Dù chỉ sản xuất chè và trồng rau má nhưng các doanh nghiệp này đã huy động vốn với lãi suất lên đến 20%, thậm chí 60%/năm, sau đó mất khả năng chi trả khiến nhiều người dân điêu đứng.
Các nhà đầu tư của Tập đoàn Ntea phản ánh sự việc đến phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: PV Lao Động
Huy động vốn từ bà hàng nước đến cán bộ hưu trí
Ông Đinh Văn Hữu (70 tuổi) là cựu giảng viên ngành kinh tế của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Năm 2016, qua giới thiệu của một người quen, ông Hữu biết đến Công ty Cổ phần tập đoàn Ntea Việt Nam (Tập đoàn Ntea) đang huy động vốn với lãi suất khoảng 23%/năm, để phát triển dự án trồng chè.
"Thời gian đầu, mỗi năm tôi chỉ đầu tư 100 triệu đồng thì đều nhận được cả gốc và lãi đầy đủ. Sau đó, đều dùng toàn bộ để tái đầu tư vào công ty.
Công ty giới thiệu có vùng nguyên liệu rộng lớn ở nhiều tỉnh thành và có nhà máy sản xuất chè ở các tỉnh như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh. Để tạo niềm tin, phía công ty đã tổ chức cho khách hàng tham gia các buổi hội thảo, tham quan nhà máy.
Ông Nguyễn Mai Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ntea trong một buổi hội thảo, huy động vốn. Ảnh: PV Lao Động
Thông qua một số buổi hội thảo, tin tưởng vào các ông Nguyễn Kim Cường là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Nguyễn Mai Long là Phó Tổng Giám đốc, tôi đã đầu tư vào Công ty nhiều đợt với tổng số tiền là 1,2 tỉ đồng", ông Hữu nói.
Các hợp đồng của ông Hữu đã hết hạn từ năm 2022, tuy vậy đến nay, phía Công ty Ntea lấy lý do kinh doanh khó khăn và không thanh toán cho ông tiền gốc và lãi như cam kết.
Nguy cơ mất trắng số tiền tích lũy cả đời, ông Hữu như ngồi trên đống lửa, nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn Ntea nhưng đều không được giải quyết.
"Tôi đã tự đi xe máy đến những cơ sở ngày xưa mà tôi được mời đến tham quan thì mới phát hiện, thực chất Ntea chỉ thuê địa điểm để tạo lòng tin", ông Hữu ngán ngẩm nói.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự là bà Nguyễn Thị Bình (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), một giáo viên đã về hưu.
Được một đồng nghiệp giới thiệu về Công ty Ntea, sau đó đến dự các buổi hội thảo của công ty này, thấy văn phòng của Công ty có nhiều bằng khen, chứng nhận, vinh danh doanh nghiệp, người phụ nữ gần 70 tuổi đã dốc hết số tiền 150 triệu đồng tích lũy trong nhiều năm đi dạy để đầu tư vào Ntea.
Những tưởng sẽ có thêm thu nhập lo thuốc thang, ốm đau khi về già thì giờ đây, bà Bình đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền trên.
"Lương hưu chỉ có 2 triệu đồng, bây giờ bệnh tật nhiều mà không có tiền chữa, cứ phải vay mỗi người vài triệu, vay lãi để chữa bệnh. Tôi thấy quá hối hận... ", bà Bình nói rồi khóc nức nở.
Một số phiếu chi tiền của nhà đầu tư vào Tập đoàn Ntea. Ảnh: PV Lao Động
Ông Đào Văn Sang (39 tuổi, Hà Nội) - một nhà đầu tư vào Tập đoàn Ntea cho biết, số lượng nhà đầu tư góp vốn vào Tập đoàn này theo tính toán sơ bộ khoảng gần 700 người, tổng số tiền hàng trăm tỉ đồng.
"Trong đó, phần nhiều là người già, về hưu, có cả những người bán hàng nước. Hiện nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mất nhà cửa, gia đình ly tán, ốm đau bệnh tật...", ông Sang nói.
Rủ họ hàng, bạn bè đầu tư dự án trồng rau má lãi suất 60%/năm
Cùng phản ánh đến Báo Lao Động, các nhà đầu tư của Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại CCV Group (Công ty CCV) cho biết cũng đang có nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư với kịch bản tương tự như trên.
Bà N.T.T.Y (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, giữa năm 2021, biết đến công ty này qua một người quen giới thiệu. Theo đó, công ty này đã huy động vốn với lãi suất lên tới 5%/tháng (60%/năm) để phát triển các dự án trồng và chế biến các sản phẩm từ rau má.
Một nhà đầu tư vào các dự án của Công ty CVV Group. Ảnh: PV Lao Động
"Ban đầu, tôi chỉ góp số vốn nhỏ và đều được trả lợi nhuận đúng hạn. Công ty còn tổ chức cho chúng tôi vào tận huyện Bến Lức, Long An để tham quan mô hình trồng rau má.
Bà Mai Hà Trang - Chủ tịch HĐQT CCV Group còn thường xuyên nói về chiến lược về nông nghiệp sạch rất bài bản, nên tôi tin tưởng dốc hết vốn liếng đầu tư vào, ngoài ra còn rủ người thân, bạn bè đầu tư. Tổng số tiền tôi và người thân đã đầu tư là 27,5 tỉ đồng với 18 hợp đồng", bà Y. nói.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty CVV Group và nhà đầu tư. Ảnh: PV Lao Động
Đến tháng 4.2023, hợp đồng gần đến hạn thanh toán, bà Y liên tục liên hệ và tìm gặp Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mai Hà Trang nhưng đã không thể gặp được nữa.
"Chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty tại tầng 19 – 20 toà nhà Epic số 19, ngõ 19 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội thì đội ngũ Công ty cũng chỉ còn lèo tèo vài người và không có chức năng giải quyết công việc", bà Y nói.
Hiện, có hàng trăm nhà đầu tư cũng rơi vào tình cảnh như bà Y.
Không thể làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty, đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư, nhiều người dân đã làm đơn tố cáo sự việc đến cơ quan công an.
Nhiều doanh nghiệp huy động vốn lãi suất cao rồi mất khả năng chi trả
Báo Lao Động mới có loạt bài phản ánh về việc Tập đoàn Sen Tài Thu huy động vốn 1.021 tỉ đồng từ 463 nhà đầu tư với lãi suất 12%/năm rồi mất khả năng chi trả theo cam kết.
Số tiền 1.021 tỉ đồng đã không được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích huy động mà bị "để ngoài sổ sách, chi tiêu cá nhân và dùng của người sau trả cho người trước". Hiện, cơ quan công an đã vào cuộc thu thập hồ sơ liên quan vụ việc này.
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với Vũ Thị Thúy (SN 1983, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam.
Đối tượng này bị tạm giữ về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 74 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, bước đầu xác định Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các Dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Công ty Nhật Nam đã thu tổng số tiền khoảng hơn 8.941 tỉ đồng của khoảng 20.000 cá nhân.
Bình luận (2)