Phim tài liệu "Bom nước" vừa phát sóng trên VTV1 ghi lại những thời khắc nghẹt thở trên hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái). Nhớ lại thời điểm lũ ào ạt tràn về sau siêu bão YAGI, hồ thủy điện Thác Bà chứa hơn 3 tỷ m3 nước có nguy cơ vỡ, gây ra thảm họa khủng khiếp. Những người có trách nhiệm đứng trước quyết định cân não - phá hay không phá đập phụ để giảm tải cho đập chính.
Lãnh đạo lo lắng, người dân thấp thỏm
Phim tài liệu Bom nước mở đầu bằng những hình ảnh về sức tàn phá chưa từng thấy của bão YAGI ở Quảng Ninh, Hải Phòng trong ngày 7/9. Tiếp đó, hoàn lưu sau bão gây ngập úng ở Hà Nội, Sơn La, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai và Yên Bái. Lũ trên nhiều con sông lớn lên báo động mức độ 2.
Mưa lớn liên tục sau bão khiến nước ào ào đổ về hồ Thác Bà. Đập chính nếu vỡ sẽ gây ra thảm họa. Đó là nhận định của TS. Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam.
Những thước phim chuyển đến thời điểm sáng 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ra công điện yêu cầu nhà máy thủy điện Thác Bà mở cửa xả thứ 3, cũng là cửa chính. Thông tin cảnh báo xả lũ được phát liên tục, bắt đầu từ 6h sáng 9/9.
Mưa lớn liên tục sau bão khiến nước ào ào đổ về hồ Thác Bà, nhiều hộ dân khẩn trương sơ tán.
Lũ trên sông Thao vượt mức cảnh báo "rất nguy hiểm". Trời còn nhá nhem, hàng loạt khu dân cư vùng thấp phải khẩn trương sơ tán. Sáng 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã quá lớn, vượt qua mọi quy chuẩn trong thiết kế.
Nước ngày một dâng cao, máy quay của ê-kíp thực hiện bộ phim Bom nước kịp thời ghi lại khoảnh khắc người dân ở Yên Bái chạy lũ dưới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng.
Người dân hoang mang khi mưa ngày một dày.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Tổng Giám đốc CTCP Thủy điện Thác Bà - khẳng định đây là trận lũ lịch sử, chưa từng xảy ra với công trình thủy điện Thác Bà suốt mấy chục năm qua.
"Tốc độ nước tăng quá nhanh, có những giờ tăng hơn 15 cm, chúng tôi rất sốt ruột", ông Quyền nói. Một người dân trả lời phỏng vấn rằng 60 năm qua chưa từng thấy tình trạng này.
Trước quyết định phá đập
Nhiều lãnh đạo bộ ngành có mặt ở Thác Bà theo sát từng diễn biến. Nhiều phương án - kể cả phương án giải quyết tình thế xấu nhất - được đưa ra.
"Theo quy trình vận hành hồ trong mùa lũ, nếu trên mức 59,6 m là nguy cơ cao. Thời điểm đó, mực nước xấp xỉ 59,2 m, nguy cơ vỡ đập chính. Tình huống xấu nhất phải phá đập phụ để giảm tải cho đập chính", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói. Các cơ quan T.Ư và Chính phủ phải cân não với quyết định phá hay không phá.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói về phương án giải quyết tình thế xấu nhất.
Đập phụ số 4 được lựa chọn để phá nếu kịch bản xấu nhất xảy ra. Vị trí thuốc nổ đã đặt sẵn. Các phương tiện sẵn sàng cho tình huống bất khả kháng. Tuy nhiên, phá một con đập là chuyện không đơn giản.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định hậu quả khi phá đập phụ có thể đến 10 năm sau chưa khắc phục được hết. Tài sản của người dân, hạ tầng gần như không còn gì.
Sáng 10/9, mực nước trong hồ đạt mức 59,6 m. Ý kiến tham mưu được chuyển đến người đứng đầu Chính phủ. Lúc này Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thị sát ở Bắc Giang. Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị di dời dân và lập tức tiến hành họp trực tuyến.
Rất may sáng 11/9, diễn biến dần khả quan. Trời không mưa, lưu lượng nước về và nước ra bằng nhau. Đập thủy điện vận hành an toàn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh tinh thần chủ động, tích cực ứng biến của các cơ quan chức năng, bộ ngành, lãnh đạo địa phương.
Những quả bom nước cũng nguy hiểm không kém bom nhiệt hạch. Các cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm để đảm bảo an toàn hồ đập, nghiên cứu lại quy trình chuẩn mực vận hành trong mùa lũ.
Bộ phim Bom nước cũng nhắc lại trận lũ lịch sử năm 1971 của người dân miền Bắc. Tháng 8 năm ấy, một tổ hợp hiện tượng thời tiết đã gây ra trận đại hồng thủy lớn, khiến 594 người thiệt mạng, 20 xã và 1 huyện bị ngập hoàn toàn.
Ngọc Ánh (Tiền Phong)
Bình luận (2)