Hãy là người đầu tiên thích bài này
Thời hoàng kim chưa từng có của vàng suốt 6.600 năm: Hiệu ứng từ Tổng thống Donald Trump liệu có tạo nên lịch sử?

Vào năm 2015, Tổng thống Donald Trump khi đó mới bắt đầu cuộc chạy đua tranh cử lần đầu tiên vào Nhà Trắng từng nói về tham vọng hồi phục chế độ "bản vị vàng" - neo tiền vào lượng vàng nhất định. Liệu vàng có đang bước vào thời hoàng kim chưa từng có?

Tờ Financial Times (FT) cho hay vàng đã trở thành tài sản hưởng lợi nhiều nhất, vượt trội hơn các kênh đầu tư khác kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Nỗi lo chiến tranh thương mại và những biến động cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn, đẩy giá vàng lên mức cao nhất lịch sử.

Giá vàng thỏi đã tăng hàng tuần từ đầu năm đến nay khi Nhà Trắng áp dụng các chính sách thuế quan thương mại, đẩy kim loại quý này lên mức kỷ lục 2.942,7 USD/ounce trước khi có điều chỉnh nhẹ. Kể từ lễ nhậm chức ngày 20/1/2025 của Tổng thống Donald Trump, giá vàng đã tăng 7%.

Ngược lại, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Phố Wall chỉ tăng chưa đến 2%, trong khi các kênh đầu tư khác như đồng USD, trái phiếu hay tiền số Bitcoin đều không có được đà tăng như vàng.


Thậm chí Bitcoin, kênh đầu tư từng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc Tổng thống Donald Trump đắc cử cũng đang dần mất đà tăng giá của mình.

Xin được nhắc lại rằng vào năm 2015, Tổng thống Donald Trump khi đó mới bắt đầu cuộc chạy đua tranh cử lần đầu tiên vào Nhà Trắng đã từng nói về tham vọng hồi phục chế độ "Bản vị vàng" (Gold Standard)-neo tiền vào lượng vàng nhất định.

Theo chế độ Bản vị vàng, Các quốc gia cam kết chuyển đổi tiền giấy thành vàng theo tỷ lệ cố định đã được quy định. Điều này giúp đảm bảo tính ổn định của tiền tệ, vì giá vàng là thước đo chuẩn để xác định giá trị tiền tệ.

Điều này đồng nghĩa các nước sẽ phải tăng cường tích trữ vàng nhằm đảm bảo sự ổn định cho đồng nội tệ.

1.000 tấn vàng

Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1.000 tấn vàng vào năm ngoái trong năm thứ ba liên tiếp.

"Khi thương mại gặp thách thức, vàng sẽ tăng giá. Càng nhiều mức thuế quan được áp dụng thì càng làm gián đoạn thương mại thế giới và vàng càng hưởng lợi", chuyên gia phân tích James Steel tại HSBC cho biết khi dẫn chứng những ví dụ trước đây trong đại dịch Covid và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Lượng dự trữ vàng thỏi tại sàn New York đã tăng 116% kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, khi các ngân hàng vội vã chuyển 8.000 thỏi vàng khỏi London và nhiều nơi trên thế giới để chuyển về Mỹ.

Việc Mỹ áp thuế thương mại lên các nước và kích thích những đòn trả đũa được cho là sẽ khơi mào cuộc chiến thương mại toàn cầu, làm giảm tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát, vốn là những yếu tố thường có lợi cho vàng thỏi.

Bởi vậy trong khi đồng USD mất giá 2,4% từ đầu năm đến nay so với một rổ các đồng tiền chủ chốt, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên hơn 4,8% thì vàng lại đang là kênh đầu tư nóng bỏng.

"Vàng có thể đóng vai trò là hàng rào chống lạm phát hay các biến động tỷ giá cũng như địa chính trị", giám đốc Trevor Greetham tại Royal London Asset Management cho biết.

Ngoài ra, sự giảm giá của đồng USD cũng khiến giá vàng tăng lên để điều chỉnh đúng với giá trị thực.

Khi vàng đạt một loạt mức cao kỷ lục, một số ngân hàng đã phải nâng dự báo mà họ từng đặt ra vào tháng 12/2024. Tuần trước, cả UBS và Citigroup đều nâng mức giá mục tiêu lên 3.000 USD/ounce cho vàng.


Giá vàng ngày càng tăng phá kỷ lục (USD/ounce)

Thêm nữa, hoạt động mua mạnh vàng từ các ngân hàng trung ương nhằm đa dạng hóa dự trữ khỏi đồng USD, qua đó né tránh những biến động về địa chính trị và thương mại sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu vàng.

"Rõ ràng là thị trường đang nói với bạn rằng chỉ có một loại tiền tệ dự trữ duy nhất trên thế giới này mà các chính trị gia không thể in, đó là vàng", giám đốc điều hành Mark Bristow của công ty khai thác Barrick Gold nhận định.

Bản vị vàng

Vàng đã xuất hiện từ lâu khi các bằng chứng khảo cổ cho thấy việc sử dụng vàng có thể bắt nguồn từ khoảng 4.600 năm trước Công nguyên. Thế nhưng giá trị của vàng còn hơn xa thế.

Theo FT, sự lo lắng về việc các tài khoản ngân hàng, cổ phiếu công nghệ và thậm chí đồng tiền bỗng trở thành giấy lộn đã khiến vàng luôn tồn tại như một tài sản đảm bảo.

Quay ngược dòng lịch sử, đồng Bảng Anh từ lâu đã được neo vào vàng khi Chính thống giáo thời Victoria từng nhấn mạnh điều này nhằm ngăn chặn hành vi in quá nhiều tiền gây lạm phát.

Hậu Thế chiến I, việc neo tiền vào vàng càng được khẳng định khi Anh quay trở lại với Bản vị vàng năm 1925 sau quãng thời gian tạm đình chỉ để giúp tài trợ cho chi phí quân sự. Tất cả chuyên gia thời đó đều lo ngại rằng nếu không có Bản vị vàng, đồng Bảng có thể mất giá mạnh khiến lạm phát tăng vọt.

Mặc dù động thái khôi phục Bản vị vàng đã khiến 1 triệu người thất nghiệp tại Anh vào thời kỳ đó nhưng tờ FT cho biết các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng điều đó là đáng giá.

Ngay cả khi số người thất nghiệp ở Anh đã lên 3 triệu người vào năm 1931 nhưng chính phủ vẫn cố gắng neo tiền vào vàng, giữ lãi suất cao và trấn an thị trường vượt qua nỗi đau.

Thế rồi nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes xuất hiện và đưa ra quan điểm rằng Bản vị vàng không hiệu quả. Nhà kinh tế học này lập luận rằng đã đến lúc từ bỏ Bản vị vàng, hạ lãi suất để kích thích kinh tế, giải cứu hàng triệu người thất nghiệp thay vì tích trữ vàng.

Thậm chí Keynes đã thách thức quan điểm nổi tiếng "vàng là tiền" của ngân hàng JP Morgan Chase khi cho rằng giá trị của thứ kim loại quý này đơn thuần chỉ là do niềm tin của con người. Nếu không còn ai tin vào giá trị của vàng thì thứ kim loại này sẽ chẳng còn được trân trọng như ngày nay.

Quan điểm của Keynes được hỗ trợ bởi Tiến sĩ Sigmund Freud, một nhà khoa học nổi tiếng trong giới tâm lý học. Dựa trên những nghiên cứu của Freud, chuyên gia Keynes cho rằng tại sao mọi người lại bám víu vào thứ gì trơ lì khi hoàn toàn có thể sáng tạo.

Cuối cùng vào tháng 9/1931, đồng Bảng Anh đã từ bỏ Bản vị vàng, tạo tiền đề hạ lãi suất và thúc đẩy kinh tế. Tiếp bước, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cũng đã loại bỏ Bản vị vàng khỏi đồng USD vào năm 1933, đồng thời ban hành lệnh cấm tích trữ vàng.

Tuy nhiên người Mỹ và rất nhiều người trên thế giới không bao giờ từ bỏ được Bản vị vàng khi nỗi sợ đồng tiền mất giá vẫn còn đó.

Báo cáo của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cho thấy đã có đến 20 triệu người Mỹ chuẩn bị cho tình trạng tồi tệ nhất khi mọi thứ sụp đổ, và vàng là một trong những thứ được xem xét tích trữ.

Năm 2024, hãng tin CNBC đưa tin vàng thỏi là mặt hàng chủ lực cho những người chuẩn bị "ngày tận thế" tại Mỹ.

Thế rồi đến cả những chuỗi siêu thị như Costco cũng đã bắt đầu bán vàng. Ngay cả người nổi tiếng như CEO Sam Altman của OpenAI cũng từng thừa nhận tích trữ vàng vào năm 2016.

Tất nhiên một số người so sánh vàng với tiền điện tử, nhưng tờ FT cho rằng cảm giác cầm vàng thật tốt hơn so với những đồng tiền số hư ảo. Thêm vào đó, nếu ngày tận thế xảy ra thật thì tiền số cũng lụi tàn chẳng kém các loại tài sản khác.

Rõ ràng, Bản vị vàng đã bị từ bỏ từ cách đây hơn 50 năm nhưng nhu cầu về kim loại quý này lại đang ngày một lớn dần. Liệu vàng có đang bước vào thời kỳ đỉnh cao chưa từng thấy trong lịch sử?

*Nguồn: FT

Băng Băng-Link gốc

Bình luận (2)

Theo tôi đánh giá là chưa từng có trong vòng 100 triệu năm gần đây
16:04
Bỏ FED đến nơi rồi, ủng hộ Trump.
16:18

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long