Theo thống kê, SHB nằm trong top 10 ngân hàng tư nhân có số nộp ngân sách lớn nhất trong năm 2023 với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động thể hiện rõ nét đóng góp của ngân hàng SHB đối với sự phát triển, phồn thịnh của xã hội, đất nước.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng cho thấy trong năm 2023, Top 5 ngân hàng tư nhân có số nộp ngân sách lớn nhất đã đóng góp tổng cộng hơn 36.800 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng hơn 10.700 tỷ đồng so với năm 2022. Trong danh sách đó có ngân hàng SHB –một trong 5 ngân hàng tư nhân lớn của Việt Nam, với đóng góp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đó, tính riêng trong năm 2023, Ngân hàng này đã đóng góp hơn 3.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Thậm chí ngay trong giai đoạn ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, SHB tiếp tục đóng góp vào ngân sách Nhà nước lên tới hơn 1.500 tỷ đồng (năm 2021). Số liệu thống kê còn ghi nhận, trong vòng 3 năm liên tiếp, tổng đóng góp của ngân hàng này vào ngân sách Nhà nước lên tới 5.500 tỷ đồng.
Số tiền nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng sẽ là nguồn lực tài chính hỗ trợ cho hoạt động quan trọng như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng và an ninh quốc phòng, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, việc nộp ngân sách không chỉ thể hiện trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội mà còn thể hiện vai trò của các ngân hàng đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Số tiền nộp ngân sách lớn hàng nghìn tỷ đồng mà SHB đóng góp cho ngân sách Nhà nước là sự khẳng định rõ nét nhất cho vị thế của một ngân hàng tư nhân lớn trong hệ thống, đồng thời là minh chứng cho sự ổn định và tăng trưởng của SHB.
Xuyên suốt ba thập kỷ phát triển, SHB là ngân hàng cung cấp tín dụng cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia.
Điển hình như hơn 10 năm trước, dù trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng còn nhiều khó khăn, SHB đi đầu trong việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm của quốc gia như cầu vượt ba tầng tại nút giao thông ngã ba Huế - Đà Nẵng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa…
Ngoài dự án hạ tầng, công trình giao thông, SHB cấp tín dụng cho các dự án năng lượng. Đơn cử,tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, SHB cũng cấp tín dụng cho công trình Nhà máy thủy điện Nậm Lúc (Lào Cai), dự án Thủy điện Bái Thượng (Thanh Hoá). Tại Tây Nguyên, SHB cũng cấp tín dụng cho dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Đăk Sin 1.
Ngân hàng này cũng cấp tín dụng cho Nhà máy điện gió Yang Trung, là một trong những cụm điện gió lớn nằm tại Gia Lai. Nhờ nguồn tín dụng được cấp, Nhà máy điện gió Yang Trung sau khi đi vào hoạt động, đã trở thành nguồn đóng góp lớn cho mạng lưới điện qốc gia với gần 1 triệu MWh.
Cách đây 3 năm, cũng chính SHB tham gia dự án "Hỗ trợ giảm thiểu tác động của COVID-19 cho doanh nghiệp phụ nữ làm chủ" do ADB tài trợ. Một trong dự án tài trợ đáng chú ý của SHB là ngân hàng cấp tín dụng 1.000 tỷ đồng cho dự án Nhà máy Gạo Hạnh Phúc. Công trình được đầu tư với quy mô lớn nhất châu Á tại An Giang được khánh thành vào tháng 1/2022, góp phần ổn định an ninh lương thực và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Năm trước, SHB cũng ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Khoản tín dụng này giúp SHB phát triển danh mục cho vay SMEs, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng.
Giữa bối cảnh kinh tế đang hồi phục, SMEs là một trong những nhóm khách hàng cần nguồn vốn hỗ trợ để từng bước vượt qua khó khăn và mở rộng quy mô, SHB chủ động triển khai nhiều gói vay với chính sách lãi suất hấp dẫn có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng như: gói 16.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất SMEs phục vụ sản xuất kinh doanh, mua ô tô; gói vay ưu đãi lãi suất ngắn hạn với quy mô 5.000 tỷ đồng tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động; dành 50 triệu USD ưu đãi lãi suất doanh nghiệp xuất nhập khẩu, lãi suất chỉ từ 4,5%/năm, cấp gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân quy mô 43.000 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, SHB cũng cấp tín dụng cho một số dự án trong lĩnh vực như Logistics, vận tải cảng biển – những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Một dự án lớn mà SHB cung cấp vốn là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - dự án mở đầu của Mạng lưới Logistics Thông minh ASEAN (ASLN), do Việt Nam và Singapore hợp tác triển khai dưới sự xúc tiến của thủ tướng hai nước. Dự án có quy mô 83 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm. Dự án trọng điểm này ra đời nhằm hướng tới hoàn thành 6 mục tiêu trong "Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025" do Chính phủ đề ra.
Không chỉ đồng hành cùng đất nước khi trở thành nhà tài trợ của các dự án trọng điểm quốc gia, SHB cũng đặc biệt dành nguồn lực lớn cho các hoạt động cộng đồng và xã hội.
Từ các vùng khó khăn do địa hình đến những điểm người dân gặp khó do thảm hoạ của thiên nhiên như lũ lụt, bão lớn, SHB nhanh chóng và kịp thời hỗ trợ đồng bào cả về vật chất và tinh thần.
Từ quỹ thiện nguyện dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đến quỹ vì người nghèo, quỹ an sinh xã hội, SHB cũng đều luôn dành ngân sách hàng năm ủng hộ.
Vừa qua,SHB ủng hộ 100 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong chương trình phát động ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi toàn quốc với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi". Nhà băng này cũng triển khai chính sách tài chính hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão lũ như giảm bình quân 50% tiền lãi phải trả 4 tháng cuối năm, ước tính 40 tỷ đồng. SHB cấp thêm gói tín dụng với khoản vay mới, lãi suất chỉ 4,5%/năm. Ước tính, tổng số tiền dành cho các hoạt động hỗ trợ người dân, khách hàng sau bão lũ và an sinh xã hội gần 150 tỷ đồng.
Gần nhất, SHB phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã trao tặng 2 công trình công trình lớp học cho các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học trên địa bàn tỉnh. Công trình do SHB tài trợ xây dựng gồm 9 phòng học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sín Chải, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa và 9 phòng học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Phình Giàng, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng.
Mặt khác, SHB cũng quan tâm đến đời sống tinh thần và trách nhiệm xã hội, cộng đồng. Vào năm 2022, câu chuyện bản quyền bóng đá World Cup 2022 từng khiến hàng triệu người hâm mộ cả nước lo lắng bởi kịch bản những trận cầu đỉnh cao có thể sẽ không được chiếu tại Việt Nam. SHB đã trở thành nhà tài trợ bản quyền 64 trận đấu hay nhất hành tinh, làm nức lòng người yêu bóng đá cả nước.
Qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, SHB đều ẩn hiện và chung tay đóng góp vì người dân, cộng đồng xã hội.
Chỉ hơn 3 tháng trước, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của SHB trở thành sự kiện đặc biệt giới tài chính ngân hàng được quan tâm khi thu hút tới hơn 1.500 cổ đông và người được uỷ quyền tham dự. SHB là một trong những ngân hàng có số lượng cổ đông tham gia lớn nhất. Đặc biệt, nhiều cổ đông đã gắn bó với SHB hàng thập kỷ qua.
Điều gì khiến SHB có nhiều cổ đông tham gia đến như vậy? Đó là "chữ tín" mà SHB luôn gìn giữ qua 31 năm. Ngay tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB nhấn mạnh nhiều lần rằng: Luôn đặt lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư lên hàng đầu. Ông Hiển cho biết, đó là lý do mà trong các cuộc thương thảo của SHB với đối tác, ngân hàng luôn nghiên cứu chặt chẽ và đặt ra yêu cầu cao, tối ưu quyền lợi, đảm bảo lợi ích cổ đông.
SHB luôn đảm bảo quyền lợi cổ đông, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hằng năm với tỷ lệ 9,9 – 18% trong 5 năm qua (riêng cổ tức 2023 chi trả bằng hình thức tiền mặt và cổ phiếu). Ngân hàng liên tục nâng cao nền tảng vốn, các hệ số an toàn vốn, quản trị rủi ro luôn tuân thủ tốt hơn so với quy định của NHNN. SHB kiên tâm với định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả, liên tục nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, mô hình hiện đại.
Với chiến lược rõ ràng, khác biệt, phù hợp theo từng giai đoạn, có định hướng lâu dài, SHB luôn nhận được sự tin tưởng của cổ đông. Ngân hàng cũng liên tục đổi mới sáng tạo cứu đưa những sản phẩm dịch vụ, tiện ích hiện đại đồng thời xây dựng, cung cấp các chương trình sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Qua 31 năm xây dựng và phát triển, SHB đang triển khai Chiến lược Chuyển đổi 2024-2028 mạnh mẽ và toàn diện dựa trên 4 trụ cột: Cải cách cơ chế, chính sách, quy định, quy trình; Con người là chủ thể; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Hiện đại hóa công nghệ thông tin và chuyển đổi số và kiên định theo 6 giá trị văn hóa cốt lõi "Tâm – Tin – Tín –Tri – Trí – Tầm".
Ngân hàng đặt mục tiêu chiến lược trở thành Ngân hàng TOP 1 về hiệu quả; Ngân hàng Số được yêu thích nhất; Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất đồng thời là Ngân hàng TOP đầu cung ứng nguồn vốn, sản phẩm tài chính dịch vụ với khách hàng doanh nghiệp chiến lược tư nhân và Nhà nước, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ sinh thái, phát triển xanh.
Trong năm 2024, SHB đưa ra kế hoạch tổng tài sản vượt 701.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng 12% lên 40.658 tỷ đồng.
Với vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực và quốc tế, SHB luôn gắn trách nhiệm, vai trò của ngân hàng với cổ đông, khách hàng, cộng đồng, xã hội trong các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, công tác từ thiện, thực hiện tốt chính sách định hướng của Đảng và Nhà nước.
Khởi nguồn từ Tâm, SHB luôn đồng hành, kiến tạo và lan tỏa giá trị tốt đẹp tới người dân, cộng đồng và xã hội, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Xuyên suốt 31 năm phát triển, khởi nguồn từ TÂM, SHB đã và đang nỗ lực, kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến toàn thể cán bộ nhân viên, khách hàng, cổ đông và xã hội. SHB xin gửi lời cảm ơn đến khách hàng, đối tác, cổ đông, cán bộ nhân viên đã luôn sát cánh qua hơn ba thập kỷ và cam kết tiếp tục đồng hành, vươn tầm trong kỷ nguyên mới của đất nước - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bài:Kim Ngân
Thiết kế:Hải An
Bình luận (40)