Hãy là người đầu tiên thích bài này
SCR: Nhiều dự án được gỡ vướng, TTC Land chuyển từ phòng thủ sang chủ động

Lãnh đạo TTC Land cho biết có 2 dự án lớn tại TP. HCM đã được gỡ vướng pháp lý, kỳ vọng đem lại dòng tiền và lợi nhuận trong tương lai.

Ông Nguyễn Thành Chương phát biểu tại đại hội. Nguồn: TTC Land

Sáng ngày 24/4, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã: SCR) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024. Lãnh đạo công ty đánh giá thị trường bất động sản đã ghi nhận những chuyển biến tích cực từ cuối năm 2024 và dần lấy lại đà phục hồi trong những tháng đầu năm 2025.

Do vậy, TTC Land xác định năm 2025 là thời điểm bản lề để chuyển từ chiến lược phòng thủ sang giai đoạn tăng trưởng chủ động. Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 800 tỷ đồng, tương đương năm trước; song lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 49% lên 50 tỷ đồng.

Cổ đông tỏ ra lo ngại về tính khả thi của kế hoạch cũng như biến động thị trường có thể khiến dự án bị chậm trễ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Ông Võ Thanh Lâm, Tổng Giám đốc nhìn nhận thị trường có khá nhiều biến động nhưng có xu hướng chung là khả quan và tích cực, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2025. Nhu cầu mua nhà thật và Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ, tháo gỡ pháp lý, các dự án đã bắt đầu triển khai lại được sau giai đoạn đứng yên nhiều năm.

Theo ông Lâm, 2 dự án trọng điểm năm nay sẽ là Panomex River Villas và Selavia Phú Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp đẩy mạnh các dự án trọng điểm khác như TTC Plaza Đà Nẵng, dự án Cù Lao Tân Vạn - một dự án mới nổi bật sau thương vụ M&A với Công ty CP Đầu tư Tín Nghĩa - Á Châu.

Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh khai thác hoạt động cho thuê sàn thương mại, quản lý tòa nhà và thi công cảnh quan để tăng dòng tiền hoạt động.

Bổ sung thêm, Chủ tịch Nguyễn Thành Chương chia sẻ tình hình bất động sản trong 2-3 năm vừa rồi rất trầm lắng nhưng dự báo nửa cuối 2025 sẽ có nhiều điểm sáng khác hẳn hơn năm 2024 cũng như nửa đầu năm, dù kinh tế thế giới còn nhiều biến động như chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị, chính sách bảo hộ quốc gia... Các kênh đầu tư như vàng, USD đang tăng giá thì bất động sản được nhận định là kênh trú ẩn tương đối an toàn hơn trong thời gian tới.

TTC Land đã có sự chuẩn bị cho sự phục hồi, đưa ra nhiều sản phẩm để đón đầu nhu cầu. “Chúng tôi hoàn toàn tự tin về kế hoạch và chiến lược đề ra”.

Mục tiêu trong 2025 - 2026, TTC Land sẽ tập trung công tác hiệu quả dòng tiền và pháp lý. Mấy năm vừa rồi pháp lý rất khó khăn, chưa kể thông tin sáp nhập tỉnh, thành, tinh gọn bộ máy… tất cả đều là những rào cản. "Tuy nhiên, ban lãnh đạo TTC Land đã phải chạy, chạy nhanh và chạy trước những gì có thể làm để không kéo dài quy trình, thủ tục", ông Chương nói.

Cùng chương trình chống lãng phí của Tổng bí thư Tô Lâm, TP.HCM có hàng loạt cuộc họp gỡ rối cho doanh nghiệp bất động sản, trong đó có TTC Land. Công ty cũng đã gỡ vướng được lô K của Panomax River Villa (quận 7), đây là miếng đất vàng của TTC Land, sắp đóng tiền sử dụng đất và theo lộ trình thì tháng 9 có giấy phép xây dựng. “Như vậy, điểm rơi dòng tiền dự án đâu đó vào cuối 2025 nhưng hạch toán ghi sổ vào 2026”, vị Chủ tịch tính toán.

Thứ 2, một dự án khác có quy mô đầu tư rất lớn - Charmington Dragonic (quận 5) bị vướng nhiều năm qua cũng đang được tháo gỡ, mới thông được 1/2000 điều chỉnh cục bộ, tiếp theo đấu thầu chọn nhà đầu tư và công nhận chủ trương đầu tư. Đối với dự án này thì chậm nhận tháng 6/2026 phải có giấy phép xây dựng.

Đối với dự án Cù Lao Tân Vạn vừa được đổi tên thành Kim Quy, pháp lý đã đầy đủ, chuẩn chỉnh trên từng lô đất, dự kiến bán một phần trong năm nay và tập trung bán vào nửa cuối năm 2026 (cụ thể từ tháng 9/2026).

Doanh nhân Đặng Hồng Anh rút khỏi HĐQT TTC Land

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên, TTC Land đã nhận được đơn từ nhiệm của 3 thành viên là ông Đặng Hồng Anh, ông Phạm Trung Kiên và ông Lê Quang Vũ. Trong đó, ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC Group, là nhân vật có ảnh hưởng và hết sức tâm huyết với TTC Land.

Lý giải lo ngại biến động nhân sự của cổ đông, ông Nguyễn Thành Chương, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ mỗi doanh nghiệp đều có chu kỳ phát triển, mỗi giai đoạn có định hướng khác nhau. Ông Hồng Anh rút khỏi HĐQT nằm trong lộ trình vạch ra cách đây 1 – 2 năm, phù hợp với chiến lược của TTC Land cũng như TTC Group (cổ đông lớn), lui về đảm nhận cấp quản lý ở TTC Group. Đồng thời, trong tình hình mới, TTC Land cũng cần có một số nhân tố mới, bộ máy mới để thực hiện chiến lược giai đoạn mới.

Như vậy, bộ máy quản lý của doanh nghiệp sau khi kiện toàn sẽ gồm ông Nguyễn Thành Chương, Chủ tịch HĐQT và ông Võ Thanh Lâm, Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp bổ sung thêm 4 thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Văn Bảnh, ông Nguyễn Thái Sơn, ông Trần Văn An và ông Nguyễn Văn Hòa. 4 thành viên HĐQT mới có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và phát triển đô thị kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực điều hành và hỗ trợ hiệu quả cho công ty trong việc triển khai các định hướng chiến lược sắp tới.

Bà Huỳnh Bích Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC, đại diện Cổ đông tặng hoa chúc mừng các Thành viên HĐQT TTC Land nhiệm kỳ mới. Nguồn: TTC Land
Nhìn lại năm 2024, trong bối cảnh ngành bất động sản phục hồi chậm và chịu áp lực từ chi phí vốn, TTC Land ghi nhận doanh thu thuần đạt 799 tỷ đồng, tăng 115% so với cùng kỳ và vượt 13% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 34 tỷ đồng, tăng 106%, hoàn thành 110% mục tiêu. Song, lợi nhuận sau thuế giảm 74% xuống 4,2 tỷ đồng do chi phí thuế tăng cao.

Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 11.847 tỷ đồng, tăng hơn 11%, chủ yếu đến từ các khoản đầu tư dài hạn vào các dự án như TTC Plaza Đà Nẵng và Selavia Phú Quốc.

Link gốc

Đang tải nội dung...

Bình luận (1)

Sang tháng có về nổi mệnh không cả nhà?
12:19

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long