Qua hơn 3/4 chặng đường của năm 2024, kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn có sự phân hoá mạnh, trong đó vẫn còn một số điểm đáng lưu ý.
Kết quả kinh doanh 9 tháng của các ngân hàng vẫn có nhiều điểm tích cực. Ảnh: MSB
Thu nhập vẫn chủ yếu từ lãi thuần
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2024 đều theo xu hướng khả quan với lợi nhuận và doanh thu tăng trưởng, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng qua các năm, đến cuối năm 2023 ước đạt 13,66%.
Tuy nhiên, việc tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong thời gian tới sẽ khá khó khăn do các tổ chức tín dụng áp dụng chính sách giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán.
Hơn nữa, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, thoát khỏi lệ thuộc tín dụng là một quá trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan trong hoạt động của ngân hàng thương mại như: nhu cầu, thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng và nền kinh tế cũng như năng lực của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là năng lực đầu tư hạ tầng công nghệ và khả năng phát triển dịch vụ ngân hàng của hệ thống ngân hàng.
Nhìn vào báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần là tín dụng, trong khi một số nguồn thu ngoài lãi vẫn còn ảm đạm, thậm chí là thua lỗ. Chẳng hạn tại Sacombank, lãi trước thuế 9 tháng đạt hơn 8.094 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm hơn 86% tổng doanh thu, còn lại một số nguồn thu ngoài lãi như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư…, lại chịu lỗ hơn 60 tỷ đồng.
Còn với HDBank, luỹ kế 9 tháng năm 2024 đạt 12.655 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong quý 3/2024, dù vẫn báo lãi ròng đạt 3.546 tỷ đồng, tăng 41% so với quý 3/2023 nhưng lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối giảm 33%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ.
Tại Eximbank, luỹ kế 9 tháng năm 2024, ngân hàng này lãi trước thuế gần 2,378 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 38% so với cùng kỳ, đạt hơn 4.405 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu, trong khi thu nhập từ dịch vụ giảm 12%, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ 6%, thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư chịu lỗ gần 70 tỷ đồng.
Lợi nhuận gặp khó vì dự phòng rủi ro
Cùng với vấn đề trên, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy các ngân hàng phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro khiến “bào mòn” lợi nhuận.
Tại OCB, kết quả kinh doanh quý 3/2024 ảm đạm với lợi nhuận trước thuế giảm 68% so với cùng kỳ, chỉ đạt 440 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất mà OCB ghi nhận được từ cuối năm 2018. Nguyên nhân chính của tình trạng này là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 3 đã tăng gấp 3 lần, lên hơn 933 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, chi phí dự phòng rủi ro của OCB đã tăng lên gần 2 lần, ở mức gần 1.556 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của OCB là hơn 2.553 tỷ đồng, giảm gần 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, MSB cũng đạt 4.902 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2024, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của MSB, lợi nhuận giảm chủ yếu do hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm, chi phí hoạt động tăng 9% và chi phí dự phòng tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn tại MB, hầu hết nguồn thu đều ghi nhận tăng trưởng, qua đó giúp tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng năm 2024 đạt 38.850 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, MB lại tăng hơn 41% chi phí dự phòng rủi ro nên lợi nhuận 9 tháng chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 20.736 tỷ đồng và thực hiện được khoảng 75% kế hoạch cả năm.
Cùng với một số ngân hàng giảm lợi nhuận, vẫn có ngân hàng báo lỗ trong quý 3/2024. Đơn cử là ABBank lỗ trước thuế hơn 343 tỷ đồng do các nguồn thu ngoài lãi sụt giảm. Lãi từ dịch vụ giảm 57% còn hơn 82 tỷ đồng, trong khi các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán kinh doanh, đầu tư chứng khoán báo lỗ. Thêm vào đó, ABBank tăng trích lập dự phòng rủi ro gấp 2,2 lần cùng kỳ lên gần 526 tỷ đồng. Nhưng nhờ kết quả tích cực 2 quý đầu năm nên ABBank lãi trước thuế 9 tháng gần 239 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
ABBank cho biết lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng do ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng theo diễn biến thực tế cũng như bối cảnh chung về tổng cầu thị trường bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của thiên tai.
Về tình hình nợ xấu, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MSB, nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý 3/2024 không tăng so với quý liền trước. Nhưng theo báo cáo tài chính thì luỹ kế 9 tháng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng vẫn có xu hướng tăng. Đặc biệt, nhiều ngân hàng tăng mạnh khối lượng nợ nhóm 5 là nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Tính chung về kết quả kinh doanh, theo MBS, lợi nhuận ròng các ngân hàng có thể tăng 16,5% so với cùng kỳ trong quý 3/2024. MBS đánh giá, một số ngân hàng sẽ đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng tín dụng tốt.
Bình luận (6)