Việc thoái vốn của VIMC tại SESCO và SHC nhằm thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và theo Quy chế đấu giá, cổ phiếu SESCO và cổ phiếu SHC không được chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh hoạ.
Ngày 29/1/2024 tới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức 2 phiên đấu giá bán cổ phần do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) sở hữu tại CTCP Vận tải biển Hải Âu (SESCO) và CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC).
Việc thoái vốn của VIMC tại SESCO và SHC nhằm thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết. Theo Quy chế đấu giá, cổ phiếu SESCO và cổ phiếu SHC không được chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:
Phiên đấu giá cổ phần CTCP Vận tải biển Hải Âu với số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 1.323.000 cổ phần, tương đương 26,46% vốn điều lệ của SESCO và 100% vốn góp của VIMC tại SESCO. Giá khởi điểm là 22.300 đồng/cổ phần.
SESCO hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải biển và viễn dương, hiện đang sở hữu 1 tàu biển có trọng tải trên 13.316 tấn, tuổi tàu bình quân là 12 tuổi, chủ yếu hoạt động ở khu vực Đông Nam Á và Bắc Á. Vốn điều lệ thực góp hiện tại của SESCO là 50 tỷ đồng. Trong đó, ngoài VIMC, còn có 04 cổ đông lớn khác bao gồm Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ (nắm giữ 8,82%) và 3 cổ đông cá nhân trong nước (nắm giữ 67,73%). Tính đến 09/11/2023, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty là 0,08%.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, năm 2022, doanh thu thuần của SESCO đạt hơn 93,79 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của SESCO tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ, đạt mức gần 58,4 tỷ đồng. Kết thúc Quý III/2023, tổng doanh thu đạt 27,2 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 5,7 tỷ đồng. Ngày 10/05/2023 vừa qua, SESCO đã trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 37%.
Phiên đấu giá CTCP Hàng hải Sài Gòn với số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 437.400 cổ phần, tương đương 10,15% vốn điều lệ của SHC và 100% vốn góp của VIMC tại SHC. Giá khởi điểm là 22.600 đồng/cổ phần.
Thành lập năm 2002 theo Quyết định của Bộ Giao thông vận tải, SHC hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ logistics, vận tải… Sau 22 năm thành lập và phát triển, hiện nay, ngoài trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, SHC còn mở rộng ra chi nhánh tại Hải Phòng và văn phòng đại diện tại An Giang, Cần Thơ tạo mạng lưới đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất. Công ty là thành viên chính thức của các hiệp hội ngành nghề VISABA, VIFFAS và Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Các tàu của SHC chủ yếu hoạt động ở khu vực Miền Đông và Miền Tây Sài Gòn.
Sau 04 lần tăng vốn điều lệ từ năm 2003 đến năm 2012, hiện tại, vốn điều lệ thực góp của SHC là hơn 43 tỷ đồng. Tổng số cổ phần đang lưu hành là 4.309.550 cổ phần. Trong đó, chỉ có VIMC là cổ đông tổ chức duy nhất, số cổ phần còn lại đều thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước. Tính đến 09/11/2023, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty là 1,05%.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, năm 2022, SHC ghi nhận doanh thu thuần hơn 115,82 tỷ đồng, tăng hơn 23,96% so năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 4,7 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm trước. Doanh thu lớn nhất từ hoạt động khai thác tàu, chiếm tỷ trọng 55,35% doanh thu thuần của công ty, tiếp theo đó là doanh thu từ hoạt động vận chuyển Nam Bắc (19,81%), vận chuyển Bắc Nam (13,95%) và hoạt động cho thuê kho vận, giao nhận (12,23%).
Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu đạt 63,65 tỷ đồng, đạt 63,83% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 4,5 tỷ đồng.
Cả hai công ty SESCO và SHC đều đã từng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trong đó SHC niêm yết trên HOSE từ năm 2006 và SESCO niêm yết trên HNX từ năm 2011. Hiện tại, cổ phiếu của cả hai công ty đang được giao dịch trên UPCoM.
Hai phiên đấu giá cổ phần SESCO và SHC do VIMC sở hữu sẽ là phiên đấu giá tiếp theo tại HNX hỗ trợ hoạt động thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty.
Trước đó, ngày 15/1/2014, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – Công ty TNHH (SCIC) đã bán đấu giá, thoái vốn thành công tại CTCP Tập đoàn Vinacontrol thu về cho Nhà nước 171,71 tỷ đồng.