Hãy là người đầu tiên thích bài này
Sức bật trên quê hương Phú Riềng Đỏ

Lịch sử hình thành và phát triển của ngành cao su gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng, của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. 95 năm trôi qua, với nhiều thăng trầm biến đổi của lịch sử, xã hội, ngành cao su Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng đã không ngừng vươn lên, khẳng định vị thế của mình.

Công nhân khai thác mủ cao su tại Nông trường Phú Riềng Đỏ, Công ty Cao-su Phú Riềng, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Về thăm Phú Riềng Đỏ, mảnh đất ngày ấy nay bạt ngàn cao su, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước với bước đổi thay rõ rệt. Hướng đến kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống ngành cao su, đó cũng là mốc thời gian ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đông Nam Bộ, Khu di tích Phú Riềng Đỏ đang được Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú tôn tạo thêm phần trang nghiêm, trở thành một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống vẻ vang của Cách mạng Việt Nam.

Lớn mạnh trên vùng đất cách mạng

Cách đây 95 năm, tại vùng đất Phú Riềng Đỏ (tỉnh Bình Phước) diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng, có tính lịch sử của Đảng và giai cấp công nhân cao su Việt Nam. Đó là đêm 28, rạng ngày 29/10/1929, tại khu rừng bên suối đá Làng 3 đồn điền Phú Riềng (nay là Nông trường cao su Thuận Phú, thuộc Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Đây là Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, một trong những chiếc nôi đầu tiên của phong trào đấu tranh cách mạng.

Sau thành lập, ngày 3/2/1930, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh mang tên Phú Riềng Đỏ, với hơn 5.000 phu cao su nổi dậy, chỉ trong hơn một tuần lễ, họ đã làm chủ Đồn điền cao su Phú Riềng, khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với đội ngũ công nhân. Cuộc đấu tranh Phú Riềng Đỏ gây chấn động dư luận, buộc tư bản Pháp ký vào các biên bản đồng ý với các yêu sách của chúng ta. Tinh thần Phú Riềng Đỏ lan rộng, thôi thúc những người công nhân ở các đồn điền cao su khác như Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Quản Lợi, những người công nhân cao su đã đứng lên, tạo thành bão táp cách mạng, phá xiềng xích nô lệ và tù đày…

Phát huy truyền thống vẻ vang Phú Riềng Đỏ, các thế hệ ngành cao su Việt Nam hôm nay vẫn luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của cả nước. Trong đó, Bình Phước hiện là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích cây cao su, với hơn 244 nghìn ha và trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Các doanh nghiệp cao su giải quyết việc làm cho khoảng 25 nghìn lao động; đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

Công nhân chế biến mủ cao-su tại Nhà máy Chế biến Trung tâm Công ty Cao-su Phú Riềng tại xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Đồng chí Hồ Diên Đắc, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Cao-su Phú Riềng kể lại: Từ một vùng rừng núi từng chịu nhiều hậu quả của chiến tranh để lại, đến nay Công ty Cao-su Phú Riềng đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) với sản lượng khai thác hằng năm từ 24 nghìn đến 28 nghìn tấn, đạt và vượt kế hoạch tập đoàn giao từ 7% đến 10%. Công ty là một trong số ít doanh nghiệp có 18 năm liên tục nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn của VRG. Tổng sản lượng cao su chế biến và tiêu thụ hằng năm của công ty đạt từ 33 nghìn đến 36 nghìn tấn cho doanh thu đạt từ hơn 1.300-1.800 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ hơn 300-600 tỷ đồng, nộp ngân sách hằng năm từ 130-200 tỷ đồng.

Đồng hành với sự phát triển vùng đất cách mạng Phú Riềng Đỏ còn có Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú. Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, từ một nông trường với diện tích 3.000 ha cây cao su già cỗi bị bom đạn tàn phá, đến nay Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú đã có diện tích khoảng 10 nghìn ha cao su, với lực lượng lao động hơn 2.500 người. Ông Lưu Minh Tuyến, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Năng suất bình quân của công ty đạt hơn 2 tấn/ha, 18 năm liên tục đơn vị nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn VRG. Trong các năm 2022-2023, sản lượng khai thác mủ cao su đều vượt hơn 10% (năm 2022 vượt 19%, năm 2023 vượt 11%). Giá mủ cao su đang hồi phục giúp công ty phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2024. Trong chín tháng năm 2024, công ty đạt doanh thu 620 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 182 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định: Sự lớn mạnh của các công ty cao su trên địa bàn đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh; trong đó đáng chú ý là tạo việc làm cho lao động địa phương có thu nhập cao; cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác. Hiện nay, tỉnh đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một tỉnh công nghiệp, trong đó các công ty cao su đứng chân trên địa bàn cũng hưởng ứng tích cực khi đẩy mạnh chế biến chuyên sâu các sản phẩm chế biến từ mủ, gỗ cao su. Các công ty cao su cũng đầu tư hiệu quả hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… qua đó góp phần cùng tỉnh nhà hướng đến tỉnh công nghiệp trong tương lai gần.

Nỗ lực phát triển bền vững

Trên định hướng phát triển ngành cao su ba trụ cột: Kinh tế-môi trường-xã hội; các công ty cao su trên quê hương Phú Riềng Đỏ đã thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội; tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bao gồm phát triển sản xuất kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động. Tại Công ty Cao-su Phú Riềng, đời sống của người lao động luôn được nâng cao, thu nhập luôn được duy trì ở mức khá, trong ba năm gần đây thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng.

Gặp công nhân Hoàng Thị Lợi đang khai thác mủ cao su trên vườn cây ở Tổ 5, Nông trường Phú Riềng Đỏ (Công ty Cao-su Phú Riềng), chị hồ hởi cho biết, từ miền quê nghèo Yên Thành (tỉnh Nghệ An) xin vào làm công nhân cao su từ năm 2010 và gắn bó với nghề từ đó đến nay; chị Lợi hài lòng với công việc hiện tại vì có thu nhập ổn định, có công việc thường xuyên, trung bình từ đầu năm đến nay thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng, những tháng cuối năm thu nhập còn cao hơn vì sản lượng tăng và có thêm khoản thưởng. Ngoài thu nhập từ lương, chị Lợi còn có thêm nguồn thu 30 triệu đồng/tháng từ vườn cao su 2 ha của gia đình; chăn nuôi bò, gà trong vườn nhà còn mang lại khoảng 50 triệu đồng/năm.

Vận chuyển mủ cao-su xuất khẩu tại Nhà máy Chế biến Trung tâm Công ty Cao-su Phú Riềng.

Song song với công tác chăm lo cho người lao động, các công ty cao su luôn thể hiện trách nhiệm trong việc đồng hành với sự phát triển của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Tại Bình Phước, nhiều năm nay, các công ty cao su đã dành một phần lớn nguồn lực để cùng địa phương nhựa hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Trong giai đoạn tỉnh Bình Phước đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển công nghiệp, nhiều công ty cao su đã bàn giao đất cho tỉnh để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xây dựng nhà văn hóa thôn hay các thiết chế xã hội. Cùng với đó, hằng năm, các công ty cao su còn trích hàng chục tỷ đồng để cùng địa phương thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài..., qua đó tạo sự gắn kết bền chặt giữa doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân.

Từ năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú đã thực hiện chương trình phát triển bền vững và xem đây là mục tiêu chiến lược của đơn vị. Ông Lưu Minh Tuyến cho biết thêm, hiện tại, toàn bộ diện tích vườn cây của công ty đã được cấp Chứng chỉ rừng bền vững PEFC/VFCS-FM và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-COC cho các sản phẩm mủ cao su sản xuất tại ba nhà máy của công ty. Công ty cũng đang tiếp cận với quy định chống phá rừng (EUDR) của Ủy ban châu Âu (EC) và đang xây dựng lộ trình, biện pháp nhằm thích ứng với yêu cầu của EUDR với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tại Nhà máy Chế biến trung tâm thuộc Công ty Cao-su Phú Riềng, tất cả các dây chuyền đều được cải tiến hướng đến tự động hóa nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nhà máy Vũ Duy Quý cho biết, mới đây nhất, đơn vị này đã cải tiến lò dùng gas, dầu sang lò hơi tải nhiệt để sấy mủ; giúp tăng năng suất dây chuyền từ 2,5 tấn lên 3,5 tấn/giờ, trong khi chi phí lại giảm 200 đồng/tấn; độ ổn định rất cao, sản phẩm mủ cao su đạt các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn VRG đặt ra về các chỉ số màu, PO, PRI…

Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất cao su sang các dự án khu công nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhiều công ty cao su đã phát triển hạ tầng công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (189 ha) và Nam Đồng Phú (69 ha) là hai dự án của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (thuộc Công ty cổ phần Cao-su Đồng Phú) có tỷ lệ lấp đầy cao nhất của tỉnh Bình Phước.

Với tầm nhìn chiến lược và cam kết phát triển bền vững, các khu công nghiệp của Bình Phước được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ khu công nghiệp Việt Nam, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư chất lượng cao, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh.

Bài, ảnh: ANH TUẤN và NHẤT SƠN

Link gốc

Bình luận (1)

Ắp bô
05:56

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long