tăng, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này”, nhóm chuyên gia HSBC Việt Nam nhận định.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, với áp lực tỷ giá lớn như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất và bơm tiền mạnh trong năm nay. Bởi khi lãi suất VND giảm, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD theo đó sẽ gia tăng và tác động lớn lên tỷ giá. Trong khi đó, ưu tiên quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là phải ổn định vĩ mô. Nếu không ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế có cao cũng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị việc thực thi chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn trong năm 2025. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ông Huân cho rằng, việc hỗ trợ nền kinh tế nên sử dụng công cụ chính sách tài khóa sẽ hợp lý hơn.
Với sự không chắc chắn trong tương lai về chu kỳ điều chỉnh lãi suất chính sách của Fed và căng thẳng địa chính trị, thương mại sau khi ông Donald Trump nhậm chức, giới phân tích kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2025.

Hứa Chung-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long