Hãy là người đầu tiên thích bài này
STB: Tiến tới hoàn thành đề án tái cơ cấu

Sau nhiều năm nỗ lực tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang tiến đến giai đoạn hoàn thành đề án, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng tài chính vững chắc để từ đó tăng trưởng bền vững.

Hình minh họa.

Gánh nặng cũ từ Southern Bank

Sacombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong hệ thống tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, hành trình tái cơ cấu của ngân hàng này không hề dễ dàng, chủ yếu là do phải gánh chịu khối nợ xấu khổng lồ và tài sản tồn đọng sau khi sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào năm 2015.

Khi sáp nhập, Sacombank nhận về một khối lượng nợ xấu đáng kể từ Southern Bank, đẩy tỷ lệ tài sản không sinh lời của ngân hàng lên tới 28,1%. Điều này không chỉ làm suy giảm khả năng tài chính và thanh khoản, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Thách thức từ việc cải tổ hoạt động sau sáp nhập và xử lý nợ xấu đã khiến Sacombank phải triển khai các biện pháp tái cấu trúc phức tạp và tốn kém.

Ngoài gánh nặng từ Southern Bank, Sacombank còn đối mặt với nhu cầu cấp thiết về tăng vốn để đáp ứng các quy định khắt khe về an toàn vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong khi thị trường vốn có nhiều biến động và niềm tin của nhà đầu tư chưa hoàn toàn hồi phục, việc huy động vốn trở thành một thách thức không nhỏ. Sacombank phải tìm kiếm các giải pháp tài chính hợp lý nhằm củng cố nguồn lực, đồng thời duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo từ Nhà điều hành cùng sự quyết tâm của ban lãnh đạo, Sacombank đã từng bước thực hiện tái cơ cấu, đạt được những kết quả tích cực, giúp ngân hàng củng cố nền tảng tài chính, cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao sức mạnh cạnh tranh.

Lợi nhuận tiếp tục cải thiện

Báo cáo tài chính quý III/2024 của Sacombank cho thấy nhiều cải thiện trong hoạt động kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 2.751,7 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 2.201 tỷ đồng, tăng 34,6%. Động lực tăng trưởng chính đến từ việc tăng trưởng tín dụng ổn định, tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) cải thiện 5 điểm cơ bản, và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống 45%, giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Trong quý III/2024, Sacombank ghi nhận tăng trưởng tín dụng 1,7%, nâng mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm lên 8,9%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng của toàn thị trường. Tỷ lệ NIM của ngân hàng tăng lên 3,62% chủ yếu nhờ chi phí vốn giảm nhanh hơn so với tốc độ giảm của biên thu nhập lãi. Dù lãi suất tiền gửi trung bình tăng, nhưng nhờ giảm lãi suất phát hành trái phiếu và giấy tờ có giá, chi phí vốn của Sacombank giảm đáng kể trong quý III.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) – một chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng chi phí trong hoạt động của ngân hàng – đã giảm từ 51% xuống 45% trong quý III, cho thấy Sacombank đang quản lý chi phí hiệu quả hơn. Thu nhập ngoài lãi đạt 873 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng, đạt 756 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Ngược lại, thu nhập từ hoạt động ngoại hối và các hoạt động khác có sự sụt giảm nhất định.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Sacombank tăng nhẹ 0,04%, lên mức 2,47% vào cuối quý III/2024, trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 0,72%. Tuy nhiên, điểm tích cực là nợ xấu hình thành mới giảm mạnh, xuống còn 637 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ và 44% so với quý trước. Mặc dù vậy, Sacombank vẫn tăng trích lập dự phòng lên 1.199 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và 156% so với quý trước, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LCR) lên 75%.

Tiến tới hoàn thành đề án tái cơ cấu

Dự kiến ngân hàng sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu sau khi trích lập xong trái phiếu VAMC và xử lý 32,5% cổ phần tại VAMC. Sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu, Sacombank có thể thực hiện đầy đủ các hoạt động, có thể trả cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ để gia tốc tăng trưởng.

Tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Sacombank công bố đã đấu giá thành công khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú, thu hồi 20% tổng giá trị đấu giá. Phần còn lại sẽ được thanh toán theo tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý, trong đó 40% sẽ được thanh toán vào năm 2024 và phần còn lại vào năm 2025.

Khu công nghiệp Phong Phú là tài sản bảo đảm cho khoản nợ với nợ gốc tại Sacombank là 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là 11.061 tỷ đồng tính đến cuối 2021. Theo ước tính của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá trị bán đấu giá thành công khoảng 7.900 tỷ đồng giúp Sacombank ghi nhận hoàn nhập và cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2025 sau khi đã nhận được đẩy đủ khoản thanh toán của bên mua tài sản.

Sau khi hoàn tất các khoản trích lập nợ VAMC, Sacombank được coi là đã đạt được bước tiến lớn trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2016-2025, đặc biệt là trong công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn còn vướng mắc trong việc xử lý 32,5% cổ phần STB đang thế chấp tại VAMC. Sacombank đã đề xuất lên NHNN phương án xử lý bằng cách đấu giá cổ phần này. Nếu phương án được phê duyệt, ngân hàng sẽ tiến hành đấu giá, và trong trường hợp đấu giá thành công, khoản tiền thu về có thể giúp Sacombank hoàn nhập một phần hoặc toàn bộ dự phòng nợ xấu.

Với những bước tiến quan trọng trong đề án tái cơ cấu và những tín hiệu tích cực từ hiệu quả kinh doanh, có nhiều dấu hiệu cho thấy Sacombank đang trên đà hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Link gốc

Bình luận (12)

Sao mà mhai đi nhai lại hoài vậy ta. Mà chưa thấy gì cả
06:33
Nó đang ở đỉnh 1500 mà không thấy à bạn
06:42
 1
Nim đc 3% thì nợ xấu 2.47% thì còn làm ăn cái gì nữa. Về 27 còn chấp nhận được
06:53
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long