Bệnh viện Tim Tâm Đức và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên là 2 bệnh viện tư nhân hiếm hoi trên sàn chứng khoán với nhiều điểm riêng biệt trong hoạt động kinh doanh...
Theo số liệu Báo cáo Tổng kết công tác y tế năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam mới đạt 32 giường bệnh/10.000 dân, dưới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (50 giường/10.000 dân). Vấn đề đã gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện công tuyến đầu, dẫn đều nhiều vấn đề nhức nhối.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển hệ thống y tế tư nhân cũng như nỗ lực nâng cao tỉ lệ giường bệnh, mật độ bác sĩ và chất lượng dịch vụ y tế.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg về phê duyệt mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu số giường bệnh tư nhân chiếm 15% tổng số giường bệnh vào năm 2025 và đạt 25% vào năm 2050.
Những bệnh viện hiếm hoi lên sàn chứng khoán
Là ngành kinh doanh khá đặc thù, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư nhưng sự hiện diện của các bệnh viện trên sàn chứng khoán là khá hiếm. Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là Bệnh viện Tim Tâm Đức (UPCoM: TTD) và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HoSE: TNH).
Là bệnh viện tư nhân đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức chính thức giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2017 với 15,5 triệu cổ phiếu. Từ đó đến nay, Bệnh viện Tim Tâm Đức vẫn giữ nguyên vốn điều lệ.
Đáng chú ý, người đứng đầu bệnh viện tư nhân trên là ông Nguyễn Ngọc Chiểu - Chủ tịch HĐQT sinh năm 1948. Vị này đã đảm nhiệm chức vụ trên kể từ năm 2008, hiện đang nắm giữ 120.000 cổ phiếu TTD.
Ngoài ra, cổ đông đáng chú ý khác tại Bệnh viện Tim Tâm Đức là Công ty Cổ phần Đầu tư An Việt Hưng với 1,2 triệu cổ phiếu.
Dù cùng là bệnh viện tư nhân nhưng kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã liên tiếp tăng vốn điều lệ kể từ khi thành lập. Theo đó, từ 69 tỷ đồng vào năm 2016, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 270 tỷ đồng vào năm 2017 và 350 tỷ đồng năm 2018.
Sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 415 tỷ đồng, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chính thức đưa 41,5 triệu cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2021.
Sau đó, hành trình tăng vốn điều lệ của bệnh viện tư nhân này vẫn chưa dừng lại, đến tháng 1/2024, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã tăng vốn điều lệ lên 1.102 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần số vốn điều lệ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Về cơ cấu cổ đông, Quỹ ngoại KWE Beteilgungen AG đến từ Thụy Sỹ hiện đang sở hữu 10 triệu cổ phiếu TNH, trong khi đó doanh nhân Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sở hữu 9 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thủy hiện đang nắm giữ 5,3 triệu cổ phiếu TNH.
Hai cực trái ngược
Về tình hình kinh doanh, hai bệnh viện tư nhân hiếm hoi niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận nhiều đặc điểm riêng biệt, phản ánh bức tranh kinh doanh đặc trưng. Trong khi Bệnh viện Tim Tâm Đức ghi nhận đà phục hồi từ đáy kinh doanh năm 2021 thì Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chứng kiến đà giảm nhẹ với nghịch lý doanh thu tăng, lợi nhuận giảm.
Cụ thể, tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, kể từ sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty liên tục tăng trưởng. Năm 2019 bệnh viện tư nhân này ghi nhận doanh thu đạt 660 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 77 tỷ đồng; tăng lần lượt 21% và 22% so với cùng kỳ năm 2017.
Giai đoạn sau đó, bệnh viện tư nhân này ghi nhận tín hiệu sụt giảm với đáy doanh lợi nhuận năm 2021 vỏn vẹn 10 tỷ đồng - thấp nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Song ngay sau đó, tình hình kinh doanh của Bệnh viện Tim Tâm Đức phục hồi, kéo doanh thu năm 2022 lên 723 tỷ đồng, lợi nhuận cũng đạt đỉnh 92 tỷ đồng. Sang năm 2023, dù doanh thu tăng lên 741 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của công ty lại sụt giảm 9% so với năm trước đó.
Quý I/2024 với doanh thu của Bệnh viện Tim Tâm Đức đạt hơn 177 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, Bệnh viện Tim Tâm Đức lãi sau thuế 13,8 tỷ đồng, giảm gần 33% so với quý 1/2023. Đây là là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 8 quý của doanh nghiệp này.
Còn tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, kể từ sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, bệnh viện tư nhân này ghi nhận tình hình kinh doanh trồi sụt, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận đi lùi.
Theo đó, năm 2023, doanh thu thuần của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đạt 532 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021. Mặc dù vậy nhưng lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp của công ty trong năm 2023 ghi nhận giảm nhẹ 3% xuống còn 142 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 92,5 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 14,9 tỷ đồng, giảm hơn 39%. Tính đến thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên gần như đi ngang so với đầu năm, đạt hơn 2.131 tỷ đồng.
Trái ngược với tình hình kinh doanh, hai bệnh viện trên thể hiện rõ 2 hướng trả cổ tức khác nhau. Trong khi Bệnh viện Tim Tâm Đức “ưa" trả cổ tức bằng tiền thì Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên lại chuộng trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2022-2024, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thực hiện 3 lần trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ từ 15-30%. Còn tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, công ty đã thực hiện 20 lần trả cổ tức cho cổ đông công ty từ năm 2017 đến nay, tất cả đều bằng tiền.