Hãy là người đầu tiên thích bài này
TCI: Bất ngờ rút khỏi cuộc đua tăng vốn

 Trong bối cảnh các công ty chứng khoán liên tục đua tăng vốn để có tiền cho các hoạt động cốt lõi như cho vay ký quỹ, tự doanh, Chứng khoán Thành Công đã quyết định rút lui để đảm bảo an toàn vốn cho cổ đông và công ty.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra ngày 17/6 vừa qua, Công ty CP Chứng khoán Thành Công (HoSE: TCI) đã quyết định chấm dứt việc phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phương án phát hành cổ phiếu ESOP thông qua từ năm 2023.


Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chứng khoán Thành Công đã thống nhất dừng lại kế hoạch tăng vốn

Được biết, Chứng khoán Thành Công ra nghị quyết tăng vốn này từ năm 2022, đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán ‘neo’ tại vùng đỉnh 1.500 điểm với hoạt động giao dịch và đầu tư sôi động. Tuy nhiên, sau đó, thị trường dần đi xuống và có dấu hiệu chậm phục hồi. Trước tình hình đó, HĐQT nhận thấy, nếu cổ đông bỏ thêm tiền vào cũng lỗ, không tốt cho cả cổ đông và công ty. Do đó, với phương châm “không để cổ đông mất vốn”, Chứng khoán Thành Công đã quyết định dừng việc tăng vốn.

Theo ông Nguyễn Đông Hải – Phó Chủ tịch HĐQT, đợi khi thị trường thuận lợi hơn, giá cổ phiếu tốt hơn, phương ăn này sẽ được cân nhắc thực hiện lại, sao cho tốt nhất cho cổ đông.

Cũng tại Đại hội, Chứng khoán Thành Công đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận sau thuế ghi nhận 58,4 tỷ đồng, giảm 16,5% so với năm 2022 (70 tỷ đồng). Với kết quả này, công ty dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương đương phát hành 5,8 triệu cổ phiếu.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Chứng khoán Thành Công đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt xấp xỉ 81 tỷ đồng, tăng 38% so với thực hiện 2023. Kế hoạch trên được đề ra dựa trên cơ sở đưa ra trên quan điểm quản trị rủi ro, làm đến đâu chắc đến đây, không làm mất vốn cổ đông.

Cuộc đua tăng vốn đầy thách thức?

Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, khoảng 1/3 trong số 30 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường đã công bố kế hoạch tăng vốn mới, với tổng quy mô khoảng 38.000 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong 12 tháng tới. VIS Rating đánh giá, đây là kế hoạch tăng vốn rất đáng kể, sẽ giúp tăng tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán thêm khoảng 20%.

Nhìn chung, kế hoạch tăng vốn chủ yếu đến từ các công ty chứng khoán trong nước quy mô lớn như Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC, HoSE: HCM), Công ty CP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), Công ty CP Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI), Công ty CP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) cũng như các công ty có liên kết với ngân hàng như Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS), Chứng khoán MB (HNX: MBS), Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS), Chứng khoán LPBank (LPBS). Trong khi đó, các công ty chứng khoán ngoại gần như vắng bóng tại cuộc đua tăng vốn năm nay khi chỉ có một đại diện góp mặt là Chứng khoán Guotai Junan (IVS).

Tính tới thời điểm hiện tại, trong số 10 công ty huy động nguồn vốn mới để tăng trưởng kinh doanh, có 4 công ty chứng khoán đã hoàn tất việc tăng vốn, đó là là ACBS, DNSE, HSC và Kafi.

Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm 2024. Cũng theo VIS Rating, lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh này tăng cao sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đòn bẩy của các công ty chứng khoán có dấu hiệu tăng lên trong năm 2023 là một yếu tố buộc các đơn vị này phải tăng vốn. VIS Rating chỉ ra rằng, nguồn vốn cho vay từ các công ty chứng khoán thường được huy động từ các ngân hàng thương mại.

Khi các công ty chứng khoán mở rộng đầu tư và cho vay ký quỹ (margin), tỷ lệ đòn bẩy và sự phụ thuộc vào vay ngắn hạn từ ngân hàng sẽ tăng dần. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, họ đã huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.

Đặc biệt, trong bối cảnh UBCKNN ra văn bản với nội dung cấm các công ty chứng khoán huy động tiền từ khách hàng, các công ty chứng khoán (nhất là các đơn vị không có mối liên kết chặt chẽ với ngân hàng) sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn thị trường để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Theo các chuyên gia, sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, cùng kỳ vọng hệ thống giao dịch mới KRX được vận hành trong năm 2024 đang tạo động lực cho các công ty chứng khoán tăng vốn để đón đầu cơ hội.

Thực tế, đa phần các công ty chứng khoán dự định dành phần khá lớn vốn huy động được cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin). Thống kê cho thấy, đây là một kênh sinh lời hiệu quả khi đóng góp nhiều nhất cho kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán, với tỷ trọng khoảng 40% tổng lợi nhuận gộp. Theo đó, những công ty có thị phần môi giới lớn và có khả năng huy động được lượng vốn lớn sẽ có nhiều dư địa phát triển hoạt động cho vay ký quỹ trong tương lai.

Các chuyên gia nhận định, trong các cuộc soán ngôi xảy ra tại tại thị phần mảng môi giới thời gian vừa qua, không thể phủ nhận vai trò của nguồn lực vốn. Tuy nhiên, không chỉ cần đáp ứng quy mô nguồn vốn, các công ty chứng khoán cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ cho khách hàng. Điều này đặt ra bài toán về sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động được từ các cổ đông.

Mặt khác, tăng vốn để tăng margin cũng được xem là một 'con dao 2 lưỡi', bởi lẽ, khi thị trường đi xuống, các công ty chứng khoán chịu ảnh hưởng đầu tiên, kế đó là các nhà đầu tư.

Link gốc

Bình luận (2)

Đúng ròi, tăng vốn là tăng giấy lộn, khi thị trường xấu đi thì chỉ đem giấy ra đốt. Huy động tiền từ nguồn chi phí thấp là sách lược khôn ngoan nhưng lấy tiền ở đâu? Chỉ em nào có bank phía sau là ngo...Thêm
14:03
Rúc đầu vào htp lỗ sml ra thì pht thế nào được. Lấy gì để ubck cho tăng vốn.
Haiz pha này ngập hơi sâu
01:58

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long