Hãy là người đầu tiên thích bài này
Sơ phác những ‘tay chơi’ tại Chứng khoán Việt Tín
CTCP Chứng khoán Việt Tín (VTSS) vừa công bố BCTC quý II/2024 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, doanh thu hoạt động giảm 86,4% so với cùng kỳ năm trước do thị trường chứng khoán có nhiều biến động.
 
 
 
Dù vậy, nhờ việc thu hồi được khoản phải thu khó đòi, VTSS báo lãi ròng lên đến 25,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1,3 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, VTSS trong kỳ thu hồi được 22,6 tỷ đồng khoản phải thu ứng trước tiền mua văn phòng cho ông Ngô Duy Nhương phát sinh từ thời điểm 28/5/2013, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng suy giảm với toàn bộ công nợ này.
 
Cùng với đó, VTSS cũng thu hồi hơn 28,4 tỷ đồng chi phí thuê văn phòng từ bà Hoàng Ngân Hà – cựu thành viên HĐQT VTSS.
 
Đây là những diễn biến đáng chú ý tại VTSS trong bối cảnh bà Hoàng Ngân Hà và ông Boyld-Bowman Charles James đồng loạt xin từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT công ty. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 1/7/2024, các cổ đông đã thông qua nội dung miễn nhiệm 2 cá nhân trên và đồng thời bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và bà Võ Huỳnh Ngọc vào ghế HĐQT.
 
Cùng ngày, ông Ronald Nguyễn Anh Đạt có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT VTSS. Ngay sau đó, HĐQT VTSS có nghị quyết bầu bà Nguyễn Thị Thanh Thủy giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Đạt.
 
Trước đó, vào ngày 14/6, cơ cấu cổ đông VTSS có sự chuyển dịch khi bà Hoàng Ngân Hà đã chuyển nhượng toàn bộ 49% vốn cho Công ty TIN Global PTE.LTD.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, VTSS có 3 cổ đông lớn gồm: TIN Global PTE.LTD (49%), Nguyễn Thị Thùy Trang (2%), CTCP Du lịch Minh Thánh (49%).
 
Hé mở những cổ đông tại VTSS
 
“Cuộc chơi” ở VTSS có phần nhỉnh hơn về phía Du lịch Minh Thành nếu nhìn vào ghế Thành viên HĐQT. Điều này thể hiện qua việc bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chủ tịch HĐQT VTSS được đề cập là người đại diện cho Du lịch Minh Thành.
 
Bên cạnh đó, bà Võ Huỳnh Ngọc – thành viên HĐQT thứ hai, theo tài liệu mà Nhadautu.vn thu thập được hiện cũng là đại diện sở hữu của Du lịch Minh Thành. Bà còn công tác tại bộ phận quản lý dự án M&A tại đơn vị này.
 
Du lịch Minh Thành thành lập vào tháng 2/2000, trụ sở chính tại tỉnh Bình Thuận. Ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ khách sạn.
 
Tháng 3/2019, vốn điều lệ công ty đạt 100 tỷ đồng, với 3 cổ đông góp vốn gồm: Ông Phạm Hoàng Minh (60%), ông Phạm Minh Thành Valéry (20%) và bà Hồ Thị Diễm Trang (20%). Ngoài vai trò cổ đông lớn nhất, ông Minh cũng nhiều năm nắm các cương vị Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật.
 
Công ty sau đó tăng vốn gấp đôi lên 200 tỷ đồng vào tháng 2/2022, và không công bố cơ cấu cổ đông. Đáng chú ý, 4 tháng sau (tháng 6/2022), công ty có tân Chủ tịch HĐQT là ông Đinh Thanh Tâm, thay thế ông Phạm Hoàng Minh.
 
Tân chủ tịch HĐQT Du lịch Minh Thành sinh năm 1979, với trình độ chuyên môn là Cử nhân Luật, ông hiện còn đứng tên tại CTCP Đầu tư Nam Yên (hiện là CTCP Đầu tư TIC). Hồi năm 2020, doanh nghiệp này đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Nam Yên tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Với tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng, dự án có diện tích 4,09ha.
 
Bên cạnh đó, ông là Giám đốc tại CTCP Dịch vụ Du lịch - Thương mại An Tiêm – chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng (xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), quy mô 121.712,68 m2, tổng mức đầu tư 86,6 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, ông Tâm còn đứng tên tại CTCP Đầu tư Sơn Trà Beach – được biết đến là chủ đầu tư Dự án Tổ hợp căn hộ chung cư và thương mại dịch vụ - Khu A2 của CTCP Đầu tư Sơn Trà Beach. Theo tìm hiểu, công ty này thành lập vào năm 2022 với cơ cấu cổ đông gồm CTCP Đầu tư Bất động sản Dakao (4,375%), bà Nguyễn Thị Xuân (95,547%), và ông Đinh Thanh Tâm (0,078%).
 
Đáng chú ý, ông còn đứng tên và là Giám đốc tại CTCP Đầu tư Bất động sản Giang Nam – doanh nghiệp này từng có Chủ tịch HĐQT/Tổng Giám đốc là nữ đại gia Phạm Thị Hường (tháng 9/2019 – tháng 11/2020) - bà chủ của Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh. Nhóm doanh nghiệp do bà sở hữu là chủ đầu tư hơn chục dự án bất động sản tại tỉnh Bình Dương.
 
Liên quan đến nữ đại gia này, UBND tỉnh Bình Dương hồi đầu năm 2024 cho biết Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (Bộ Công an) đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, ngăn chặn mọi giao dịch chuyển nhượng đất đai liên quan đến Phú Hồng Thịnh và các cá nhân.
 
Bên cạnh những doanh nghiệp kể trên, ông Tâm vào tháng 2/2021 còn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Đà Lạt (UPCOM: DLR). Ông cũng là cổ đông lớn nắm 1,1 triệu cổ phiếu DLR, tương đương 24,5% vốn công ty.
 
Thành lập từ năm 2007, DLR hiện hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là Dịch vụ lưu trú - ẩm thực, dự án đầu tư – xây dựng, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng.
 
Tại BCTC quý II/2024, doanh thu thuần DLR đạt hơn 3,1 tỷ đồng, tăng hơn 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn và các chi phí, công ty lãi ròng 1,3 tỷ đồng, trong khi quý II/2023 lỗ 1,7 tỷ đồng.
 
Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần DLR đạt gần 6,2 tỷ đồng, tăng 24%. Lãi ròng 211 triệu đồng, trong khi nửa đầu năm 2023 lỗ 2,9 tỷ đồng. Dù vậy, vốn chủ sở hữu DLR tại thời điểm 30/6/2024 vẫn âm hơn 16,5 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do khoản lỗ sau thuế chưa phân phối gần 69 tỷ đồng.
 
Vào ngày 7/7/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ra quyết định tiếp tục việc duy trì diện hạn chế giao dịch của cổ phiếu DLR (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần) với lý do không họp ĐHĐCĐ thường niên 2 năm tài chính gần nhất trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định tại khoản 2, điều 139 Luật doanh nghiệp. Cùng với đó, một lý do khác là vốn chủ sở hữu DLR tại BCTC kiểm toán năm 2022 ghi nhận âm 69,3 tỷ đồng.
 
Đáng chú ý, vào đầu tháng 6/2024, ông Tâm được bầu làm Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang (HoSE: CKG). Trong khoảng thời gian từ phiên 11/6 – 10/7, ông cũng đăng ký và mua thành công 5 triệu cổ phiếu CKG, qua đó trở thành cổ đông lớn và sở hữu 5,25% vốn CKG.
 
Vào ngày 9/4/2024, cổ phiếu CKG bị HoSE đưa vào diện kiểm soát do chậm nộp BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Giải trình về vấn đề này, CKG cho biết vào ngày 2/4 đã công bố thông tin BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023. Việc chậm trễ là do chuyển phát tài liệu giữa công ty kiểm toán và CKG bị chậm trễ.
 
Trở lại với VTSS, bên cạnh Du lịch Minh Thành, phải kể đến “tay chơi” thứ hai nắm 49% vốn là cổ đông ngoại TIN Global PTE.LTD. Đơn vị này thành lập vào tháng 9/2023, địa chỉ đăng ký tại “160 Robinson Road #24-08 SBF Center, Singapore 068914”, Người đại diện, kiêm Giám đốc là ông Tang Chow Yang, Eugene.
 
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy TIN Global PTE.LTD có sự liên hệ chặt chẽ với Capital Asia Investments – nơi ông Tang Chow Yang, Eugene là Giám đốc điều hành, kiêm nhà sáng lập. Trong vai trò quản lý tài sản, ông Tang Chow Yang, Eugene từng công tác tại UBS, L JOB Kay Hian và Phó Giám đốc Quản lý Tài sản tại One Asia Investment Partiners.
 
Định hướng của Capital Asia Investments tập trung vào các lĩnh vực như giải pháp độc quyền, bất động sản, và các cơ hội đầu tư vào những SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt).
 
Tại thời điểm 28/12/2023, Capital Asia Investments sở hữu 13,34% vốn M Vision Public Company Limited. Đây là doanh nghiệp hoạt động chính trong các lĩnh vực sự kiện, truyền thông và thương mại điện tử.
 

Bình luận (3)

CKG mang chân gỗ là thằng Tuấn vào cầm CP để đá nhóm Cổ đông việt ra đưa tàu vào và CKG chả có cm gì nhưng lương chủ tịch 1 tỷ/th cũng khá xoắn
19:13
Kim Dung ko hiểu bạn ơi
08:47
Thiên Phú Mong là cục công an #A04 vào cuộc thì rõ bạn ạ
09:53

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long