Trước khi giá thép diễn biến bất lợi, thị trường đã phục hồi nhẹ, các doanh nghiệp ngành thép đã thu hẹp đáng kể quy mô hàng tồn kho sau quý 2 vừa qua.
Tồn kho của các doanh nghiệp ngành thép đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa: Thép Hòa Phát
Theo ghi nhận từ BCTC các doanh nghiệp ngành thép trên sàn chứng khoán, tính đến cuối tháng 6.2024, tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp thép ước tính vào khoảng 75.000 tỉ đồng, giảm khoảng 7.000 tỉ so với cuối quý trước, nhưng con số này vẫn ở mức cao.
Tồn kho ngành thép giảm trong bối cảnh xu hướng giá thép thế giới không thuận lợi, tuy nhiên lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp vẫn ở mức khá cao, điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp ngành thép thời gian tới.
Trong đó, riêng CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã chiếm hơn 53% với giá trị tồn kho cuối quý II với 40.163 tỉ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 291 tỉ đồng). So với thời điểm đầu năm, hàng tồn kho của “Vua thép” Hòa Phát tăng 16,4%, tuy nhiên so với cuối quý I/2024, con số này đã giảm 4,7%.
Trong quý II/2024, doanh thu thuần hợp nhất của Hòa Phát đạt 39.555 tỉ đồng, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp kỳ này cải thiện từ mức 10,8% lên 13,2%. Đồng thời, chi phí tài chính trong kỳ giảm 21% xuống còn 1.065 tỉ đồng. Kết quả, Hòa Phát báo lãi sau thuế 3.320 tỉ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp tính từ quý III/2022 đến nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 71.029 tỉ doanh thu và 6.189 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 25% và gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Công ty đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu doanh thu và khoảng 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG), hàng tồn kho tính đến cuối quý II/2024 ở mức 5.743 tỉ đồng, công ty đã trích lập dự phòng giảm giá tồn kho 130 tỉ đồng. So với thời điểm đầu năm, hàng tồn kho của Thép Nam Kim biến động không đáng kể, nhưng so với cuối quý I, con số này đã giảm nhẹ 1,5%.
Quý II/2024, doanh thu thuần hợp nhất của Nam Kim đạt 5.660 tỉ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tài chính trong kỳ mang lại cho Thép Nam Kim hơn 113 tỉ đồng doanh thu, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm đáng kể, lần lượt giảm 44% và 19,7%, tương ứng còn 70 tỉ đồng và 32,6 tỉ đồng. Kết quả, Nam Kim báo lãi sau thuế hơn 219 tỉ đồng, tăng mạnh 75% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 46% so với quý I/2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 10.951 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 460 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 370 tỉ đồng. Với kết quả này, Thép Nam Kim đã hoàn thành 109% mục tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã: TVN) cũng ghi nhận giá trị hàng tồn kho 4.984 tỉ đồng. So với thời điểm đầu năm, hàng tồn kho của VNSteel tăng 23%, tuy nhiên so với cuối quý I/2024, con số này đã giảm 8,2%.
Quý II/2024, doanh thu thuần của VNSteel đạt 10.076 tỉ đồng, tăng mạnh 49% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của VNSteel trong kỳ đạt 318 tỉ đồng, gấp 3,7 lần cùng cùng năm trước.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh, trong khi các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng đáng kể, lần lượt tăng 84% và 26%. Kết quả VNSteel báo lãi sau thuế quý II đạt 130 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lỗ 349 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNSteel đạt 17590 tỉ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 175 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước công ty lỗ 281 tỉ đồng.
Đối với CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH), tính đến cuối quý II, hàng tồn kho của doanh nghiệp đạt 2.567 tỉ đồng, tăng 6,4% so với thời điểm đầu năm, nhưng con số này đã giảm 6,3% so với cuối quý trước.
Trong quý II vừa qua, doanh thu thuần của Thép Tiến Lên đạt 1.634 tỉ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng mạnh tới 42% ghi nhận 1.700 tỉ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Thép Tiến Lên lỗ gộp hơn 66 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 38 tỉ đồng.
Công ty cũng ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tới 17 tỉ đồng, cùng kỳ lãi hơn 300 triệu. Kết quả, Thép Tiến Lên báo lỗ sau thuế hơn 153 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước có lãi hơn 5 tỉ đồng. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất so với các doanh nghiệp ngành thép kỳ này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù doanh thu thuần tăng nhẹ 9% lên 2.895 tỉ đồng, Thép Tiến Lên vẫn ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 152 tỉ đồng.
Bình luận (27)