Từ vị thế ông lớn thủy sản với doanh thu vượt 800 tỉ đồng trong năm 2007, Seaprodex Saigon ghi nhận chuỗi sụt giảm về doanh thu trong 15 năm qua, khi chuyển mình sang hướng bất động sản.
Seaprodex Sài Gòn từng là ông lớn ngành thủy sản với doanh thu vượt hơn 800 tỉ đồng trong năm 2007. Ảnh: Chụp màn hình.
Đánh mất vị thế
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon, UPCoM: SSN) là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - là doanh nghiệp nhà nước.
Công ty chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần từ năm 2007, với vốn điều lệ 96 tỉ đồng, trong đó nhà nước sở hữu đến 61,03%. Hoạt động kinh doanh của công ty tập trung vào kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Năm 2007, doanh thu của Seaprodex Saigon lên đến hơn 800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, những năm sau đó, doanh thu của Seaprodex Saigon liên tục sụt giảm, đến năm 2009, công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế đầu tiên lên đến 31 tỉ đồng.
Năm 2011, công ty mở rộng sang các mặt hàng nông sản, hàng hóa sắt thép, vật tư, hạt nhựa… Từ đó, hoạt động kinh doanh có xu hướng đi xuống do cạnh tranh gay gắt đẩy giá trị xuất nhập khẩu giảm mạnh.
Kết thúc năm 2012, công ty ghi nhận khoản lỗ 23,63 tỉ đồng do trích lập nợ phải thu khó đòi; nợ vay lên tới gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu. Nguồn tiền mặt cạn kiệt khiến công ty gặp khó khăn trong kinh doanh.
Giai đoạn năm 2014 - 2015, sau khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn, Seaprodex Sài Gòn bắt đầu tự chủ tài chính và cơ cấu lại hoạt động theo hướng tập trung đầu tư vào bất động sản nhằm khai thác quỹ đất, kho bãi sẵn có.
Đặc biệt năm 2015, Ban lãnh đạo công ty đã thay đổi định hướng kinh doanh, tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm khai thác nguồn quỹ đất đang quản lý. Tháng 11.2015, Công ty Seaprodex Sài Gòn đã tăng vốn từ 96 tỉ đồng lên 396 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ.
Doanh thu Seaprodex Sài Gòn sụt giảm trong khoảng 15 năm qua. Ảnh: Chụp màn hình
Song song với đó, Seaprodex Sài Gòn cũng triển khai dự án chung cư kết hợp trung tâm thương mại Centa Park trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TPHCM), có tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.200 tỉ đồng. Đồng thời, lên kế hoạch phát triển các dự án tại 87 Hàm Nghi, Quận 1, TPHCM; số 1.534 Võ Văn Kiệt, Quận 6 TPHCM; số 4 Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình, TPHCM..
Đến đầu năm 2016, dự án Centa Park mở bán và có thanh khoản khá tốt khi block đầu tiên với hàng trăm căn hộ được bán hết.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi mở bán, dự án Centa Park đã bị dừng thi công và ngừng bán hàng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư Seaprodex Sài Gòn gặp khó khăn về tài chính và một số trục trặc về pháp lý tại dự án Centa Park.
Trên thực tế, giai đoạn về sau này, không chỉ riêng dự án Centa Park mà đa số các dự án của Seaprodex Sài Gòn đều gặp vấn đề về pháp lý.
Theo biên bản họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Seaprodex Sài Gòn cho biết, nhiều dự án lớn của công ty đã xây xong, giao căn hộ nhưng pháp lý vẫn không xong được, bằng chứng là không ra được sổ đỏ.
Tổng Giám đốc 9 tháng không đi làm, không liên lạc được
Sau khi buông lỏng xuất nhập khẩu thủy sản, các chỉ tiêu kinh doanh của công ty cũng thay đổi rõ rệt. Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ tiếp tục đà giảm mạnh trong 15 năm.
Số liệu cập nhật về tình hình tài chính mới đây nhất được Seaprodex Sài Gòn công bố cho thấy (báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022), doanh thu công ty nửa đầu năm 2022 chỉ vỏn vẹn hơn 10 tỉ đồng.
Vào tháng 7.2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc công bố báo cáo tài chính năm 2022, lãnh đạo Seaprodex Sài Gòn thông tin, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty là ông Đặng Đình Phúc không đi làm khoảng 9 tháng và chưa thể liên lạc.
Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 đã thông qua việc bầu bổ sung thêm một người đại diện pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình đang vướng vào vụ kiện phá sản của Fortuna, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM có hướng dẫn rằng những công ty đang vướng vào quá trình bị kiện mở thủ tục phá sản và đã có bản án thì không cho phép thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Do không có người đại diện pháp luật ký báo cáo tài chính nên Seaprodex Sài Gòn chưa hoàn thành được Báo cáo tài chính gửi cho công ty kiểm toán.
Về tiến độ vụ án bị kiện mở thủ tục phá sản, Seaprodex Sài Gòn đã có nhiều lần thương lượng với Fortuna, và công ty này có thể rút đơn kiện do sự kiện xảy ra trước khi cổ phần hóa hoặc Seaprodex Sài Gòn có thể theo đến cùng.