Mải mê “chạy theo” cổ phiếu midcap, cổ phiếu tăng trưởng nóng, nhiều nhà đầu tư chán nản vì thua lỗ triền miên dù thị trường chứng khoán vẫn trên đà phục hồi.
Đổ xô vào cổ phiếu “nóng”
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ những sóng ngắn khiến nhiều cổ phiếu bất ngờ dậy sóng.
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu VCA của Công ty CP Thép VICASA. Cổ phiếu này đã tăng trần liên tiếp 11 phiên kể từ ngày 28/11 đến ngày 12/12 khiến thị giá tăng hơn gấp đôi chỉ sau khoảng thời gian này.
Nguyên nhân khiến VCA "bốc đầu" đến từ thông tin được công bố ngày 27/11 về việc cổ đông lớn của doanh nghiệp này là Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (cổ đông lớn sở hữu 65% cổ phần VCA) sẽ đấu giá công khai 65% vốn sở hữu tại VICASA. Mức giá thấp nhất mà Tổng công ty Thép Việt Nam đưa ra là 24.158 đồng/cổ phiếu, gần gấp 3 so với thị giá VCA thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau 11 phiên thì cổ phiếu này lập tức quay đầu lao dốc với 4 phiên giảm sàn liên tiếp tính đến thời điểm này. Đây là diễn biến đã có thể đoán trước, khi đà tăng của VCA chủ yếu đến từ lực cầu FOMO.
Một cổ phiếu khác cũng diễn biến tương tự là TTL của Tổng công ty Thăng Long – CTCP. Cổ phiếu này tăng trần liên tiếp 5 phiên, từ ngày 9/12 đến ngày 13/12, thị giá tăng gần gấp đôi, từ mức giá 7.800 nghìn đồng lên 14.900 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng của cổ phiếu này bắt đầu sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo sẽ tổ chức đấu giá 10,5 triệu cổ phần, tương đương hơn 25% vốn điều lệ Tổng công ty Thăng Long. Giá khởi điểm của cả lô là hơn 222,6 tỷ đồng, tương đương hơn 21.200 đồng/cổ phần, cao gần gấp 3 thị giá cổ phiếu này lúc bấy giờ.
Nhưng cũng giống như VCA, sau chuỗi tăng nóng, nhà đầu tư đã ồ ạt chốt lời cổ phiếu TTL, khiến giá quay đầu giảm sàn liên tiếp 2 phiên gần đây và dự báo có thể vẫn tiếp tục giảm thêm.
Ngay sau "sóng" VCA, TTL thì lại đến lượt cổ phiếu YEG của Công ty CP Tập đoàn Yeah1. Cổ phiếu này đã có 2 phiên tăng kịch trần, theo đó, giá YEG đã đạt 16.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên hôm nay, mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2023.
Cổ phiếu Yeah1 nóng lên nhờ dư âm của đêm nhạc (concert) cho chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" tại Hưng Yên, hôm 14/12.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thiếu động lực hỗ trợ, nhà đầu tư dường như đang “đỏ mắt” tìm kiếm những nhân tố tích cực để tham gia đặt lệnh. Đây là lý do khiến những cổ phiếu có câu chuyện dễ dàng thu hút lực mua từ những nhà đầu tư lướt sóng.
Nhà đầu tư vẫn thua lỗ vì mải chạy theo cổ phiếu midcap
Trong khi đó, diễn biến chung của thị trường thời gian qua khá ảm đạm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, trong khi khối ngoại tiếp tục trạng thái bán ròng. VN-Index gần như chỉ dao động quanh khoảng 1.200 – 1.300 điểm trong suốt gần 1 năm qua khiến nhiều nhà đầu tư chán nản. Giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE nhiều tháng trở lại đây thường xuyên chỉ ở mức 9.000 – 12.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều phiên xuống dưới 9.000 tỷ đồng.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, thực tế thị trường chứng khoán không “đáng chán” như những gì nhiều nhà đầu tư nhìn nhận. Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, dường như chính dòng vốn trên thị trường đang có phần làm “méo mó” hình ảnh của thị trường trong ngắn hạn.
Theo ông Huấn, năm 2024, bản chất thị trường vẫn đang tăng trưởng, các quỹ vẫn đang có lợi nhuận. “Chỉ có điều là người Việt và nhà đầu tư cá nhân, kể cả các phương tiện truyền thông chúng ta đang quan tâm quá nhiều tới nhóm cổ phiếu midcap. Nếu chúng ta cầm những cổ phiếu nhóm bluechip thì giờ này đang lời rất nhiều. Đa phần nhà đầu tư đang lỗ ở nhóm midcap chứ không phải do thị trường đi xuống” – vị chuyên gia nhận định.
Về triển vọng thị trường thời gian tới, ông Huấn cho rằng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi vào những năm tới. Theo ông, năm 2024 đã xác nhận rõ là chúng ta đang ở giai đoạn phục hồi ban đầu, và khi kinh tế phục hồi thì cổ phiếu sẽ là lớp tài sản phục hồi đầu tiên, vì cổ phiếu luôn đi trước thị trường, thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế.
Còn ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research thì cho rằng giai đoạn cuối 2024 - nửa đầu 2025, thanh khoản có thể đi ngang trên nền trung bình và thấp.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2025, kể từ tháng 8, thanh khoản sẽ tăng cao, được kích hoạt nhờ nâng hạng, dòng tiền trong nước, khối ngoại gia tăng mua trở lại.
Đại diện VPBankS dự báo từ nay đến hết 2024, với bối cảnh áp lực bán ròng của khối ngoại, tỷ giá tăng cao và nửa đầu năm 2025 có thể đón nhận chính sách thuế mới của ông Trump nên VN-Index sẽ dao động quanh vùng 1.200 - 1.300 điểm.
Vùng trũng thị trường có thể rơi vào tháng 4 – 6/2025 là điều kiện cho nhà đầu tư trung hạn xem xét giải ngân để chốt lời vào cuối năm.
Ông Sơn cho rằng, chính sách nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025. Chỉ số VN-Index dự báo đạt trên 1.400 điểm, dao động quanh 1.350 điểm, trong khi thanh khoản dự báo sẽ đạt hơn 23.000 tỷ đồng, có thể cao nhất 26.000 tỷ đồng.
Bình luận (46)