Theo các chuyên gia, sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu. Nhờ đó nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ được hưởng lợi và có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Ảnh tư liệu
Cổ phiếu công nghệ "nổi sóng"
Cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu và tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chỉ số ngành công nghệ thông tin (VNIT) trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) ghi nhận sự bứt tốc mạnh mẽ trong những tháng gần đây, tăng tới gần 54% chỉ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức tăng của chỉ số chung VN-Index.
Đứng đầu trong nhóm cổ phiếu công nghệ phải kể đến FPT (Công ty Cổ phần FPT). Cổ phiếu này đã có mức tăng hơn 55% trong nửa đầu năm nay. Thậm chí, có giai đoạn VN-Index biến động mạnh, cổ phiếu này vẫn duy trì được đà tăng tích cực. Đây cũng là mã cổ phiếu được các quỹ ngoại săn đón và nắm giữ với giá trị cao. Ngoài FPT, nhiều cổ phiếu công nghệ khác cũng ghi nhận mức tăng tích cực như CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC; FOX (Công ty Cổ phần Viễn thông FPT); ELC (Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông ELCOM)…
Trên sàn UPCOM, cổ phiếu VGI của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel trở thành hiện tượng đáng chú ý nhất trong nửa đầu năm nay. Hiện cổ phiếu đang giao dịch quanh mốc 78.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần so với hồi đầu năm. Dù trong những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu công nghệ chịu sự điều chỉnh theo sự biến động chung của thị trường song vẫn là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Theo giới phân tích, việc nhóm cổ phiếu công nghệ "nổi sóng" trong thời gian qua là nhờ ngành công nghệ thông tin và viễn thông đã và đang trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng HSBC cho biết sự sôi động trong đầu tư liên quan đến công nghệ số đang diễn ra ở Đông Nam Á (ASEAN). Riêng ở Việt Nam, Alibaba dự định xây một trung tâm dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về công nghệ số. Với dân số hơn 100 triệu người và tỷ lệ trong độ tuổi lao động gần 70%, tiềm năng đối với tiêu dùng công nghệ số của Việt Nam là rất mạnh mẽ.
Tiềm năng lớn nhưng ít lựa chọn
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định ngành công nghệ thông tin kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, Big Data, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin kỳ vọng hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Riêng trong quý II/2024, Agriseco cho rằng động lực tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin đến từ các yếu tố như: xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số trong đó có thị trường Nhật Bản và APAC; ngành công nghệ thông tin trong nước duy trì đà tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngày càng gia tăng; nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G dần được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động trong các quý tới giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng Internet, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin…
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới. Với triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm phân tích của KBSV dự báo các công ty công nghệ vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phóng phân tích chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, ngành công nghệ là một ngành đầy tiềm năng trên thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành này đều phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng tập trung chủ yếu vào những doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp làm bán dẫn, chip.
"Các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi theo xu hướng này không nhiều, nếu tính thêm việc niêm yết trên sàn chứng khoán thì chỉ còn FPT và các doanh nghiệp liên quan. Vì thế, tuy tiềm năng lớn nhưng cơ hội để đầu tư vào ngành này lại không thật sự nhiều khi các lựa chọn khá hạn chế" - ông Hiếu phân tích.
Xu hướng thay đổi khi có những "làn gió mới"
Theo các chuyên gia, do ít gương mặt trên sàn và vốn hóa thấp nên nhóm cổ phiếu công nghệ khá ẩn mình. Tuy nhiên, xu hướng thị trường dường như đang có sự thay đổi khi những "làn gió mới" đang thổi vào ngành công nghệ - viễn thông. Đến nay, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Nhìn rộng hơn, cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm đầu tư trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, dù không có nhiều lựa chọn nhưng đa phần các cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều rất đáng chú ý./.