Sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty cao su Việt Nam đã thay đổi diện mạo những vùng đất cằn cỗi, vùng sâu, vùng xa tại Campuchia.
Khi cây cao su phủ xanh tại những vùng sâu, vùng xa ở Campuchia đã biến những vùng đất hoang hoá tràn đầy sức sống, đồng thời người dân tại địa phương có mức sống ngày càng cao, và sở hữu ô tô là điều không còn xa lạ ở vùng đất này.
Đứng cạnh chiếc xe Dream có trị giá 2.250 USD, chị Seng Meakara (21 tuổi), người Campuchia không ngừng nở nụ cười.
Chiếc xe là giải thưởng cao nhất mà chị đạt được trong cuộc thi “Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su” do Công ty Cao su Mekong, một công ty Việt Nam sang Campuchia đầu tư dự án cao su tổ chức. Đây cũng là công ty mà chị Seng Meakara đang làm công nhân cao su.
“Chiếc xe là phần thưởng chứng minh tay nghề của tôi nhưng điều quan trọng hơn, làm việc tại công ty cao su Việt Nam đã cho tôi một cuộc sống tốt hơn” – chị Seng Meakara chia sẻ.
Chị Seng Meakara bên chiếc xe là phần thưởng giải thưởng cao nhất mà chị đạt được trong cuộc thi “Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su”.
Trước đây, khi chưa có các vườn cây cao su phủ xanh vùng đất hoang hóa tại tỉnh Kampong Thom (Campuchia), chị Seng Meakara chủ yếu làm nương rẫy, với thu nhập không ổn định.
Khi Mekong bắt đầu triển khai dự án đầu tư trồng cao su tại tỉnh, thì chị và người dân địa phương được tuyển dụng vào làm việc.
“Mới đầu, tôi cũng khá xa lạ với cách làm việc, nhưng được cán bộ quản lý Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật, bắt đầu tay nghề tốt lên, cạo mủ có năng suất, tương đương thu nhập cũng gia tăng” - chị Seng Meakara nói.
Sau nhiều năm làm việc, bên cạnh thu nhập tốt, đồng thời được công ty cấp nhà, lương thực nên chị thừa sức giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn, điều mà gần như hiếm thấy trước đây.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cao su Mekong cho biết, thực hiện dự án cao su tại Campuchia từ năm 2011, sự khó khăn nhất chính là giải bài toán nguồn nhân lực. Vì trong ngành cao su, đòi hỏi một lượng lớn lao động và các kỹ năng chuyên biệt. Do đó, nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công và phát triển bền vững của các công ty cao su Việt.
Công ty đứng chân tại vùng sâu của hai tỉnh Preah Vihear và Kampong Thom, người dân tại đây cũng chưa từng canh tác cao su, nên rất khó khăn tìm kiếm những ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc. Có người, công ty phải đào tạo để đảm bảo được hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, nhà nước Campuchia cũng chưa có quy định chế độ tiền lương tối thiểu cho lĩnh vực nông nghiệp nên đơn vị cũng gặp khó khăn trong quá trình xây dựng thang, bảng lương để đảm bảo thu nhập cho người lao động phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội.
“Tuy nhiên, chúng tôi xác định đảm bảo đãi ngộ đúng cho người lao động sẽ có công nhân làm việc ổn định” – ông Toàn nói.
Chiến lược xây dựng nguồn nhân lực của công ty khởi sự bằng cung cấp mức lương và phúc lợi cạnh tranh để thu hút và giữ chân người lao động.
Hiện công ty Mekong có hơn 1.200 lao động với thu nhập bình quân vào khoảng 1,2 triệu riel/tháng (tương đương hơn 7 triệu đồng). Ngoài lương cứng, công nhân còn có các chế độ đãi ngộ khác như tiền xăng xe, nhu yếu phẩm, bảo hiểm, tiền phụ cấp và đặc biệt có nhà ở miễn phí không chỉ cho công nhân mà chính gia đình của họ, nhằm giúp có nơi ở ổn định, gắn bó lâu dài với công ty.
Bài toán chiến lược này đều được áp dụng đồng bộ tại các dự án đầu tư cao su của các công ty Việt Nam tại Campuchia.
Ông Trần Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa cho biết, đầu tư dự án cao su tại Campuchia từ năm 2009, với diện tích gần 8.000 ha. Với quy mô lớn như vậy, nên công ty tuyển đến 1.500 người lao động, nhưng chỉ có 55 nhân sự là người Việt.
“Bài toán khó khăn vẫn là tuyển nhân sự. Nhưng chúng tôi xác định chăm lo tốt cho cuộc sống người lao động thì họ sẽ gắn bó lâu dài. Cụ thể, chế độ lương thưởng đều đúng hạn, đủ sống và tích lũy. Chưa kể, để tăng sức lao động, chúng tôi tổ chức bữa ăn giữa ca, với đủ các món ăn thay đổi liên tục hàng ngày” – ông Giang nói.
Nhiều công nhân người Campuchia làm việc tại công ty cao su Việt Nam mua được ô tô làm phương tiện di chuyển
Đặc biệt hơn, sau 15 năm hoạt động, các cấp quản lý đang dần được chuyển giao cho người Campuchia. Điều này cho phép công ty dễ dàng truyền đạt các quyết định xuống đến từng công nhân, và nhận được phản hồi sớm để khắc phục.
Anh Moeurng Vanng (36 tuổi), Phó giám đốc Nông trường 3 Công ty Cao su Phước Hòa là một người như vậy. Anh từng bước từ một công nhân cao su cạo mủ rồi dần vươn lên các cấp quản lý tầm trung trước khi được giao nhiệm vụ cấp quản lý cao.
“Từ khi vào đây, cũng chỉ là bàn tay trắng, nhờ làm tại công ty cao su Việt Nam, gia đình của tôi có cuộc sống đủ đầy hơn. Và từ khi lên cấp quản lý, tôi nhận mức lương 700 USD/tháng (gần 18 triệu đồng/tháng) nên có tiền tích lũy gửi về quê mua đất, mua xe, chưa kể an cư lạc nghiệp, không phải đi xa tìm công việc bấp bênh” – anh Moeurng Vanng chia sẻ.
Một thống kê của Công ty Cao su Chư Sê cho thấy, có đến 34 công nhân người Campuchia đã sở hữu ô tô sau thời gian làm việc tại công ty. Còn trên dự án đầu tư cao su tại Campuchia của Công ty Cao su Bà Rịa, công nhân làm việc tại đây đã có 28 ô tô, trong đó có cả những chiếc xe hạng sang như Camry, Lexus. Đa số công nhân Campuchia làm tại các dự án đầu tư của công ty cao su Việt đều có xe máy.
Với gần hai thập niên đầu tư dự án cao su tại các vùng đất hoang hoá, vùng sâu, vùng xa tại nước bạn Campuchia, các công ty cao su Việt Nam đã tạo dựng các cộng đồng dân cư đông đúc, sôi động và đầy sức sống.
Được mệnh danh là “vàng trắng”, thực sự các dự án của các công ty cao su Việt Nam đã khởi tạo sinh kế người dân Campuchia tại vùng sâu, vùng xa trở nên trù phú hơn, có của ăn của để và góp phần gắn kết tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Cao su có một đặc điểm khi đặt chân đến đâu thì điện – đường - trường - trạm cũng phát triển đến đó. Mục đích không chỉ dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn phục vụ cho người lao động, dân cư trong và ngoài vùng dự án với mục đích gắn kết, ổn định cuộc sống của người dân nơi đây một cách lâu dài và bền vững.
Ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa (Kampong Thom) cho biết, khi công ty nhận phần đất mà nhà nước Campuchia giao trồng cao su, nơi đây là vùng đất hoang sơ, điện không có, nhà dân thì ở rải rác, thậm chí nhiều vùng không có dân sinh sống và di chuyển dựa vào các con đường mòn nhỏ.
Nhưng sau hơn 15 năm hình thành và phát triển cao su, vùng đất này thay đổi rất khác biệt, khi đường lớn đã được mở, đủ sức cho ô tô, xe tải di chuyển thoải mái. Điện đã được kéo vào và hình thành nên các khu vực mua sắm sầm uất.
Thực tế, để đạt được như vậy, các công ty cao su Việt Nam đã xây dựng các cụm dân cư ngay tại vùng đất dự án cao su. Người công nhân khi được ký hợp đồng sẽ được cấp nhà ở không chỉ cho riêng mình mà còn cả gia đình. Nhiều thế hệ gia đình Campuchia hiện đang sinh sống tại các cụm dân cư này.
Các con số từ một số công ty cao su Việt đã nói lên nhiều điều. Cụ thể, Công ty Cao su Tân Biên (Kampong Thom) xây dựng nhà ở dạng song lập với 526 căn cho hộ gia đình công nhân sinh sống. Hay Công ty Cao su Bà Rịa đã xây hơn 500 nhà ở cho 1.000 hộ gia đình công nhân sinh sống, Công ty Cao su Mekong và Phước Hoà có số lượng 114 căn nhà cho công nhân/công ty,…
Nụ cười công nhân người Campuchia tại công ty cao su Việt Nam.
Các dự án cao su Việt Nam giúp phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa nước bạn
Các cấp chính quyền Campuchia đã đánh giá rất cao sự đầu tư dự án công ty cao su Việt Nam, vì đã giúp các vùng sâu, vùng xa có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước Campuchia.
Hiện các dự án cao su của các công ty Việt chiếm một nửa diện tích cao su tại Campuchia. Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển dự án, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước Campuchia, góp phần giải quyết việc làm, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người dân Campuchia ở các vùng dự án.
- Ông Nguyễn Huy Tăng, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia -
Tại các cụm dân cư này, đã hình thành những cộng đồng dân cư gắn bó cũng như nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống bà con nơi đây, như tiệm tạp hóa, sửa xe, tiệm bán đồ ăn vặt, khu vui chơi thể thao.
Như một vòng lặp đầy hấp dẫn, công nhân cao su làm việc có tiền chi tiêu cho các dịch vụ trên. Những điểm bán này cũng thuộc về nhiều gia đình công nhân cao su làm việc tại dự án của công ty Việt Nam có thêm thu nhập và sự tăng trưởng kinh tế vì sức tiêu dùng tốt. Nhờ đó nhiều nhà công nhân đã mua sắm được các tài sản có giá trị, tạo dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mọi đời sống của người công nhân Campuchia tại dự án đầu tư đều được ban quản lý các công ty cao su Việt theo rất sát nhằm hỗ trợ tối đa cho họ.
Để cho công nhân an tâm làm việc, trẻ em tại các vùng dự án đều được đi học và có xe đưa đón miễn phí tại những ngôi trường mà các công ty cao su Việt Nam xây dựng.
Chẳng hạn, ban giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai (tỉnh Kratie, Campuchia) nhận thấy, công nhân đang mua hàng hóa tiêu dùng với giá khá cao, nên đã quyết định xây dựng một siêu thị bình ổn giá.
Hàng hóa tại siêu thị rất phong phú, nhưng giá cả thấp hơn thị trường từ 20-50%. Điều này nhằm giảm bớt sự chi tiêu sinh hoạt và gia tăng sự tiết kiệm, tích lũy tiền cho công nhân.
Thú vị hơn, công nhân làm việc tại đây, không cần có tiền mới mua được hàng hoá. Họ chỉ cần quẹt thẻ ghi nợ và sau đó sẽ được trừ vào tiền lương vào cuối tháng.
Đời sống tôn giáo cho công nhân và người dân địa phương Campuchia cũng đặc biệt được các công ty cao su Việt Nam quan tâm. Ba công ty Bà Rịa, Phước Hòa và Tân Biên đã đóng góp xây dựng 1 ngôi chùa tại xã Kroyea, huyện Santuk với tổng kinh phí 180.000 USD và đã được Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia công nhận.
Chưa dừng tại đó, để cho công nhân an tâm làm việc, trẻ em tại các vùng dự án đều được đi học và có xe đưa đón miễn phí tại những ngôi trường mà các công ty cao su Việt Nam xây dựng. Giáo viên tại các trường này đều là chính quy, mà do Sở giáo dục của địa phương điều động về. Các công ty cao su Việt cũng có phần hỗ trợ thêm cho các thầy cô giáo dạy tại các ngôi trường này.
Trong hợp tác kinh tế Việt Nam – Campuchia có những chuyển biến tích cực. Tính đến nay, Việt Nam có 208 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỉ USD. Ngược lại, Campuchia cũng có 35 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 76 triệu USD.
Trong mấy năm vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Campuchia có nhiều bước phát triển ngoạn mục. Ví dụ: Năm 2020 kim ngạch song phương hai bên đạt 5,3 tỉ USD, năm 2021 đạt 9,5 tỉ USD và năm 2022 thì có bước tăng trưởng đột phá, đạt kim ngạch thương mại hai chiều 10,5 tỉ USD, năm 2023 tuy chịu tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng mà kim ngạch giữa hai nước vẫn giữ được mức cao, đạt 8,6 tỉ USD.
Kỳ vọng năm 2024 kim ngạch thương mại hai nước sẽ trở lại mốc 10 tỉ USD trở lên và từ đó nó sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước lên mốc 20 tỉ USD trong thời gian tới.
PHƯƠNG MINH - QUANG HUY