Trong quý đầu năm nay, các doanh nghiệp phân bón ghi nhận sự khởi sắc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Quý 1/2024, bên cạnh các ông lớn của ngành như DCM, DPM, các doanh nghiệp phân bón khác có quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt.
Đạm Cà Mau (HoSE: DCM) đã hoàn thành 43% kế hoạch năm về lãi ròng, tương ứng đạt 349 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý. So với cùng kỳ năm trước (YoY), lãi thu về của doanh nghiệp đã tăng tới 52%.
Kinh doanh mảng chủ lực của DCM là ure có sự tăng trưởng tốt với +9,8% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 2.516 tỷ đồng, chiếm 87% tổng doanh thu quý 1 của DCM. Đáng chú ý, riêng quý 1/2024 DCM đã hoàn thành 58% kế hoạch năm về xuất khẩu, tương ứng đạt 131.660 tấn ure, mang về 1.193 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Ngoài ure, DCM cũng đang phát triển thêm mảng NPK với lượng tiêu thụ trong quý đạt 5.510 tấn, thu 64,5 tỷ đồng.
Một "ông lớn" khác trong ngành là Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) cũng ghi nhận tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 3.365 tỷ đồng; lãi ròng tăng nhẹ 2%, đạt 267,8 tỷ đồng.
Cùng trong nhóm tăng trưởng, Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) tăng tới 44% về doanh thu thuần, đạt 1.940 tỷ đồng. Quý 1/2024 cũng là quý tiếp theo BFC có lãi ròng dương với 91 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 doanh nghiệp âm 39 tỷ đồng lãi ròng).
Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) ghi nhận lãi ròng dương 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ở mức âm 129 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu giảm 14,7%, còn 1.009 tỷ đồng nhưng nhờ chi phí lãi vay dài hạn của doanh nghiệp giảm đáng kể so với cùng kỳ do đề án tái cơ cấu các khoản nợ vay đầu tư của DHB tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chính thức được Chính phủ phê duyệt (từ 147 tỷ đồng xuống còn 42 tỷ đồng).
Supe Lâm Thao (HNX: LAS) tăng trưởng 19% về doanh thu và 59% về lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2024, đạt lần lượt 1.491 tỷ đồng và 52,4 tỷ đồng.
Đi ngược với xu hướng của các doanh nghiệp trên, Phân bón miền Nam (HoSE: SFG) lại giảm sâu 87% về lãi ròng trong quý 1/2024, chỉ đạt 4 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu trong quý của doanh nghiệp tăng 12% YoY với mức 349 tỷ đồng, nhưng do không có khoản lợi nhuận từ cổ tức nên lãi ròng của SFG cũng bị kéo xuống (cùng kỳ năm trước doanh nghiệp có 56 tỷ đồng tiền cổ tức).
Lê Hồng Nhung