Những cổ phiếu gạo lừng lẫy một thời trên sàn chứng khoán như LTG, AGM, TAR đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính, giá rớt thảm xuống dưới 10.000 đồng/cp.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Theo số liệu của Seasia Stats, niên độ 2023 – 2024, Ấn Độ tiếp tục là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 16,5 triệu tấn, thứ 2 là Thái Lan với 8,2 triệu tấn và Việt Nam bám sát với 7,6 triệu tấn.
9 tháng đầu năm 2024, gạo Việt vẫn giữ vững vị thế khi xuất khẩu hơn 7 triệu tấn, thu về 4,37 tỷ USD; lần lượt tăng 9,2% và 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ vậy, gạo Việt còn ngày càng nâng cao chất lượng và chinh phục được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo đang hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Nhu cầu nhập khẩu gạo của các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia… tiếp tục duy trì ở mức cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cũng đang tích cực mở rộng sang những thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Với diễn biến thuận lợi trong các tháng qua và tình hình dự báo khả quan cuối năm, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 được dự báo có thể lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD. Bối cảnh ngành thuận lợi và triển vọng tươi sáng nhưng cổ phiếu của các ông lớn ngành gạo như Lộc Trời, Trung An, Angimex lại rơi vào tình trạng “bi đát”, lao dốc, vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và hủy niêm yết.
Xuất khẩu gạo Việt tăng trưởng tích cực nhưng doanh nghiệp gạo lại gặp khó khăn. Nguồn: AGM
Gạo Trung An vướng “lùm xùm” vấn đề tăng vốn
Được thành lập từ 1996, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được trực tiếp xuất khẩu gạo. Công ty đã có chuỗi tăng trưởng khá ấn tượng từ 2016 đến 2021, song đến năm 2023 – giai đoạn xuất khẩu gạo đạt nhiều thành tựu – thì bắt đầu thua lỗ.
Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu năm 2023 tăng 18% lên 4.485 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm cùng chi phí lãi vay gia tăng, công ty báo lỗ gần 16 tỷ đồng, trong khi năm 2022 có lãi 68 tỷ đồng. Diễn biến tương tự tiếp tục lặp lại trong nửa đầu năm nay, doanh thu công ty đạt 3.179 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; lỗ ròng 8,5 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm từ 5,3% về 2,6%.
Không chỉ tình hình kinh doanh đi xuống, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An còn bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận với BCTC riêng và hợp nhất 2023, bán niên 2024. Nguyên nhân do công ty đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra của UBCKNN ngày 13/9/2023 bao gồm chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ; việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên BCTC năm 2022 được kiểm toán với giá trị 1.255,5 tỷ đồng.
Với những lùm xùm trên, cổ phiếu TAR cũng lao dốc từ vùng 22.000 đồng/cp tháng 8/2023 xuống dưới mệnh giá và bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX. Sau đó, dù đã được chấp thuận đăng ký giao dịch trở lại trên UPCoM, cổ phiếu TAR lại bị đưa vào diện hạn chế giao dịch – chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Đồng thời, giá cổ phiếu tiếp tục giảm từ 6.100 đồng/cp về 4.400 đồng/cp.
Lộc Trời khó khăn dòng tiền
Trùng hợp, một cổ phiếu gạo đình đám khác – LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng bắt đầu lao dốc từ tháng 7/2023 ở vùng giá trên 40.000 đồng/cp xuống dưới mệnh giá , bốc hơi 75% trong 1 năm qua.
Đi cùng với diễn biến giá cổ phiếu là những bất cập liên tục lộ diện. Như đầu tháng 4, Lộc Trời công bố BCTC kiểm toán cả năm 2023 cho thấy lợi nhuận ròng bị bốc hơi đến 94% xuống 17 tỷ đồng do phần lãi từ giao dịch mua cổ phần Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân giá rẻ bị loại bỏ.
Sau đó, Lộc Trời vướng lùm xùm liên quan thiếu nợ quá hạn với nông dân. Vào trung tuần tháng 7, ông Nguyễn Duy Thuận bị HĐQT miễn nhiệm Tổng Giám đốc. Sau đó, nhiều nhân sự khác cũng từ chức như bà Nguyễn Thị Thúy, Thành viên BKS; ông Johan Sven Richard Boden, Thành viên HĐQT; ông Tiêu Phước Thạnh, Thành viên BKS.
Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời đã có công văn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.
Trong buổi gặp mặt “Đã hơn một lần làm doanh nhân” – chủ đề của lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam do VCCI đồng bằng sông Cửu Long tổ chức gần đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời đã có nhiều tiết lộ gây sốc. Ông Thòn bày tỏ đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành, qua đó khiến công ty gặp tổn thất lớn. Bản thân ông nếu đi tiếp cùng Lộc Trời có thể dẫn đến tù tội.
Trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi thời gian qua, Lộc Trời đã gặt hái được nhiều thành tựu và doanh thu tăng trưởng mạnh. Năm 2023, doanh thu tăng 37% và lập kỷ lục mới với 16.088 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản phải thu càng lớn, nợ khó đòi càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2023, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đạt 6.517 tỷ đồng, gấp gần 3 lần đầu năm. Nợ quá hạn 808 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; trong đó nợ quá hạn từ 1 năm trở lên hơn 517 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Lộc Trời phải gia tăng nợ vay để đảm bảo vốn lưu động. Công ty tăng mạnh nợ vay ngắn hạn gần gấp đôi lên 6.228 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 2 lần. Áp lực nợ, khách hàng quốc tế chậm thanh toán đã khiến công ty rơi vào tình trạng căng thẳng dòng tiền, xuất hiện việc không đảm bảo thanh toán cho nông dân.
Khó mà đánh giá tình trạng của Lộc Trời trong nửa đầu năm nay do đến nay doanh nghiệp vẫn chưa công bố BCTC quý II và BCTC bán niên soát xét. Doanh nghiệp lý giải đang gặp phải sự kiện bất khả kháng phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ công ty tập trung xử lý các vấn đề tài chính trước mắt. Đồng thời, ĐHĐCĐ thường niên năm nay tổ chức muộn hơn so với các năm trước. Sau đại hội, công ty gặp biến động nhân sự, thay đổi một số nhân sự chủ chốt nên đến ngày 19/8 mới hoàn tất ký hợp đồng kiểm toán và soát xét 2024.
Dựa theo số liệu tại BCTC quý I doanh nghiệp công bố thì tình hình tài chính không có nhiều tiến triển. Lộc Trời tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng cao từ 2.452 tỷ đồng lên 3.849 tỷ đồng nhờ mảng lúa gạo nhưng lợi nhuận gộp giảm và lỗ ròng 96 tỷ đồng.
Angimex chìm trong chuỗi thua lỗ
Angimex (mã: AGM) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, vật tư nông nghiệp được thành lập từ 1976. Giai đoạn trước 2020, doanh nghiệp kinh doanh ổn định với doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận vài chục tỷ mỗi năm. Bước ngoặt của đại gia ngành gạo đất An Giang là năm 2021 khi có nhà đầu tư mới Louis Holdings vào thế chỗ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Song qua năm 2022, nhóm Louis Holdings gặp biến cố khi người đứng đầu khi đó là ông Đỗ Thành Nhân bị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán.
Kể từ đó, Angimex như “rắn mất đầu”, kinh doanh thua lỗ hơn 200 tỷ đồng mỗi năm giai đoạn 2022 – 2023. Đến nửa đầu năm nay, công ty tiếp tục lỗ thêm 98 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 264 tỷ đồng vượt vốn điều lệ (182 tỷ đồng). Nếu tình trạng thua lỗ không được khắc phục trong nửa cuối năm nay, cổ phiếu AGM nhiều khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.
Không chỉ vậy, Angimex có khoản nợ trái phiếu 560 tỷ đồng (AGMH2123001 và AGMH2223001 giá gốc 650 tỷ đồng) huy động vào năm 2021 và 2022 để mua nhà máy gạo Đồng Tháp, góp vốn Công ty TNHH MTV Chế biến Lương thực Angimex và bổ sung vốn lưu động. Trái phiếu đã đến hạn song công ty vẫn chưa thanh toán nợ gốc và lãi do tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính gặp khó khăn. Vào ngày 24/7 vừa qua, doanh nghiệp đã nhận được các quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân Thành phố Long Xuyên – tỉnh An Giang liên quan đến trái chủ của mã trái phiếu AGMH2123001.
Tại BCTC bán niên 2024, đơn vị kiểm toán lưu ý trường hợp công ty đã chuyển nhượng 98% vốn góp tại Công ty TNHH Dịch vụ Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp cho Công ty TNHH Khánh Tây Đô. Tuy nhiên, đối tác chưa thanh toán đầy đủ số tiền còn nợ là 17 tỷ đồng (tương đương 34% giá trị hợp đồng) và Angimex đã nộp đơn tố giác tội phạm đối với Khánh Tây Đô.
Hay công ty có các khoản tiền trả trước với bà Từ Thị Hồng Thanh và ông Lê Quang Nhuận số tiền lần lượt 24,5 tỷ đồng và 20 tỷ đồng không thu hồi được. Cụ thể, công ty tạm ứng cho bà Hồng Thanh số tiền 62 tỷ đồng để thu mua lúa gạo nhưng mới hoàn ứng 37,5 tỷ đồng. Hiện nay, công nợ đã quá hạn thanh toán và bà Thanh cam kết thế chấp bằng quyền sử dụng đất và nhà kho nhưng Angimex chưa nắm giữ tài sản đảm bảo này. Với trường hợp ông Thuận, công ty tạm ứng để mua đất nhưng đối tác không tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất và cũng không hoàn trả số tiền đã nhận.
Ngoài ra, công ty ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 6 quyền sử dụng đất với bà Huỳnh Thị Thúy Vy với giá trị hợp đồng 182,6 tỷ đồng và đã trả trước 179 tỷ đồng. Dù hợp đồng được xác lập từ cuối năm 2021 nhưng đến nay Angimex vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để sang tên công ty.
Về diễn biến cổ phiếu, AGM lao dốc mạnh từ vùng 57.400 đồng/cp đầu năm 2022 về 3.660 đồng/cp hiện nay. Mới đây, mã chứng khoán này bị đưa vào diện kiểm soát do vốn chủ sở hữu âm trên BCTC hợp nhất gần nhất.
Bình luận (7)