Hãy là người đầu tiên thích bài này
Thêm tín hiệu mới cho chuỗi khí điện lô B – Ô Môn

Một trong những gói thầu quan trọng của dự án nhiệt điện Ô Môn III, thuộc phần hạ nguồn chuỗi khí điện lô B – Ô Môn vừa được ký kết.

Ít ngày trước, đã diễn ra ký kết hợp đồng tư vấn gói thầu khảo sát xây dựng và tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án nhiệt điện Ô Môn III giữa đại diện chủ đầu tư – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 và Liên danh Nhà thầu Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 - PECC2 và Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 - PECC3.

Lễ ký kết hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III (ảnh: pecc3.com.vn)

Theo ông Lạc Thái Phước, Tổng giám đốc PECC3, gói thầu này giữ vai trò quan trọng thuộc đường găng của dự án, nên vấn đề chất lượng, tiến độ phải đặt lên hàng đầu.

Nằm tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, nhiệt điện Ô Môn III sở hữu công suất 1050MW, với công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên khai thác từ mỏ khí Lô B cấp qua đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn và nguồn khí bổ sung khác khi cần thiết để phát điện.

Với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, nhiệt điện Ô Môn III có cơ cấu vốn vay ODA bên cạnh nguồn vốn từ PVN. Theo quy hoạch điện VIII, dự án sẽ hoàn thành và vận hành thương mại vào năm quý II/2030.

Hồi tháng 3 vừa qua, PVN cùng các đối tác đến từ Nhật Bản, Thái Lan đã ký kết 4 thỏa thuận thương mại quan trọng cho chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn.

Thứ nhất là hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B với các điều khoản cam kết mua bán khí Lô B giữa chủ mỏ, gồm các bên bán là PVN, Tổng công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí, Công ty MOECO (Nhật Bản), Công ty PTTEP (Thái Lan), với bên mua là PVN.

Lượng khí Lô B mỗi năm được các bên cam kết giao nhận khoảng 5,06 tỷ m3 trong giai đoạn bình ổn.

Thứ hai là hợp đồng vận chuyển khí. PVN thuê các chủ vận chuyển (PVGAS, PVN, MOECO, PTTEP), theo các điều khoản, điều kiện cam kết trong hợp đồng vận chuyển khí (GTA) Lô B, nhằm vận chuyển toàn bộ lượng khí Lô B (khoảng 5,06 tỷ m3/năm) về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn (Cần Thơ).

Thứ ba là hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa các chủ mỏ (PVN, PVEP, MOECO, PTTEP) và chủ vận chuyển (PV GAS, PVN, MOECO, PTTEP).

Đây là hợp đồng dịch vụ để đấu nối các trang thiết bị của chủ vận chuyển với giàn khai thác khí Lô B và chủ mỏ sẽ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan để hỗ trợ chủ vận chuyển trong suốt thời hạn hợp đồng.

Ngoài ra, còn có hợp đồng bán khí lô B giữa PVN với EVNGENCO2 sẽ cung cấp một phần khí lô B cho nhà máy điện Ô Môn I, với lượng khí mỗi năm khoảng 1,26 tỷ m3 trong giai đoạn bình ổn.

Trị giá gần 12 tỷ USD, chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn gồm dự án thượng nguồn, đường ống và các nhà máy điện ở hạ nguồn. Siêu dự án có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như MOECO, PTTEP, Marubeni, PVN, PVEP, PVGas, Vietracimex.

Nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, cung cấp khí cho 4 nhà máy điện Ô Môn I, II, III IV với tổng công suất khoảng 3.810MW.

Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 22 tỷ kWh điện.

Như đã thông tin, việc triển khai chuỗi dự án theo đúng mục tiêu, kế hoạch đặt ra vốn tồn tại hàng loạt khó khăn mà PVN và các bên phải đối diện xử lý nhiều năm qua.

Điển hình như điểm nghẽn trong các cơ chế chính sách huy động, vận hành hệ thống điện cho các nhà máy điện tiêu thụ khí Lô B, nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng cho nhiệt điện Ô Môn III, đòi hỏi rút ngắn thủ tục phê duyệt nhà máy điện Ô Môn IV hay đàm phán và ký kết thỏa thuận mua bán điện của các nhà máy điện sử dụng khí Lô B.

Đối với khâu thượng nguồn, dự án được ký kết và triển khai cùng lúc nên việc huy động nhân sự rất gấp gáp, gặp một số khó khăn trong quản lý dự án.

Tiến độ chuỗi dự án hiện phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy điện, trong khi khâu này đang có độ trễ nhất định so với các khâu trong toàn chuỗi.

Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai các công tác rà soát FEED, thiết kế chi tiết, lập kế hoạch mua sắm thiết bị, chương trình khoan… của khâu thượng nguồn.

Bên cạnh đó, tài liệu thiết kế tổng thể FEED được hoàn thiện từ năm 2015, đến nay nhiều tiêu chuẩn đã lạc hậu, các quy chuẩn kỹ thuật ngày càng mới và khắt khe hơn.

Do vậy, khi rà soát FEED, đã có nhiều thay đổi thiết kế và dự toán ngoài thẩm quyền phê duyệt của nhà điều hành.

Đối với khâu trung nguồn, hiện đối tác nước ngoài chỉ chấp thuận trả chi phí một số công việc giới hạn cho đến khi các bên đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID), mục tiêu nỗ lực đạt được trước tháng 4/2024.

Cùng với đó, dự án kéo dài nhiều năm, tổng mức đầu tư/dự toán phê duyệt từ 2017-2018, trong khi thị trường biến động theo chiều hướng tăng.

Cụ thể như, đối với gói thầu PC biển, giá trị gói thầu/dự toán thấp hơn giá chào thầu; đối với phần trên bờ, đơn giá đất tăng và chính sách hỗ trợ tái định cư cao hơn so với dự toán, có thể dẫn đến tăng kinh phí đền bù cho dự án.

Hiện nay, tiến độ của chuỗi dự án đang nằm ở khâu hạ nguồn, liên quan đến thời điểm đưa nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV vào hoạt động, nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng khí, đồng thời phù hợp với tiến độ dòng khí đầu tiên đã đề ra.

Tức, khâu thượng nguồn và trung nguồn đang chạy trước so với hạ nguồn, nên có thể nói áp lực chạy đua đang đè nặng lên Ô Môn III và Ô Môn IV.

Nguyễn Cảnh

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long