Trước khi lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trong tháng 10/2024, TNH vừa hoàn tất đợt phát hành 15,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 1.254 tỷ đồng.
Dự án bệnh viện TNH Lạng Sơn - một trong những dự án trọng điểm của TNH ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN
CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (HOSE: TNH) vừa công bố nghị quyết HĐQT, thông qua tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 1 năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền dự họp là 21/11/2024, thời gian tổ chức dự kiến vào ngày 20/12/2024. Đại hội dự kiến được tổ chức trực tuyến và bỏ phiếu điện tử.
Theo nghị quyết HĐQT của TNH, đại hội lần này dự kiến sẽ thông qua việc sửa đổi điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty, thông qua việc bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập. Bên cạnh đó, HĐQT TNH cũng sẽ trình cổ đông phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Chi tiết về phương án phát hành chưa được TNH công bố.
Đáng chú ý, vào ngày 24/10, TNH vừa thông báo kết thúc đợt chào bán 15,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ thành công từ 1.102 tỷ đồng lên 1.254 tỷ đồng.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 152 tỷ đồng. Trong đó, 20 tỷ đồng được sử dụng để trả nợ vay các tổ chức tín dụng, 40 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động (thanh toán tiền mua hàng hóa, thuốc, hóa chất, trả nợ lương cán bộ nhân viên).
Số tiền còn lại từ đợt chào bán, tương đương 92 tỷ đồng sẽ được sử dụng để trả nợ vay các thành viên HĐQT, bao gồm ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT (35,6 tỷ đồng); ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc - Phó Chủ tịch HĐQT (11,4 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Thủy, Ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ (35 tỷ đồng); ông Nguyễn Xuân Đôn, Ủy viên HĐQT (10 tỷ đồng).
Sau đợt chào bán, TNH có 4 cổ đông lớn, bao gồm Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên, sở hữu 6,67% vốn điều lệ và 4 quỹ ngoại, bao gồm Acccess S.A Sicav SIG – ASIA top Picks (6,93%), Blooming Earth PTE Ltd (9,08%) và KWE Beteiligungen AG (10,51%).
Theo báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, TNH ghi nhận 137 cổ đông nước ngoài, bao gồm 39 tổ chức và 98 cá nhân sở hữu 59,85 triệu cổ phần, tương đương 47,47% vốn điều lệ công ty.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông TNH đã thông qua kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 70%. Việc này, theo ban lãnh đạo TNH, sẽ mang lại cơ hội tốt để cổ phiếu TNH tăng tính thanh khoản trong giao dịch, tăng cường khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của công ty.
Đến ngày 22/8/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra thông báo nhận được hồ sơ thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của TNH tại mức 70%.
Dồn lực cho dự án trọng điểm
Trong quý 3/2024, TNH ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 110 tỷ đồng, giảm 41% so với quý 3/2023, lợi nhuận gộp từ đó giảm 60% về còn 26 tỷ đồng. Với việc chi phí tiếp tục duy trì ở mức cao, công ty báo lãi sau thuế đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 81% so với khoản lãi 49 tỷ đồng đạt được trong quý 3/2023.
Lý giải nguyên nhân báo lãi giảm mạnh, lãnh đạo TNH cho biết doanh thu trong kỳ chủ yếu để từ dịch vụ khám chữa bệnh, không phát sinh doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản như cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, 2 bệnh viện đang hoạt động của công ty trên địa bàn tỉnh THái Nguyên chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Bão lũ diễn ra dài ngày nên số lượng bệnh nhân đến thăm khám vào điều trị nội trú giảm so với quý 3/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận 332 tỷ đồng doanh thu, 62,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 20% và 43,6% so với 9 tháng đầu năm 2023, qua đó hoàn thành 61,5% kế hoạch doanh thu và 40,4% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Tổng tài sản tại cuối tháng 9/2024 của TNH đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh từ 433 tỷ đồng lên 878 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tại dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Việt Yên, Bắc Giang (TNH Việt Yên) tăng 61,3% lên 621 tỷ đồng, chi phí tại dự án đầu tư xây dựng bệnh viện TNH Lạng Sơn tăng 432% lên 231 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của TNH tăng 96% so với đầu năm lên 799 tỷ đồng. Chiếm 95,9% cơ cấu nợ của TNH là 766 tỷ đồng nợ vay tài chính, bao gồm 255 tỷ đồng vay ngắn hạn và 511 tỷ đồng vay dài hạn.
Tính đến cuối quý 3/20024, công ty phát sinh thêm 149 tỷ đồng vay dài hạn tại Ngân hàng MB chi nhánh Thái Nguyên, nhằm đầu tư xây dựng dự án bệnh viện TNH Lạng Sơn. Công ty cũng tăng một khoản vay dài hạn khác tại ngân hàng MB, từ 174 tỷ đồng lên 367 tỷ đồng, chủ yếu nhằm mua sắm máy móc thiết bị y tế để thực hiện dự án bệnh viện TNH Việt Yên.
TNH Việt Yên có quy mô 300 giường bệnh, tổng diện tích xây dựng gần 3ha. Trong khi đó, TNH Lạng Sơn có quy mô 300 giường bệnh, diện tích xây dựng khoảng 17.000 – 18.000 ha. Đây là 2 dự án trọng điểm của TNH ở thời điểm hiện tại.
Bình luận (35)