Các chuyên gia cho rằng, cần có những chính sách để quản lý hoạt động huy động vốn tại các cơ sở giáo dục để đảm bảo hoạt động dạy và học đúng quy định.
Người góp vốn "nắm dao đằng lưỡi"
Cuối tháng 3/2024, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Công an xác minh, giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo ông Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup.
Những vấn đề lùm xùm trong việc huy động vốn ở các trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ đã ảnh hưởng đến việc học tập của các học sinh và vấn đề quản lý giáo dục tư thục.
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhóm gần 200 người đã đóng tiền cho Shark Thủy theo hình thức góp vốn lấy lãi suất cho biết, tổng số tiền nhóm này nộp là gần 250 tỷ đồng.
Theo đó, đầu năm 2020, biết tin Shark Thủy có nhu cầu huy động vốn đầu tư cho Egroup với mức lãi suất hấp dẫn từ 19-20%/năm, nhiều người đã không ngần ngại "xuống" tiền. Đại diện nhóm này thừa nhận, họ nhanh chóng "chọn mặt gửi vàng" phần vì tin tưởng vào danh tiếng, uy tín của Shark Thủy thông qua chương trình "Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank" trên VTV, phần vì mức lãi suất quá hấp dẫn.
Tương tự, dù không góp vốn theo hình thức nhận lãi, nhưng hàng chục ngàn phụ huynh cũng rơi vào cảnh khốn khó khi nộp tiền cho con học tại Apax Leaders (công ty con của Egroup do Shark Thủy là Chủ tịch HĐQT). Đây cũng được cho là một hình thức huy động vốn từ Shark Thủy.
Ông Trần Văn Nghiêm, đại diện nhóm phụ huynh đi đòi nợ học phí Apax Leaders cho biết, nhiều người trong nhóm ông đã đóng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để cho con học tại Apax Leaders. Với chiêu thức đóng càng nhiều ưu đãi càng cao, nhiều phụ huynh đã chấp nhận vay mượn, trả lãi hằng tháng. Đến nay, hơn một năm trôi qua, Shark Thủy nhiều lần cam kết trả phí nhưng thất hứa. Cho đến khi bị bắt, Apax Leaders vẫn nợ phụ huynh tại TP.HCM gần 100 tỷ đồng.
Khi các vụ việc liên quan đến Shark Thủy chưa có hồi kết, việc huy động vốn tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN, huyện Nhà Bè, TP.HCM) lại nổi lên, khiến dư luận sửng sốt.
Theo đó, phụ huynh trường này đã đóng khoản tiền rất lớn, từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng vào AISVN theo hình thức hợp đồng cho vay hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư không tính lãi suất. Đổi lại, con em họ sẽ được hỗ trợ học tập, đào tạo miễn phí tại trường trong thời gian học chương trình chính khóa. Nếu học sinh hoàn thành khóa học hoặc chuyển trường, phụ huynh được cam kết nhận lại tiền sau 90 ngày kể từ ngày hoàn tất hồ sơ.
Thế nhưng, có nhiều phụ huynh chưa lấy lại được tiền góp vốn dù con họ đã hoàn tất khóa học vài năm. Trong khi đó nhà trường lại nợ lương, nợ bảo hiểm... khiến giáo viên "đình công", kéo theo hơn 1.200 học sinh cũng phải tạm nghỉ học những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024.
Công an TP.HCM nhận định, hợp đồng giữa AISVN và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, nên chưa có cơ sở để cơ quan điều tra vụ việc. Điều này khiến phụ huynh hoang mang, lo lắng, không biết số tiền đã góp vốn vào trường sẽ như thế nào? Liệu có mất trắng nếu trường bị đình chỉ hoạt động hoặc có chủ đầu tư mới...?
Cần hành lang pháp lý để ngăn chặn rủi ro
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, việc quản lý hoạt động các trường tư, trường độc lập nên tách bạch giữa quản lý chuyên môn và quản lý hoạt động đầu tư, góp vốn của trường. Luật giáo dục hiện không bao gồm các nội dung về quản trị, đầu tư của trường học.
Theo ông Nguyên, hiện nay quy định về huy động vốn hay đầu tư trong trường thục vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ, trường tư có được phép huy động vốn; có phải tuân theo luật tín dụng; có nghĩa vụ về minh bạch thông tin và cáo bạch kết quả hoạt động kinh doanh; quy trình giải quyết khi phá sản có như doanh nghiệp thông thường...?
"Tất cả các vấn đề đó đã phát sinh trong thực tiễn, do vậy cần được luật hóa để hướng dẫn cho trường và cho phụ huynh đầu tư biết rõ quyền lợi, trách nhiệm, giới hạn của mình", ông Nguyên nói.
Ngoài hành lang pháp lý, các chuyên gia cũng cho rằng chính phụ huynh khi tham gia góp vốn hoặc các chương trình huy động vốn của các trường cần nghiên cứu kỹ các quy định để đảm bảo quyền lợi lâu dài của mình và quá trình học tập của con em.
Ngoài vấn đề trên, ông Nguyên cũng cho rằng, cần phân hóa sự hỗ trợ giữa nhóm trường tư phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Với nhóm phi lợi nhuận, phải có cơ chế quản lý "mâu thuẫn lợi ích" như nhiều nước đã làm, bao gồm việc hạn chế vai trò của chủ đầu tư trong quản trị trường, hoặc cản trở việc chia lợi nhuận cho chủ trường, chia cổ tức cho nhà đầu tư, hội đồng quản trị... vượt quá mức tượng trưng. Đồng thời, phải công khai mức lương, thu nhập của lãnh đạo của trường.
Tuy nhiên, nhìn chung, chính sách cần tập trung hỗ trợ nhóm trường phi lợi nhuận và để các trường vì lợi nhuận hoạt động theo cơ chế thị trường.
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, việc huy động vốn của các trung tâm, trường học không xấu, là cách các đơn vị tận dụng nguồn lực của phụ huynh và các nhà đầu tư, miễn là tuân thủ quy định pháp luật.
Tuy nhiên, khi góp vốn, nhà đầu tư và phụ huynh cần lưu ý, phải làm rõ việc sử dụng dòng vốn vào mục đích gì; phân bổ dòng vốn vào hạng mục nào và nguồn thu sẽ đến từ đâu. Trong đó, dòng tiền thu về nhất định phải là số dương, kế hoạch đưa ra phải có tính khả thi và nghiêm túc. Đây là một số yếu tố quan trọng trước khi quyết định góp vốn.
Ông Phương cho rằng, đừng vì những lợi ích trước mắt mà không quan tâm việc dòng tiền huy động vốn sử dụng như thế nào, điều này sẽ khiến chủ đầu tư gặp rủi ro cao. Khi kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ đầu tư cũng như các đơn vị sẽ bám vào để thực hiện, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh, mất cân đối thu chi, mất định hướng trong đầu tư...
Ở khía cạnh pháp lý, luật sư Lê Bá Thường - Giám Đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành cho biết, hiện mức chế tài về huy động vốn trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn rất thấp so với các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản... Trong các vụ việc nêu trên, nhiều phụ huynh đã có đơn gửi cơ quan chức năng, tùy theo kết quả điều tra sẽ có mức xử lý nếu xác định được trung tâm, trường học "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong đó, nếu cơ quan điều tra xác định trung tâm, trường học sử dụng nguồn tiền huy động được từ phụ huynh vào mục đích bất hợp pháp như kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản... mà không đầu tư vào hoạt động phát triển của trường dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản theo cam kết như hợp đồng đã ký; hoặc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản có được thông qua hình thức hợp đồng góp vốn; hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả... thì có thể đối diện với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Mức hình phạt cao nhất cho tội danh này lên đến 20 năm tù được quy định tại Điều 175 BLHS 2015.
Trường hợp, kết luận điều tra có những dấu hiệu như trường học, trung tâm dùng thủ đoạn gian dối để lừa phụ huynh ký hợp đồng vay tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tùy theo giá trị tài sản lừa đảo chiếm đoạt mà có thể đối diện với mức hình phạt cao nhất đến 20 năm hay tù chung thân theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015.
Luật sư Thường nói thêm, trong khi chờ cơ quan điều tra, phụ huynh nên nộp đơn khởi kiện dân sự ra Tòa án nơi có địa chỉ trụ sở của trường/trung tâm để thu lại số tiền cho vay nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình (Điều 466 BLDS 2015), đồng thời đề nghị Tòa án phong tỏa tài sản (khoản 11 Điều 114 BLTTD). Trong trường hợp trường học, trung tâm bị phá sản, luật phá sản sẽ ưu tiên xử lý cho ngân hàng, thuế, người lao động rồi mới đến chủ nợ. Với chủ nợ, ai có bản án sớm nhất sẽ được ưu tiên trả trước dựa trên tài sản còn lại của trường/trung tâm...
Bình luận (1)