Trong khi xuất khẩu gạo “thăng hoa” thì các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như Lộc Trời, Angimex, gạo Trung An lại kinh doanh sa sút. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp này gặp khó.
9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ, mang tới kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm mà ngành gạo Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc doanh thu 5 tỷ USD.
"Sức khỏe" sa sút
Trái ngược với sự thăng hoa của xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành lại đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là những vấn đề tài chính.
Các doanh nghiệp hàng đầu ngành gạo đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là những vấn đề tài chính.
Điển hình là CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) - một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực lúa gạo và nông dược.
Lộc Trời từng duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Từ năm 2015 - 2019, doanh thu của công ty dao động trong khoảng từ 7.800 - 9.000 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt từ 320 - 414 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở đi, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu đi xuống khi doanh thu giảm còn 8.309 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 335 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu của Lộc Trời tăng mạnh trong các năm tiếp theo, thậm chí đạt đỉnh hơn 16.000 tỷ đồng vào năm 2023, nhưng lợi nhuận lại lao dốc mạnh. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 16,4 tỷ đồng, giảm tới 96% so với năm trước.
Sang đến quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỷ đồng, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự đóng góp lớn từ mảng lúa gạo. Tuy nhiên, công ty lại báo lỗ sau thuế 96,2 tỷ đồng, tăng so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước.
Tình trạng thua lỗ đã khiến Tập đoàn Lộc Trời gặp khó khăn về dòng tiền. Trên báo cáo dòng tiền quý I/2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 434 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái cũng đã âm 2.709 tỷ đồng.
Cùng với đó, so với đầu năm, lượng tiền mặt đã giảm gần 5 lần, chỉ còn lại 105,6 tỷ đồng cùng lượng tiền gửi ngắn hạn 120 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM), từng được mệnh danh là “vua gạo” một thời cũng đối mặt với tình trạng kinh doanh thua lỗ những năm gần đây.
Trước khi rơi vào khủng hoảng, Angimex từng có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, phần lớn đến từ việc CTCP Louis Holdings do ông Đỗ Thành Nhân làm Chủ tịch, mua lại cổ phần của Angimex và đưa công ty vào hệ sinh thái của mình.
Tuy nhiên, khi ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố vào năm 2022 với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, đã khiến tình hình kinh doanh của Angimex lao dốc không phanh.
Cùng với áp lực từ chi phí tài chính cao, bao gồm chi phí lãi vay, chi phí đầu tư tài chính và lỗ tỷ giá, doanh thu của Angimex giảm từ mức 3.924 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 3.429 tỷ đồng năm 2022. Công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 232,9 tỷ đồng, phá vỡ chuỗi lợi nhuận ổn định trước đó. Tình trạng này tiếp diễn trong năm 2023 với mức lỗ 220,8 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2024, Angimex tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 98,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của Angimex tính đến ngày 30/6/2024 lên tới 1.238 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là các khoản vay ngắn hạn.
Không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) - một trong những doanh nghiệp gạo hiếm hoi của Việt Nam thành công trong việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu với bao bì nhãn mác, thương hiệu riêng mang tên Trung An, cũng ghi nhận tình hình tài chính lao dốc.
6 tháng đầu năm 2024, Trung An đã phải chịu khoản lỗ sau thuế lên đến 8,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 7,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu cũng “gặp nạn”
Không chỉ kinh doanh gặp khó mà trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng rơi vào thế khó.
Mới nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đưa hơn 100 triệu cổ phiếu LTG vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/10. Nguyên nhân là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2024 quá 45 ngày kể từ thời hạn quy định.
Trong văn bản giải trình gửi tới HNX, Lộc Trời cho biết doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự kiện bất khả kháng liên quan đến vấn đề dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến toàn bộ công ty phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính cấp bách.
Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Lộc Trời diễn ra muộn hơn thường lệ, dẫn đến nhiều thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo và hợp đồng kiểm toán, khiến tiến trình soát xét báo cáo tài chính bị chậm trễ.
Hiện, cổ phiếu LTG đang dừng ở mức 8.200 đồng, giảm gần 70% so với mức giá đầu năm là 26.200 đồng/cp.
Trong khi đó, Angimex bị cảnh cáo nhiều lần do vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, khiến cổ phiếu AGM thường xuyên nhận cảnh báo và thậm chí bị đình chỉ giao dịch vào tháng 9/2023. Cho đến tháng 3/2024, cổ phiếu AGM mới được phép giao dịch trở lại, nhưng vẫn nằm trong diện kiểm soát do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp, theo báo cáo tài chính bán niên năm 2024.
Hiện tại, cổ phiếu AGM đang giao dịch ở mức rất thấp, 3.380 đồng/cp, giảm hơn một nửa so với mức giá hồi cuối tháng 3/2024.
So với thời điểm sau khi Louis Holdings nắm quyền kiểm soát Angimex - giá cổ phiếu đã tăng vọt từ 30.000 đồng lên 60.000 đồng/cp, thị giá AGM đã mất hơn 94%.
Còn cổ phiếu TAR sau khi bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch đã bị hủy niêm yết vào tháng 5/2024 và chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM. Nguyên nhân do công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023.
Không chỉ vậy, kể từ đầu năm 2024 đến nay, thị giá cổ phiếu TAR đã giảm 54,4%, xuống còn 4.000 đồng/cp, vốn hóa theo đó giảm còn 313,2 tỷ đồng.
Bình luận (7)