Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025 đã chính thức mở ra một giai đoạn phát triển mới đầy tham vọng cho ngành Điện Việt Nam. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải – chuyên gia phân tích thuộc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT – những điều chỉnh lần này không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn vào nhóm cổ phiếu ngành Điện, đặc biệt là các doanh nghiệp có liên quan đến năng lượng tái tạo và điện khí.
Nhu cầu điện tăng mạnh – nền tảng cho chu kỳ đầu tư mới
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Hải, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong Bản quy hoạch điều chỉnh là mục tiêu tăng mạnh sản lượng và công suất điện trong vòng 5 năm tới. Cụ thể, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 624–650 tỷ kWh vào năm 2030, tăng từ 82–102% so với năm 2024. Để đạt được con số này, tổng công suất lắp đặt điện toàn hệ thống sẽ phải nâng lên mức 183–236 GW, tương đương tăng 122–187% so với hiện tại.
Đằng sau những con số đầy ấn tượng ấy là một nhu cầu đầu tư khổng lồ, và cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành Điện. “Chúng tôi nhận thấy giai đoạn tới sẽ là thời điểm then chốt, nơi một chu kỳ đầu tư mới sẽ hình thành. Đây là lúc các nhà đầu tư nên dành sự quan tâm nghiêm túc đến nhóm cổ phiếu ngành Điện,” ông Hải nhận định.
Hình 1: Thay đổi công suất mục tiêu đến năm 2030 của một số nguồn điện chính (MW)
Nguồn: VNDIRECT RESEARCH
Năng lượng tái tạo – điểm sáng trong quy hoạch mới
Không chỉ mở rộng công suất, bản quy hoạch điều chỉnh còn nhấn mạnh tới sự ưu tiên phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Ngọc Hải, đây là tín hiệu rất tích cực bởi trong thời gian qua, năng lượng tái tạo – đặc biệt là điện mặt trời và điện gió – từng rơi vào trạng thái đình trệ do thiếu cơ chế rõ ràng. Nay, với quy hoạch mới, triển vọng tăng trưởng đang dần trở lại.
Cụ thể, công suất điện mặt trời được điều chỉnh tăng 2,3-3,6 lần so với Quy hoạch cũ, trong khi điện gió tăng 1,2–1,7 lần. Ngoài ra, tỷ trọng công suất điện từ năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống dự kiến đạt 40–47% vào năm 2030, so với mức chỉ 26% hiện nay. Điều này không chỉ giúp ngành Điện dịch chuyển theo hướng xanh hơn mà còn tạo ra “đất diễn” rộng mở cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào mảng này.
Những cái tên đáng chú ý trên sàn chứng khoán
Với những thay đổi chiến lược như vậy, đâu là các doanh nghiệp niêm yết có khả năng hưởng lợi lớn nhất? Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Hải, nhóm doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ là những cái tên cần được đặc biệt chú ý. Trong đó như REE, HDG, GEG là ba doanh nghiệp đang có danh mục điện mặt trời và điện gió đã đi vào vận hành, với tiềm năng mở rộng tốt.
Đối với PC1, vừa là nhà thầu EPC lớn trong ngành Xây lắp điện, vừa sở hữu nhiều dự án điện gió quy mô đang khai thác, có khả năng ghi nhận tăng trưởng kép từ cả doanh thu xây lắp lẫn đầu tư điện.
Ngoài ra, POW – đơn vị vận hành nhiều nhà máy điện khí – cũng đang được đánh giá cao với dự án LNG Nhơn Trạch 3 & 4 chuẩn bị đưa vào hoạt động. Trong bối cảnh điện than bị hạn chế, điện khí – đặc biệt là LNG – đang trở thành “nguồn điện nền” mới, giúp POW hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Hình 2: Năng lượng tái tạo sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng nhất theo QHĐ 8 điều chỉnh, có thể mở ra chu kỳ mới đầu tư
Nguồn: VNDIRECT RESEARCH
“Đây là nhóm doanh nghiệp có tiềm lực, tài sản vận hành ổn định, lại đang sở hữu các dự án đúng theo ưu tiên của quy hoạch mới. Với nhà đầu tư dài hạn, đây có thể là thời điểm lý tưởng để tích lũy cổ phiếu,” ông Hải chia sẻ.
Vốn là rào cản – Nhưng cơ hội cho tư nhân là rất lớn
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý rằng ngành Điện, dù nhiều tiềm năng, vẫn đối mặt với một thách thức lớn. Đó là nhu cầu vốn đầu tư rất cao. Ước tính, để thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, Việt Nam cần khoảng 136 tỷ USD trong giai đoạn 2026–2030 và 130 tỷ USD trong giai đoạn 2031–2035. Trong đó, phần lớn dành cho đầu tư nguồn điện và lưới truyền tải.
“Trong bối cảnh nguồn lực công có hạn, vai trò của khối tư nhân sẽ ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, để khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ, chính sách pháp lý cần rõ ràng, minh bạch và ổn định, đặc biệt là các cơ chế giá điện, hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA), đấu thầu dự án…,” ông Hải phân tích.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, sự nhất quán trong chính sách sẽ là yếu tố sống còn để thu hút dòng tiền đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng lớn, có suất đầu tư cao và thời gian thu hồi vốn dài như năng lượng tái tạo.
Thời điểm cho nhà đầu tư?
Với những phân tích ở trên, ông Nguyễn Ngọc Hải cho rằng ngành Điện đang bước vào một chu kỳ phát triển dài hạn, mang lại cơ hội đầu tư rõ ràng nhưng không đại trà. Theo đó, các cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có nền tảng tốt, năng lực thực thi cao và đang nằm đúng hướng ưu tiên của chính sách là điều mà ông Hải khuyến nhà đầu tư cần lựa chọn trong danh mục đầu tư.
“Đây không phải là cơ hội đầu tư ngắn hạn theo phong trào, mà là một xu hướng dài hơi. Với những nhà đầu tư kiên nhẫn và có tầm nhìn, cổ phiếu ngành Điện – đặc biệt trong nhóm năng lượng tái tạo và điện khí – sẽ là một phần hấp dẫn trong danh mục năm 2025 và xa hơn nữa,” ông Hải nhấn mạnh.
Bình luận (12)





