Hãy là người đầu tiên thích bài này
Tái cấu trúc doanh nghiệp bất động sản

Sức bật của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hiện tại không chỉ đến từ nội lực, mà còn đến từ những ngoại lực đang được khơi thông một cách bài bản và chiến lược.

Lideco chủ trương xử lý dứt điểm các vướng mắc pháp lý ở các dự án hiện hữu, đồng thời ưu tiên các dự án nhà ở xã hội.

Thay vì mở rộng hệ sinh thái như thời kỳ tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp BĐS đang hướng tới chiến lược tinh gọn, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại tổ chức và tối ưu hóa nguồn lực.

Tái cấu trúc đa chiều

Một minh chứng rõ nét cho xu hướng này là Tập đoàn Novaland. Bước vào năm 2025, Novaland triển khai kế hoạch tái cấu trúc tài chính quy mô lớn, bao gồm việc phát hành 350 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động khoảng 3.500 tỷ đồng, phục vụ giải quyết các nghĩa vụ tài chính cấp bách.

Sunshine Group cũng không nằm ngoài làn sóng chuyển mình này. Tập đoàn này hướng tới một cuộc tái cấu trúc toàn diện thông qua phát hành cổ phiếu để chào mua công khai cổ phiếu của Sunshine Homes (SSH) và mua lại cổ phần từ SCG, khẳng định chiến lược hợp nhất và tập trung quyền lực nhằm tối ưu hiệu quả vận hành toàn hệ thống.

Trong khi đó, Lideco – một doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, lại có cách tiếp cận thận trọng hơn. Dù lợi nhuận năm 2025 dự kiến giảm sâu tới 95%, song công ty này vẫn duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt và thưởng cổ phiếu cho cổ đông, cho thấy nội lực ổn định và chiến lược "an toàn là trên hết". Lideco chủ trương xử lý dứt điểm các vướng mắc pháp lý ở các dự án hiện hữu, đồng thời ưu tiên các dự án nhà ở xã hội và giá rẻ với khẩu hiệu “lợi nhuận thấp nhưng an toàn”.

Hay như Khải Hoàn Land cũng lựa chọn con đường phát triển bền vững. Dù thị trường năm 2024 nhiều biến động, nhưng tập đoàn này vẫn giữ được đà tăng trưởng nhờ hệ thống vận hành bài bản. Với định hướng dài hạn, năm 2025 được xem là bản lề trong chiến lược 5 năm, trong đó doanh nghiệp này chú trọng vai trò chủ đầu tư, hướng tới những sản phẩm thiết thực và phù hợp với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh nỗ lực nội tại, các doanh nghiệp BĐS cũng đang chủ động tìm kiếm ngoại lực để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh tài chính eo hẹp, thanh khoản kém và niềm tin thị trường chưa thể phục hồi nhanh chóng. Trong đó, Thaiholdings (THD) là một ví dụ điển hình. Với việc tái cơ cấu nợ thành công, công ty này duy trì tỷ lệ nợ ở mức an toàn và dòng tiền ổn định nhờ vào các nguồn vốn đa dạng. THD tập trung vào việc hoàn thiện pháp lý dự án, tìm kiếm quỹ đất sạch và đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp luật địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.

Trong khi đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đặt cược vào tầm nhìn chiến lược lớn hơn – đón dòng vốn FDI và thu hút các "đại bàng" công nghệ. Với các dự án khu công nghiệp có quy mô lớn như Quế Võ, Tràng Duệ 3 hay Thái Nguyên, Kinh Bắc đang từng bước khẳng định vai trò cầu nối giữa hạ tầng bất động sản và nhu cầu phát triển công nghệ cao – một hướng đi đầy tiềm năng và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Kiến tạo giá trị bền vững

Trong bối cảnh chính sách thuế từ Mỹ có tác động rất mạnh đến nhiều lĩnh vực xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế 8% năm nay sẽ là thách thức và BĐS cũng được đánh giá sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết còn quá sớm để đánh giá các tác động này. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn cần có những chiến lược và kịch bản thích ứng kịp thời.

Theo GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bên cạnh nỗ lực tái cấu trúc của doanh nghiệp, cần phải có một sự quyết tâm, nỗ lực của các địa phương cũng như Chính phủ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, để tháo gỡ cho thị trường BĐS.

Có nhiều chính sách có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh hiện nay, nhưng theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán – Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cần tập trung vào những chính sách trực tiếp hỗ trợ cho nền kinh tế, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cường đầu tư công để có thể kích thích nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Nếu các chính sách hỗ trợ nói trên được triển khai có hiệu quả, sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp BĐS trong quá trình tái cấu trúc hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc gắn với tầm nhìn dài hạn. “Giai đoạn đầu của tái cấu trúc là phản xạ sinh tồn, nhưng giờ đây, doanh nghiệp BĐS phải bước vào giai đoạn thứ hai – tái cấu trúc toàn diện với tầm nhìn chiến lược dài hạn”, ông Nguyễn Quang Huy – Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Huy, thanh khoản cũng là yếu tố sống còn. Do đó, doanh nghiệp BĐS cần giải phóng hàng tồn kho thực chất bằng mức giá phù hợp, đồng thời chuyển nhượng các dự án không còn chiến lược để tập trung vào những dự án có khả năng tạo dòng tiền nhanh.

Không chỉ dừng lại ở tài chính, tái cấu trúc còn đòi hỏi đổi mới cơ cấu sản phẩm. Sự hài hòa giữa các phân khúc sản phẩm, tối ưu công năng, diện tích và thiết kế đa năng là yêu cầu bắt buộc trong thời đại người mua ngày càng khắt khe. Các doanh nghiệp cần đặt khách hàng làm trung tâm, từ khâu thiết kế sản phẩm cho đến kế hoạch marketing.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi giá trị nội bộ – từ nguyên vật liệu, nhà thầu, nội thất cho đến vận hành hậu mãi – sẽ giúp kiểm soát chi phí và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ, AI và quản trị số sẽ là yếu tố quyết định năng suất, hiệu quả và trải nghiệm khách hàng.

Diệu Hoa-Link gốc

Bình luận (20)

Sunshine Group
10:16
12:38

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long