Thép Pomina vừa thông báo về việc đã tìm được nhà đầu tư chiến lược để khởi động lại dự án lò cao, đón sóng đầu tư công và bất động sản phục hồi.
Công ty CP Thép Pomina vừa thông báo có những bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển và tái cấu trúc toàn diện công ty.
Theo đó, công ty vừa ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei - một tập đoàn lớn và uy tín đến từ Nhật Bản vào cuối tháng 7/2024.
Sự tái cấu trúc có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược sẽ cung cấp đủ nguyên vật liệu cần thiết cho Pomina 2 vận hành tối đa công suất vào tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là mô hình hợp tác từ nguồn nguyên liệu đến thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ với một nhà đầu tư lớn chuyên nghiệp nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào năm 2025, đón đầu xu hướng đầu tư công và sự phục hồi mạnh mẽ của các dự án bất động sản. Tuy nhiên, Pomina chưa tiết lộ danh tính của nhà đầu tư mới này.
Trước đó, Pomina đã từng lên kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu để thu về 700 tỷ đồng từ đối tác chiến lược Nansei nhưng đã bị tạm dừng vào cuối tháng 1/2024. Số vốn huy động được dự kiến dùng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty.
Lò cao công suất 1 triệu tấn/năm của Pomina. Ảnh: Pomina
Pomina từng là một trong những nhà sản xuất thép có năng lực sản xuất và thị phần đáng kể trên thị trường phía Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Pomina liên tục chìm trong thua lỗ.
Công ty đang sở hữu ba nhà máy gồm Pomina 1 có công suất 300.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 525 tỷ đồng; Pomina 2, công suất 600.000 tấn/năm, quy mô vốn 1.100 tỷ đồng và Pomina 3 tại khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, công suất 1 triệu tấn/năm.
Năm 2019, công ty triển khai thực hiện dự án lò cao kết hợp lò điện và đã hoàn thành, đưa vào sản xuất từ đầu năm 2021 nhằm nâng cao chất lượng quy trình sản phẩm. Tới cuối năm 2022, Pomina đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào sử dụng lò điện.
Đáng chú ý, nợ vay tài chính của Pomina bắt đầu “phình to” từ giai đoạn này khi doanh nghiệp này đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nhà máy luyện phôi thép và sản xuất tôn mạ tại khu Pomina 3.
Thêm nữa, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và tình hình khó khăn chung của thị trường, công ty đã rơi vào khủng hoảng nặng nề với kết quả lỗ ròng gần 2.100 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm vừa qua.
Pomina cho biết nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay. Cộng thêm tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng khiến nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.
Liên tục thua lỗ khiến doanh nghiệp phải đưa ra phương án tái cấu trúc, trong đó có việc bán nhà máy Pomina 1 và 3, chỉ giữ lại nhà máy Pomina 2 tại khu công nghiệp Phú Mỹ.
Cụ thể, trong nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp dự kiến trình đại hội cổ đông bất thường thông qua, công ty sẽ thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Pomina Phú Mỹ có vốn điều lệ 2.700 – 2.800 tỷ đồng (chiếm 40% nguồn vốn) và vốn vay ngân hàng là 4.000 tỷ đồng (chiếm 60% nguồn vốn).
Trong đó, Pomina sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ (900 – 1.000 tỷ đồng) nhờ việc góp vốn bằng hiện vật bằng toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị của hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Phần vốn điều lệ còn lại sẽ được nhà đầu tư góp vốn bằng tiền với giá trị khoảng 1.800 – 1.900 tỷ đồng, chiếm 65% vốn công ty Pomina Phú Mỹ.
Sau khi thành lập, Pomina Phú Mỹ được quyền sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina. Bên cạnh đó, HĐQT sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sát nhập công ty Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ nhằm tận dụng ưu thế lò cao, giảm chi phí sản xuất.