Hãy là người đầu tiên thích bài này
Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 1/2025

I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một trong những “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”, “rất cấp bách, bắt buộc phải làm” là thực hiện “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng để thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy “rất khó” nhưng “không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Tư tưởng và thực tiễn lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những chỉ dẫn quan trọng, có giá trị nền tảng định hướng cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bao gồm:

Một là, nêu cao và phát huy sức mạnh của đạo đức cách mạng, giải quyết tốt vấn đề lợi ích. Trước sự khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó” bởi liên quan đến lợi ích của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chỉ dẫn rất quan trọng: Gốc rễ của bộ máy kềnh càng, biên chế phình to là chủ nghĩa cá nhân – “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết… chỉ muốn “mọi người vì mình”. Trở lực chính của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay cũng là chủ nghĩa cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ triệt tiêu “điểm nghẽn” chính của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Hai là, huy động và tổ chức tốt lực lượng thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy”; do vậy, xây dựng tổ chức bộ máy là việc chung của tất cả. Hồ Chí Minh yêu cầu “các địa phương sẽ thi đua với nhau, Trung ương sẽ thi đua với địa phương, làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn, để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”. Sức mạnh tổng hợp của hệ thống là yếu tố quyết định đến thực hiện chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị “gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”.

Ba là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới với kế thừa, ổn định và phát triển, giữa sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế. Cách mạng luôn là quá trình không ngừng đổi mới phát triển trên nền tảng kế thừa các giá trị đã được xác lập. Từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng bộ máy tinh gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa, nghĩa là giữa những cái đã có với cái mới. Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một cuộc cách mạng, do vậy phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa. Tinh giản biên chế theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giảm số lượng nhưng tăng năng suất. Thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ để “giản” đúng đối tượng, từ đó giúp “giản” nhưng bộ máy phải tinh. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ loại trừ người có năng lực để giữ người kém dẫn đến biên chế bộ máy gọn nhưng không tinh.

Bốn là, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn liền với hoàn thiện thể chế hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến sự phân công và phối hợp như là nền tảng hình thành bộ máy, là điều kiện để xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn. Việc tiến hành cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phải gắn liền với hoàn thiện thể chế tương ứng. Phát huy trí tuệ của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để sớm xây dựng được khung thể chế mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Rà soát lại toàn bộ các quy định hiện có để ban hành mới, điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với mô hình sắp xếp mới.

Thời cơ vươn mình của dân tộc đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không chỉ phải chủ động, quyết liệt theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, mà còn phải chắc chắn và hiệu quả. Càng đứng trước “vấn đề khó, thậm chí rất khó” càng phải thấm nhuần những bài học sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Tổng Bí thư: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường để bứt phá”

Sáng 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trí thức là lực lượng đại diện cho trí tuệ, tài năng của nhân dân và dân tộc, là một trong những nguồn lực và động lực quan trọng nhất mang lại sự đột phá và sự phồn vinh cho đất nước. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn có truyền thống quý trọng nhân tài. Điều này được đúc kết khái quát qua câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung (Phó đô Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát Tú thời Vua Lê Thánh Tông): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trí thức và nhà khoa học luôn là lực lượng tiên phong trong việc khai sáng dân trí, xây dựng lý luận cách mạng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn. Các trí thức tiêu biểu đã truyền bá những tư tưởng yêu nước, tiến bộ và cách mạng, tạo tiền đề quan trọng cho phong trào đấu tranh giành độc lập.

Tổng Bí thư nhận định, trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tầng lớp trí thức nước ta đồng lòng đứng trong hàng ngũ của Mặt trận Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp khác, tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp. Đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo và đã đạt được nhiều thành tựu khoa học trên các lĩnh vực chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học-nghệ thuật…

Ở một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng tiếp cận trình độ hiện đại trên thế giới; đã có những kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD; đóng góp của đội ngũ trí thức ngành y tế giúp Việt Nam là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện đúng lộ trình các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), một số lĩnh vực (ghép tạng, công nghệ tế bào gốc, y học hạt nhân, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, vaccine và sinh phẩm) ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới; ứng dụng công nghệ mới đã giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà-phê, hạt tiêu, điều, cao-su; đóng góp của trí thức trên lĩnh vực văn hóa-văn nghệ đã góp phần tạo dựng nên diện mạo mới của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại với những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc được bảo tồn, phát huy; đóng góp của trí thức trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã góp phần mở rộng không gian phát triển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Có thể khẳng định, thành quả cách mạng, đặc biệt là thành tựu vĩ đại đạt được của đất nước sau 40 năm đổi mới có đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Từ việc tham mưu mở đường cho đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng khoảng kinh tế-xã hội, từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, cung cấp cơ sở khoa học, đề xuất ý tưởng, phản biện xã hội, tổ chức thực thi, sáng tạo, tạo ra các ý tưởng, sáng chế, sản phẩm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đã để lại dấu ấn đậm nét về cống hiến, đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học nước ta.

                                                                                     Nguồn: Báo Nhân Dân

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ 18 (mở rộng), tổng kết công tác năm 2024

Ngày 31/12, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ 18 (mở rộng), tổng kết công tác năm 2024.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2024, Đảng uỷ Khối và các đảng uỷ trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm, chủ đề công tác năm và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể: Đảng uỷ Khối và các cấp uỷ đã tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong doanh nghiệp. Kịp thời quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương. Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức đảng được thực hiện thường xuyên. Công tác cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; thực hiện quy trình nhân sự kiện toàn bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành, uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối, uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối nhiệm kỳ 2020-2025; hoàn thành quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy Khối nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030 và đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ trực thuộc rà soát, kiện toàn bổ sung cấp uỷ trực thuộc. Đảng ủy Khối đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo lý luận chính trị; bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới theo quy định của Trung ương; qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục duy trì có nền nếp, theo đúng kế hoạch, qua đó góp phần tăng cường và giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng bộ; tích cực chỉ đạo tuyên truyền, cụ thể hoá, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo mới của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác dân vận của Đảng tiếp tục được quan tâm; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và người lao động. Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trong doanh nghiệp phát huy vai trò trong giám sát và phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp, đơn vị.

Với mục tiêu phấn đấu về đích sớm chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp. Tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 2,2 triệu tỷ đồng, vượt 18,9% kế hoạch năm, tăng 6,9% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối ước đạt 248,5 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch năm, tăng 28,7% so với năm 2023; nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị trong Khối ước đạt 268,5 nghìn tỷ đồng, vượt 33,3% kế hoạch năm, tăng 2,6% so với năm 2023…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực điều hành Đảng bộ Khối đề nghị các cấp ủy trong Đảng bộ Khối, thời gian tới tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Kế hoạch số 139-KH/ĐUK, ngày 23/8/2024 của Đảng ủy Khối về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đẩy nhanh công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, chú trọng vào bố trí cán bộ; rà soát lại các chỉ tiêu cả về xây dựng Đảng và sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ, rà soát, củng cố lại công tác tổ chức bộ máy cho ổn định để chuẩn bị đại hội các cấp; tiếp tục thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy định của Trung ương, nhất là việc thực hiện tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Vinatex tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024

Ngày 27/12 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025.

          Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Song Hải – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Theo đó, năm 2024, Đảng bộ Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị vượt qua khó khăn của thị trường, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai sâu rộng, bám sát các nội dung, nhiệm vụ, kế hoạch theo nội dung văn bản của Trung ương, Đảng ủy Khối DNTW; Chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2025-2030: xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025– 2030: Ban hành các quyết định thành lập các Tiểu ban Đại hội (Văn kiện, Nhân sự và Tổ chức); Hoàn thành dự thảo Báo cáo chính trị; Tổ chức các Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản của TW và ĐUK; Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp. Phát động đợt thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025…

Năm 2025, Đảng bộ Tập đoàn tập trung tổ chức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và Đảng ủy cấp trên về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Xây dựng dự thảo văn kiện, báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2025-2030. Tổ chức các hoạt động phong trào thi đua và các sự kiện để chào mừng 30 năm thành lập Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Đẩy mạnh công tác nắm bắt dư luận xã hội, thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tập đoàn. Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn sắp xếp tổ chức cơ sở đảng phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Quan tâm phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng. Xây dựng nội dung tuyên truyền ĐH Đảng bộ Tập đoàn và ĐH Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; lồng ghép thực hiện văn hóa Vinatex; hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tập đoàn Dệt May Việt Nam…

Tổng kết hoạt động SXKD năm 2024, đồng chí Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, mặc dù trải qua nửa đầu năm 2024, thị trường còn rất nhiều khó khăn kéo dài từ năm 2023, nửa cuối năm thị trường có sự phục hồi nhẹ, nhưng vẫn còn có nhiều thách thức. Với sự nỗ lực, linh hoạt trong công tác điều hành, Vinatex đã hoàn thành thắng lợi các kế hoạch trong hoạt động SXKD. Theo đó, doanh thu hợp nhất ước đạt 17.554 tỷ đồng, bằng 99,7% so với cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 747,3 tỷ đồng, bằng 135,9% kế hoạch và bằng 138,8% so với cùng kỳ; Thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 10,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 22,9% so với năm 2023.

Năm 2025, Vinatex sẽ tập trung vào 6 định hướng quản trị quan trọng trong toàn hệ thống để đảm bảo thích nghi trong bối cảnh biến động hiện nay. Đó là: (1) Quản trị kế hoạch SXKD có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực trạng của từng DN; (2) Hình thành năng lực cạnh tranh cấp Tập đoàn trong giai đoạn mới; (3) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động; (4) Kiên định mục tiêu “Một điểm đến – cung ứng giải pháp thời trang Xanh trọn gói” của Tập đoàn; (5) Tăng cường công tác quản trị rủi ro; (6) Tiếp tục hoàn thiện nền tảng vận hành trên môi trường số.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Thắng – Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTW chia sẻ, với ngành Dệt May, thị trường còn nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2024, nhưng với sự quyết tâm lãnh đạo của Đảng ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động SXKD, Vinatex đã có những kết quả SXKD ấn tượng. Đảng bộ Vinatex đã hoàn thành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức; Công tác tổ chức cán bộ; Công tác kiểm tra, giám sát; Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Công tác dân vận và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể…  từ đó góp phần hoàn thành kế hoạch SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTW nhấn mạnh, năm 2025, bên cạnh nhiệm vụ tập trung chỉ đạo cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, Đảng bộ Vinatex cần tiếp tục triển khai để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn khóa III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 làm cơ sở để báo cáo tại Đại hội khóa IV; Rà soát để triển khai cụ thể các nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng từ tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát, tuyên giáo dân vận, lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội… một cách hiệu quả, theo đúng hướng dẫn; Bên cạnh đó, công tác công tác nhân sự, văn kiện chính trị… cũng cần được quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung vào các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về ngành Dệt May để cụ thể vào Văn kiện của Đại hội cho toàn bộ hệ thống, trước hết là tại Đại hội Đảng cấp cơ sở, tiến tới Đại hội Đảng bộ Tập đoàn.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao công tác xây dựng Đảng của toàn Đảng bộ Tập đoàn trong năm 2024. Năm 2025, về công tác xây dựng Đảng, toàn Đảng bộ tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tăng cường nắm bắt dư luận xã hội và tư tưởng cán bộ, đảng viên, người lao động, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong các DN và tổ chức chính trị – xã hội, đảm bảo thực hiện đúng, đủ các quy định của Trung ương và Đảng ủy cấp trên. Tập trung chuẩn bị tốt nhất về văn kiện Đại hội Đảng, công tác nhân sự… cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Với các nhiệm vụ chính trị, hoạt động SXKD, Tập đoàn cần tiếp tục rà soát, tinh chỉnh bộ máy đảm bảo hiệu lực – hiệu quả – hiệu năng; Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tập đoàn, tận dụng triệt để có lợi thế thương lượng, đàm phán, tham gia chuỗi; Quyết liệt triển khai hoạt động hợp tác với Coats trong sản xuất vải chống cháy từ sợi; các dự án đã được phê duyệt; Thí điểm hoạt động ban mềm cho lĩnh vực nhân sự, tài chính kế toán; Nghiên cứu mô hình hoạt động của ban SXKD May để thực hiện nhiệm vụ là động lực kéo, tác nhân chính hình thành chuỗi nội bộ Tập đoàn; Hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ngành sợi, chuẩn hóa phương thức quản trị và nâng chuẩn đối sánh DN sợi; R&D phải có sản phẩm mới, mô hình thí điểm mới; Thực hiện đánh giá người đại diện vốn và quản trị rủi ro theo kế hoạch, mở rộng đánh giá hoạt động của Ban Kiểm soát; Tập trung công tác đào tạo ở các cấp, quy hoạch nhân sự. Hệ thống giao nhiệm vụ, đánh giá thành tích và trả lương cần được đổi mới…

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2025 – 2030, Vinatex tiếp tục kiên định với chiến lược “Trở thành một điểm đến có khả năng cung ứng trọn gói giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực”. Để thực hiện chiến lược này, Vinatex sẽ tập trung một số mục tiêu chính, cụ thể: (1) Tầm nhìn dài hạn trên 15 năm, nhân sự phải chuẩn bị cho 10 năm; (2) Phát triển bền vững trên 4 trụ cột: môi trường, xã hội, quản trị, tài chính (ESGF); (3) Phát huy năng lực nội sinh của từng DN, liên kết cả chiều dọc và chiều ngang trong các DN, chia sẻ nguồn lực hoạt động tổng hợp thành sức mạnh chung toàn Tập đoàn – năng lực cạnh tranh cấp Tập đoàn; (4) Vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, với công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt để gia tăng sức cạnh tranh; (5) R&D phải thành nhiệm vụ thường xuyên trong hoạt động, có lực lượng chuyên trách cho nghiên cứu, thử nghiệm chuyển dịch mô hình kinh doanh; (6) Văn hóa doanh nghiệp: Kết hợp truyền thống nhân văn và hiện đại, hướng đến người lao động; (7) Mô hình kinh doanh linh hoạt, dẫn hướng tổ chức, tăng tốc đáp ứng thị trường.

Vinatex thông tin hoạt động SXKD và công tác chăm lo đời sống người lao động

Ngày 25/12 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Gặp mặt báo chí nhằm thông tin kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2024, kế hoạch năm 2025 tới các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Thông tin đến các cơ quan báo chí về kết quả đã đạt được trong năm 2024 và kế hoạch năm 2025, ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ, năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp; thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất nhưng ngành Dệt May Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Với những kinh nghiệm đã được rèn giũa qua sóng gió năm 2022, 2023, ngành Dệt May Việt Nam dự kiến cán mốc xấp xỉ 44 tỷ USD xuất khẩu, tăng gần 11% so với năm 2023.

Với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024 với kết quả đạt được vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2025 được coi là kỷ nguyên mới của Vinatex – kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước và dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Vinatex sẽ phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường – xã hội – quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động của hôm nay.

Chia sẻ về các hoạt động công đoàn năm 2024 và kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho NLĐ, bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2024, Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Tập đoàn và các doanh nghiệp triển khai toàn diện phong trào thi đua; chăm lo việc làm, đời sống cho NLĐ. Các phong trào và hoạt động đều mang tính thực chất, hướng về cơ sở, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và NLĐ, duy trì mối quan hệ hài hoà, ổn định, tiến bộ, đóng góp vào kết quả chung của Tập đoàn.

Để chăm lo cho NLĐ dịp Tết Nguyên đán ẤT Tỵ, Công đoàn phối hợp với Tập đoàn tổ chức Chương trình Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước. Theo kế hoạch có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, NLĐ được Công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; 655 NLĐ được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho NLĐ dự kiến là trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).

Thông tin thêm về các đối thủ cạnh tranh của ngành Dệt May Việt Nam, ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó chánh Văn phòng HĐQT, kiêm người phát ngôn Vinatex cho biết, Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng nhánh nhất trong các nước xuất khẩu dệt may khoảng trên 10%, Ấn Độ tăng khoảng 7%, Trung Quốc 11 tháng tăng khoảng 0,2%, Bangladesh 10 tháng giảm khoảng 3,7% so với cùng kỳ, Thỗ Nhỹ Kỳ tăng dưới 5%… 6 tháng đầu năm 2025 Vinatex dự báo ngành dệt may sẽ tiếp tục với xu hướng như những tháng cuối năm 2024 và có tăng trưởng tốt hơn vì các thị trường lớn như Mỹ, EU phục hồi.

Xây dựng Công đoàn Dệt May Việt Nam “tinh gọn – hiệu quả”

Ngày 28/12 tại Hà Nội, Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn DMVN) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, đ/c Nguyễn Thái Dương – Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn DMVN thông tin, với tinh thần nỗ lực phấn đấu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ, công đoàn các cấp trong hệ thống đã chủ động, tích cực đồng hành với DN và NLĐ; duy trì đầy đủ, hiệu quả các mặt công tác, linh hoạt sáng tạo triển khai những chương trình, hoạt động, để lại những dấu ấn tốt đẹp. Cụ thể: (1) Tham gia thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ VI, xác lập thêm nội dung, chính sách tiến bộ. Hầu hết các đơn vị đều tổ chức Hội nghị người lao động/Hội nghị cán bộ công chức viên chức, cũng như đối thoại giữa Ban Lãnh đạo với NLĐ; (2) Toàn hệ thống chi 63 tỷ đồng chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 cho NLĐ với chương trình “Tết sum vầy- Ngày hội Công nhân- Phiên chợ nghĩa tình”. Tháng Công nhân được triển khai đồng bộ ở các cấp công đoàn, tổng số tiền chăm lo, khen thưởng trên 4,4 tỷ đồng; (3) Đa dạng các hoạt động tuyên giáo, truyền thông, chú trọng xây dựng văn hóa cơ sở; (4) Ngày hội lao động sáng lần thứ VI được tổ chức thành công với các nội dung bảo vệ đề tài giải pháp; trưng bày các mô hình, mẫu vật sáng tạo với chủ đề “Xanh hóa và phát triển bền vững”; triển lãm ảnh về đề tài Lao động sáng tạo; khen thưởng các tập thể/cá nhân lao động sáng tạo tiêu biểu…; (5) Công tác nữ, gia đình và trẻ em được quan tâm;  (6) Làm tốt các hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng…

2025- năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp cùng dấu ấn 30 năm thành lập Tập đoàn Dệt May Việt Nam, được xác định là một năm thi đua sôi nổi rộng khắp của hệ thống. Với mục tiêu phát huy nguồn lực, xây dựng đội ngũ công nhân Dệt May “vững về tư tưởng chính trị, mạnh về trình độ kĩ năng, chuẩn về kỉ luật tác phong, giỏi trong lao động công tác”, Công đoàn Dệt May Việt Nam đưa ra chủ đề hoạt động của 2025 là Tập trung phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng đội ngũ; xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”.

Đ/c Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá cao năm 2024, Công đoàn DMVN đã chủ động sáng tạo triển khai các hướng dẫn, thực hiện nhiều chương trình hành động, phong trào, sự kiện tới các cấp Công đoàn và NLĐ.

“Năm 2025, Công đoàn DMVN cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung: (1) Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cán bộ công đoàn, CNVCLĐ trong ngành về Đại hội Đảng các cấp, các ngày lễ lớn của đất nước; (2) Triển khai đào tạo tập huấn về điều lệ Công đoàn Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh vừa thông qua Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ tháng 7/2025, đặc biệt với các nội dung mới trong Luật tới đoàn viên, NLĐ theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn; (3) Tiếp tục sắp xếp các đầu mối, cơ quan trong tổ chức Công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị; (4) Tiếp tục phát triển đoàn viên theo chỉ tiêu của Tổng Liên đoàn, hoàn thành kế hoạch đã được giao; (5) Công tác đối thoại, tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc của NLĐ cần tiếp tục được triển khai sâu rộng. Đặc biệt là gìn giữ, bảo toàn người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao nhằm ổn định SX trong DN” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đ/c Lê Tiến Trường– Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đánh giá cao chất lượng và chiều sâu các hoạt động của Công đoàn DMVN năm 2024, giúp tổ chức Công đoàn trở thành đối tác tin cậy của HĐQT, Cơ quan điều hành của các DN trong tổ chức Công đoàn DMVN.

“Với chủ trương “tinh gọn, hiệu quả”, yêu cầu của Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam với Công đoàn DMVN là tổ chức các hoạt động thực chất, không còn cơ chế “xin-cho” mà là phối hợp, đề xuất đối với người sử dụng lao động để tổ chức các chương trình cho NLĐ. Đây là bước tiến quan trọng trong hoạt động của Công đoàn DMVN, xây dựng tính bền vững vì mục tiêu chung của DN. Đảng ủy mong muốn có được đội ngũ cán bộ Công đoàn giỏi, chất lượng, đưa ra các chương trình chăm lo NLĐ có tính sáng tạo, xây dựng tiếng nói đủ mạnh, đại diện cho NLĐ, trở thành trụ cột trong sự phát triển chung của DN, tạo sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức Công đoàn” – Bí thư Đảng ủy Lê Tiến Trường phân tích.

Chia sẻ về thách thức với ngành dệt may và xu hướng phát triển của ngành trong tầm nhìn tới năm 2030 với Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch HĐQT Vinatex phân tích, trong dự thảo Báo cáo Kinh tế – xã hội trình Đại hội Đảng XIV, ngành Dệt May và Da giày sẽ tiếp tục được phát triển tại các khu vực có giá trị gia tăng cao. Để thực hiện được mục tiêu này thì ngành dệt may sẽ phải sản xuất các sản phẩm khó có tính kỹ thuật cao, xu thế đơn hàng nhỏ, thời gian nhanh, tính độc bản cao, nhưng mang lại hiệu quả lớn hơn về lợi nhuận cho DN. Mục tiêu tới năm 2030 là sản xuất tinh gọn, tự động hóa cao, giảm bớt lao động phổ thông nhằm tăng năng suất lao động/đầu người, từ đó gia tăng dư địa về thu nhập cho NLĐ.

Nhân dịp này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam thống nhất phát động thi đua với mục tiêu chính: (1). Tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh theo chuỗi cung ứng trọn gói trong Tập đoàn. Phấn đấu mức tăng trưởng tăng 10% so với năm 2024, chú trọng chất lượng tăng trưởng thể hiện qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. (2). 100% người lao động có việc làm. Thu nhập bình quân đạt từ 10,5 triệu đồng/người/tháng. (3). Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không để xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động gây thiệt hại về người và tài sản. (4). Giữ vững quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ; không để xảy ra đình công, lãn công hoặc các vụ việc phức tạp nổi cộm. (5). Các đơn vị hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, Tập đoàn và Công đoàn theo luật định.

Chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”

Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho toàn thể đoàn viên công đoàn, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động, chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chương trình không chỉ mang lại lợi ích về mặt vật chất mà còn mang lại lợi ích tinh thần cho người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, tạo điều kiện để người lao động được thụ hưởng nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của các đối tác trong và ngoài ngành dệt may. Theo kế hoạch có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, NLĐ được công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 NLĐ được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho NLĐ dự kiến là trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).

Đồng thời chương trình cũng vận động các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài ngành dệt may tiếp tục quan tâm, chăm lo và thể hiện trách nhiệm với người lao động. Tại cơ sở, khuyến khích tổ chức các hoạt động cho người lao động vui Tết, bán hàng giảm giá và các hoạt động khác nhằm gia tăng phúc lợi cho người lao động.

“Đổi mới, sáng tạo” phải trở thành nhiệm vụ xuyên suốt của doanh nghiệp thuộc Vinatex

Hạ tuần tháng 12, nhiều doanh nghiệp thuộc hệ thống Vinatex đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 với sự tham dự của Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Tại các Hội nghị, Lãnh đạo Tập đoàn đã thay mặt HĐQT, CQĐH biểu dương và đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp. Trong đó, nhiều đơn vị không chỉ là giữ vững kết quả tốt trong năm 2024 mà còn triển khai có hiệu quả chương trình hành động và kế hoạch công tác từ thị trường, đầu tư phát triển đến chuẩn bị nhân sự chất lượng cao, đủ năng lực để nhận định tình hình.

Lãnh đạo Tập đoàn nhận định, khi thời thế thay đổi nhanh và bất định như hiện nay thì con đường duy nhất để đảm bảo khả năng thành công cao là chuẩn bị nhân lực tốt. Với tài chính ổn định, cơ sở sản xuất ổn định, lao động ổn định, đề phát triển bền vững, doanh nghiệp cần dành thời gian thỏa đáng để chăm lo lực lượng lao động kế cận cho 10-15 năm tới. “Đổi mới, sáng tạo” phải trở thành nhiệm vụ xuyên suốt trong mọi hoạt động, có nguồn lực chuyên trách cho nghiên cứu, thử nghiệm cho dịch chuyển mô hình kinh doanh. Trong chương trình hành động của đơn vị cần có sự phân bổ nguồn lực hài hòa để đảm bảo khi tình hình khó khăn, gặp điều kiện khắc nghiệt về thị trường thì vẫn giữ được hiệu quả SXKD. Mô hình kinh doanh phải dẫn hướng cho mô hình tổ chức, phù hợp yêu cầu đáp ứng nhanh nhất cho kinh doanh. Mô hình tổ chức được thiết kế để phục vụ mô hình kinh doanh. Trong 5 năm tới, doanh thu trên đầu người lao động phải tăng liên tục 2 con số mới đảm bảo duy trì được vị thế của doanh nghiệp dệt may.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH

  1. Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
  2. Hướng dẫn số 21-HD/BTGĐUK tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và một số nội dung trọng tâm của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024.
  3. Công văn liên tịch số 244 – /LT-TĐ-CĐDM, ngày 27/12/2024 của Tập đoàn- Công đoàn Dệt May Việt Nam về tiến hành tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2025.

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM

Link gốc

Bình luận (7)

Miết rồi tài liều sinh hoạt chi bộ cũng đăng lên đây
19:11
 1
v.cl m đăng lên đây để làm c.l gì vậy
19:15
Con *** thằng lều báo
19:20

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long