Cổ phiếu TTC AgriS đã tăng hơn gấp rưỡi tính từ đầu năm và lên vùng giá cao nhất trong 3 năm qua. Doanh nghiệp đang triển khai phương án huy động gần 500 tỷ đồng từ cổ đông.
TTC AgriS ưu tiên ứng dụng công nghệ trong quản trị. Nguồn: SBT
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính sách thuế quan của Mỹ, cổ phiếu mía đường TTC AgriS (mã: SBT) ngược dòng tăng mạnh lên vùng 17.000 đồng/cp, vùng giá cao nhất tính từ tháng 4/2022.
Nếu xét từ đầu năm, mã chứng khoán SBT đã tăng 54,5%. Ngay cả tại thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng, cổ phiếu này chỉ đi ngang quanh vùng 14.000 đồng/cp và sau phiên 9/4 tiếp tục bứt lên.
Đà tăng của cổ phiếu SBT không chỉ đi ngược thị trường chung mà còn đi ngược nhóm cổ phiếu mía đường trên sàn chứng khoán khác như Mía đường Sơn La (mã: SLS), Mía đường Lam Sơn (mã: LSS), Mía đường Cao Bằng (mã: CBS). Đường Kon Tum (mã: KTS)…
Nguồn: https://finance.vietstock.vn/
Huy động gần 500 tỷ đồng từ cổ đông
TTC AgriS đang trong quá trình triển khai phương án phát hành gần 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, kỳ hạn 1 năm. Mục tiêu là để cơ cấu nợ.
Đối tượng được mua là cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phân bổ 16291/100 (tức cổ đông sở hữu 162,91 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 trái phiếu). Cổ đông mua trái phiếu sẽ được hưởng mức lãi suất cố định 9,5%/năm.
Đồng thời, tại thời điểm chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông sau 1 năm, giá chuyển đổi được tính bằng 80% của giá đóng cửa bình quân 30 phiên liên tiếp không có trọng số của cổ phiếu SBT trước ngày HĐQT thông qua việc phát hành cổ phiếu để chuyển đổi từ trái phiếu. Trong trường hợp giá chuyển đổi thấp hơn mệnh giá cổ phiếu, TTC AgriS sẽ dùng thặng dư vốn cổ phần để bù đắp cho phần thặng dư âm phát sinh do phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.
TTC AgriS lên sàn chứng khoán từ 2008 với khối lượng niêm yết lần đầu gần 45 triệu cổ phiếu, hiện nay đã tăng lên 814,5 triệu đơn vị. 2 cổ đông lớn gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (nắm 21,91% vốn) và Legendary Venture Fund 1 (nắm 16,47% vốn).
Công ty tăng vốn chủ yếu thông qua trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán ESOP, chào bán riêng lẻ hoặc nhận sáp nhập. Đợt phát hành trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu là lần hiếm hoi TTC AgriS gọi vốn từ cổ đông.
Thực tế vào năm 2023, công ty do bà Đặng Huỳnh Ức My làm Chủ tịch HĐQT từng muốn chào bán trực tiếp 148 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 12.000 đồng/cp nhưng sau đó tạm dừng do tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi. Thời điểm đó, cổ phiếu SBT liên tục giảm từ vùng 15.000 đồng/cp về 11.000 đồng/cp, thấp hơn giá chào bán cho cổ đông.
Các chi phí đồng loạt giảm, cắt hàng trăm lao động chính thức
Về hoạt động kinh doanh, công ty ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể trong quý III và lũy kế 9 tháng niên độ 2024 – 2025 (1/7/2024 – 31/3/2025).
Cụ thể, doanh thu quý III đạt 7.289 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán đường đạt 6.670 tỷ đồng, tăng 24,2% và đóng góp 91,5% tổng doanh thu; doanh thu bán phân bón tăng nhẹ nhưng doanh thu bán mật đường, bán điện và khác đồng thời giảm. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao nên biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,7% xuống 10,1%, lợi nhuận gộp giảm 5,5% xuống 741,5 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm nhưng chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm; chủ yếu giảm ở chi phí lãi vay, chi phí nhân viên và hỗ trợ bán hàng, chi phí dịch vụ mua ngoài. Nhờ đó, lợi nhuận công ty vẫn tăng 14,6% lên 215 tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy công ty đã cắt giảm 275 lao động chính thức từ 2.380 người xuống 2.105 người trong 9 tháng qua và tăng nhân viên thời vụ từ 119 lên 399 người. Tổng số lượng nhân viên gần như không đổi 2.504 người so với 2.499 người đầu niên độ.
Lũy kế 9 tháng, TTC AgriS đạt doanh thu 21.648 tỷ đồng, tăng 10,7%; lãi sau thuế 680 tỷ đồng, tăng 16,9%. Như vậy, công ty đã thực hiện được 83% chỉ tiêu doanh thu và 86% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm.
Về mặt tài sản, doanh nghiệp giảm nhẹ tổng tài sản xuống 33.842 tỷ đồng so với đầu niên độ. TTC AgriS giảm đáng kể khoản phải thu từ 11.240 tỷ đồng xuống 8.218 tỷ đồng, chủ yếu giảm trong trả trước người bán ngắn hạn và phải thu ngắn hạn khác. Ngược lại, công ty tăng mạnh khoản đầu tư vào công ty liên kết từ 2.505 tỷ lên 4.320 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, doanh nghiệp đã tăng đầu tư mới trong kỳ 1.994 tỷ đồng và thanh lý công ty con 96,4 tỷ đồng. Đó là khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre - Betrimex (858 tỷ sở hữu 21,9 triệu cổ phiếu) và Global Mind Investment Management Pte. Ltd (1.149 tỷ sở hữu 13,7 triệu cổ phiếu). Trong đó, Global Mind Investment Management Pte. Ltd là đơn vị nắm 13,22% vốn Betrimex.
Theo quyết định HĐQT vào tháng 10/2024, TTC AgriS sẽ đầu tư nắm giữ 40% vốn Betrimex, thương vụ dự kiến hoàn tất trong niên độ 2024 – 2025. Tính đến hết quý III, doanh nghiệp đã chi gần 2.000 tỷ đồng để nắm 23,22% tỷ lệ lợi ích trong Betrimex. Ban Tổng Giám đốc tin rằng giá trị hợp lý khoản đầu tư cao hơn giá trị ghi sổ.
Betrimex là công ty do bà Đặng Huỳnh Ức My làm Chủ tịch HĐQT (trước khi TTC Agris đầu tư). Doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối và thương mại các sản phẩm từ dừa thị phần nội địa lên đến 73%, vốn điều lệ 2.194 tỷ đồng. TTC AgriS định giá Betrimex ở mức khoảng 8.500 tỷ đồng.
NGỌC ĐIỂM
Bình luận (3)





