Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng (HoSE: TPC) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc giải trình khắc phục cổ phiếu bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế là số âm.
Nhựa tân Đại Hưng có lãi trở lại trong quý II, qua đó giảm lỗ lũy kế xuống còn hơn 8 tỷ đồng - Ảnh: TPC.
Cụ thể, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận sau thuế lũy kế đến cuối kỳ trước là âm 15,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp mang về 7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, qua đó, giảm lỗ lũy kế đến hết quý II/2024 xuống còn âm hơn 8 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị và ban giám đốc công ty đã thực hiện lộ trình khắc phục lỗ luỹ kế trong năm 2024 như sau:
Thứ nhất, tập trung tìm kiếm khách hàng mới, các sản phẩm có biên lợi nhuận cao như sản phẩm vài địa, ... để cải thiện biên lợi nhuận gộp; đồng thời duy trì sản lượng các khách hàng cũ để đảm bảo sản lượng nhà máy luôn đạt tối đa công suất để bù đắp chi phí cố định
Thứ hai, tái cơ cấu sản xuất: cắt giảm các chi phí sản xuất không cần thiết, cắt giảm nhân sự dư thừa, thay đổi cơ câu cấu các mặt hàng cụ thể tập trung các mặt hàng có chu kỳ sản xuất ngắn, thu hồi công nợ nhanh để tối ưu hoá dòng tiền.
Thứ ba, cơ cấu lại tỉnh hình tài chính, đàm phán với các ngân hàng để giảm lãi suất vay, hạn chế nguồn vay ngoại tệ để giảm thiểu rủi ro chênh lệch tỷ giá.
Thứ tư, thanh lý các tài sản máy móc hoạt động không đạt công suất, các tài sản khác hết khẩu hao không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Với các biện pháp nêu trên, tính đến hết quý II năm 2024 đã đạt được lợi nhuận sau thuế hơn 7 tỷ đồng, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 sẽ đạt như kế hoạch đề ra tổng lợi nhuận năm 2024 là 10 tỷ để sớm khắc phục lỗ luỹ kế”, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.
Đi sâu hơn về kết quả kinh doanh của TPC, theo Báo cáo tài chính quý II/2024 mới công bố, doanh thu thuần của TPC đạt hơn 115 tỷ đồng, giảm gần 18% so với hồi đầu năm. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp hơn 11 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm gần 17% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 1,5 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động này cũng giảm mạnh hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 1 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng tăng gần 77% so với cùng kỳ, lên hơn 4,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp được doanh nghiệp cắt giảm 32% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 4,6 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của TPC ghi nhận đạt hơn 5,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 41 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp ngành nhựa này ghi nhận đạt hơn 203 tỷ đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chuyển từ lỗ gần 50 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước sang có lãi hơn 7 tỷ đồng trong kỳ này.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 450 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn một nửa với gần 239 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm. Doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 16,4 tỷ đồng các khoản tiền và tương đương tiền. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là hơn 79,6 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn từ khách hàng hơn 76 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho là hơn 51 tỷ đồng.
Cổ phiếu TPC đang trong diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 156 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 118 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 294 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Theo ông Đinh Đức Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ngành nhựa Việt Nam vẫn đang có tốc độ phát triển tốt và có tiềm năng thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế. Năm 2023, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt 6,82 triệu tấn với trị giá 9,76 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với năm 2022.
Doanh thu ngành nhựa năm 2023 đạt 25 tỷ USD, giảm 0,67% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu nhựa 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3,29 triệu tấn với trị giá 4,52 tỷ USD, tăng 28% về lượng và tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
"Dự kiến, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2023", ông Đinh Đức Thắng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Đinh Đức Thắng đánh giá trên thực tế sản phẩm nhựa Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn. Vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt.
Để ngành nhựa Việt Nam tiếp cận được yêu cầu đối với sản phẩm nhựa trên thế giới, ông Thắng cho rằng, các doanh nghiệp nhựa, các nhà sản xuất cần tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến các sản phẩm nhựa bền vững và thân thiện với môi trường.