Ảnh: T.L
Biến những chai nhựa thành sợi tái chế trở thành bài toán của ngành xơ sợi Việt Nam trong xu hướng xanh hóa ngành công nghiệp dệt may.
Bước ngoặt đến với Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) vào năm 2016 khi chuyển hướng, mở rộng kinh doanh sang sản xuất sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. Đó là thời điểm STK bắt tay với Unifi (Mỹ) để sản xuất sợi tái chế, giúp doanh nghiệp của Việt Nam có thể tham gia gián tiếp tái sinh hàng tỉ chai nhựa PET thành sợi tái chế, sử dụng để may thành áo thể thao. Theo đó, STK cung cấp sợi cho nhiều đối tác dệt vải, may cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, H&M, Inditex, Uniqlo, Decathlon... cũng như cùng tham gia sản xuất sợi tái chế từ chai nhựa PET.
Từ bước chuyển mình, loại vải thân thiện môi trường này trở thành lực đỡ tăng trưởng cho STK vượt qua khó khăn trước mắt và tăng trưởng trong dài hạn. STK kết thúc năm 2024 với doanh thu thuần 1.210 tỉ đồng, giảm 15% so với năm trước. Lợi nhuận ròng chỉ đạt 12,4 tỉ đồng, giảm tới 86%, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Nguyên nhân chính là nhu cầu thị trường suy yếu, chi phí lãi vay và tỉ giá tăng do nhà máy Unitex chưa đi vào hoạt động. Bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ sợi giá rẻ Trung Quốc và các nhà sản xuất trong nước như Formosa, Far Eastern. “Thay vì cạnh tranh giá với sợi Trung Quốc, chúng tôi tập trung vào chất lượng và sản phẩm tùy chỉnh”, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc STK, khẳng định.
Sang năm 2025, STK trông chờ vào nhà máy mới Unitex có công suất 36.000 tấn/năm, giúp Công ty mở rộng danh mục sản phẩm mới và nâng cao hiệu suất sản xuất. Đặc biệt, STK tiếp tục tập trung vào dòng sợi tái chế cao cấp (Recycle Plus) để gia tăng biên lợi nhuận, bù đắp cho việc giảm giá sợi tái chế thông thường. Lãnh đạo STK đặt kế hoạch doanh thu năm 2025 là 3.270 tỉ đồng, gấp 2,7 lần năm 2024; lợi nhuận ròng dự kiến 310 tỉ đồng, tăng hơn 24 lần.
Ngành sợi hiện nay có 10 triệu cọc sợi và đưa Việt Nam đứng thứ 6 trong số các quốc gia xuất khẩu xơ sợi trên thế giới, đồng thời giữ vị trí thứ 2 toàn cầu về xuất khẩu hàng dệt may. Các doanh nghiệp xơ sợi như STK thuộc phân khúc thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Năm 2024 thị trường có những chuyển biến tích cực giúp các doanh nghiệp ngành sợi giảm thua lỗ lũy kế.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), dù ngành dệt may dần khởi sắc, đơn hàng ngày càng dồi dào và đa dạng hơn nhưng doanh nghiệp ngành sợi vẫn rất khó khăn. Đáng chú ý, Trung Quốc chủ động sản xuất sợi từ bông Tân Cương để tiêu thụ tại thị trường nội địa, cũng như sản xuất sản phẩm tiêu thụ vào thị trường châu Phi, Trung Đông. Do đó, sợi Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng gặp khó khăn với hàng giá rẻ từ nước này.
Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%. Dù ngày 10/4, ông Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày nhưng cú sốc thuế quan là có thể thấy rõ, khi dệt may là một trong những ngành dễ bị tổn thương.
Giải pháp cho vấn đề trên là doanh nghiệp trong nước phải cơ cấu lại một số dòng sợi, thích ứng đòi hỏi của ngành công nghiệp dệt nhuộm, như các dòng sợi bền vững, sợi thân thiện với môi trường, sợi tái chế... Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, dự báo trong 2-4 năm tới, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với trên 35 luật mới liên quan đến phát triển bền vững của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ... “Nếu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ bị mất đơn hàng, giảm doanh thu”, ông cảnh báo.
Trên toàn cầu, các thương hiệu thời trang đang ưu tiên chọn nhà cung ứng giúp họ đạt được các cam kết chống biến đổi khí hậu. Viện Tài nguyên Thế giới dự báo, gần 13 triệu tấn vật liệu thế hệ mới có thể ra mắt thị trường vào năm 2030, chiếm 8% tổng lượng sợi toàn cầu. Vì thế, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam cũng đang đầu tư cho chiến lược chuyển đổi xanh từ sản xuất cho đến thành phẩm.
Trong 5 năm qua, biên lợi nhuận gộp của sợi tái chế tại STK luôn giữ ổn định ở mức 23% trong khi biên lợi nhuận gộp của sợi nguyên sinh biến động khá mạnh do ảnh hưởng từ giá dầu. Mục tiêu của công ty này là đạt tỉ lệ sợi tái chế, sợi đặc biệt chiếm khoảng 70-80% trong tổng doanh thu vào năm 2026. Một trong những sản phẩm mới của STK là Recycled Textile to Textile, tái chế quần áo cũ thành sợi mới, dự kiến ra mắt vào quý III/2025 và đây cũng là sản phẩm chiến lược trong 5 năm tới.





