Trước yêu cầu phát triển bền vững, việc thực hiện giải pháp sản xuất kinh doanh dựa vào tự nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực cho doanh nghiệp.
Giải pháp sản xuất kinh doanh dựa vào tự nhiên không những giải quyết được những thách thức về tự nhiên, mà còn mang lại lợi ích kinh tế bền vững, nâng cao giá trị uy tín, thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cho DN.
Từ cánh đồng cúc chi mênh mông tươi tốt, xanh mơn mởn tại thôn Đông Trại, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên do Công ty CP Công nghệ cao Traphaco (Traphaco CNC) phát triển cho thấy, sự kết kết hợp hiệu quả của mô hình hợp tác 4 nhà nông, nhà DN, nhà khoa học và Nhà nước. Với mô hình này, Traphaco CNC hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc và thu hái cúc hoa vàng theo quy trình nghiêm ngặt, áp dụng kỹ thuật trồng trọt tiên tiến để đảm bảo chất lượng cao.
Ông Nguyễn Tiến Lên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Trại, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết, những năm trở về trước, người dân thôn Đông Trại vẫn cấy lúa, trồng hoa màu, thu nhập từ lúa, khoai và những công việc lặt vặt khác khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Traphaco CNC hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc và thu hái cúc hoa vàng theo quy trình nghiêm ngặt
Tuy nhiên khi địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết phát triển vùng dược liệu cung cấp nguyên liệu đầu vào là hoa cúc chi cho Traphaco CNC, thu nhập bình quân đầu người ở đây đã tăng lên qua các năm và năm nay đã tăng lên hơn 77 triệu đồng. Điều này đã góp phần quan trọng để Đông Trại đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đồng thời cho biết, việc liên kết với doanh nghiệp đã làm thay đổi hẳn thói quen sản xuất của nông dân.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đào Thuý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco cho biết, Traphaco đã lựa chọn phát triển bền vững là sứ mệnh của doanh nghiệp. Ngoài việc phát triển kinh doanh, tạo hiệu quả kinh tế, Traphaco còn là doanh nghiệp luôn quan tâm chăm sóc người lao động, phát triển cộng đồng, gìn giữ hệ sinh thái xanh.
“Vùng cây dược liệu được Traphaco tập trung phát triển để tạo ra các sản phẩm dược liệu đầu định có chất lượng cao thông qua chuỗi giá trị xanh, sử dụng công nghệ xanh hiện đại, giúp sản phẩm có chất lượng ổn định. Từ đó để nhằm đến mục tiêu là xây dựng các vùng trồng đạt theo tiêu chuẩn GACP của Tổ chức Y tế thế giới, đó là tạo ra những cây dược liệu sạch theo mô hình bà con nông dân sẽ cùng với DN tuân thủ các quy trình phát triển dược liệu sạch”, bà Hà cho biết.
Theo ông Phạm Hoàng Hải, Phụ trách quan hệ đối tác, Ban thư kí Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững (VBCSD), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giải pháp kinh doanh dựa vào tự nhiên mang lại những lợi ích tích cực cho các DN. Đó là góp phần nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu và trách nhiệm của DN với các vấn đề xã hội, giúp DN đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Khi DN lồng ghép các giải pháp kinh doanh dựa vào thiên nhiên sẽ giải quyết được các vấn đề môi trường, thực hiện các vấn đề liên quan về mặt xã hội cũng như các vấn đề liên quan đến bảo quản trị của DN. Các DN hãy cùng hành động cho một tương lai bền vững và thịnh vượng và lâu dài”, ông Phạm Hoàng Hải nói.
Mặc dù vậy, hiện các DN thực hiện theo giải pháp này cũng còn đó những thách thức. Cụ thể như việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững còn gặp khó khăn liên quan đến sự cam kết tuân thủ của đối tác thứ ba, hay ý thức tuân thủ của chính người dân địa phương; trong các dự án bị tác động từ thiên tai, thời tiết…
Bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc đối ngoại vùng Đông Á của Tập đoàn British American Tobacco nêu thực tế, nhiều dự án của tập đoàn liên quan đến trồng rừng, nhưng chưa có chính sách cụ thể như về giảm thiếu khí phát thải nhà kính hay cơ chế hưởng lợi về carbon… nên rất cần Nhà nước sớm có quy định cụ thể để Tập đoàn có thể tiếp tục tái đầu tư và tăng cường đầu tư dài hạn cho các dự án tiếp theo.
Giải pháp kinh doanh dựa vào tự nhiên mang lại nhiều lợi ích tích cực cho các doanh nghiệp
Theo Ngân hàng thế giới, dự kiến nhóm giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) có thể đóng góp 37% lượng cắt giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, đồng thời mang lại những lợi ích bổ sung như tăng cường khả năng chống chịu, sức phục hồi cho môi trường và hệ sinh thái trước thiên tai.
Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững”. Đây tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.
Do đó để phát triển kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm, “kinh doanh vị tự nhiên”, cùng với việc các cơ quan Chính phủ cần có một hành lang pháp lý cũng như chính sách ưu đãi cụ thể rõ ràng, yêu cầu đặt ra đối với các DN phải chuyển đổi xanh, có trách nhiệm hơn nữa hướng tới tôn trọng tự nhiên, hoạt động thân thiện với môi trường và đa dạng sinh học.